Ông Lê Tấn Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết đã ký quyết giao Sở NN&PTNT triển khai công trình cấp bách ngăn mặn tại 6 rạch dọc quốc lộ 62 đoạn từ cầu Bà Hai Màng đến cầu Bến Kè và 13 cống (Bà Lộc, Rạch Bần, Tam Lan, Ô Gà, Cá Bống, Bà Thầy, Cà Ràng, Rạch Ga, Bà Sở, Thầy Pháp, Nước Trong, Cây Khế, Rạch Lò).
Xâm nhập mặn tăng nhanh trên các kênh rạch vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: H.Hải |
Ông Dũng cho biết, qua nhiều ngày theo dõi, nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về không đủ để đẩy mặn ở sông Vàm Cỏ Tây. Hiện độ mặn đo được tại các cầu dọc trên tuyến quốc lộ 62 đã tăng cao trên 2,4 g/l.
"Để ngăn mặn xâm nhập nội đồng gây thiệt hại cho khu vực Đồng Tháp Mười, ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân Long An, đặc biệt ảnh hưởng đến tỉnh Tiền Giang nên Tỉnh ủy chỉ đạo khởi công công trình đắp đập ngay vào ngày 7/4", ông Dũng nói.
Cũng trong chiều cùng ngày, ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An - đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Cẩn - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hai bên đã bàn bạc thống nhất phương án triển khai công trình đắp đập tạm ngăn mặn.
Trong buổi làm việc, 2 bên giải thích rõ thông tin "tỉnh Long An không đồng ý đắp đập ngăn mặn giúp Tiền Giang". 2 bên nhìn nhận đã thiếu sót trong việc liên hệ với nhau.
"Khi nhận được văn bản đề nghị đắp đập từ phía Tiền Giang, chúng tôi trả lời đang chờ theo dõi tình hình diễn biến xâm nhập mặn, chờ nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Vì nếu đắp đập xong mà nước về thì sẽ gây lãng phí, nhưng khi thông tin trao đổi không được rõ ràng gây hiểu nhầm", ông Hoàng phát biểu.
Theo ông Dũng, tỉnh theo dõi sát sao diễn biến xâm nhập mặn và lượng nước đổ về từ thượng nguồn sông Mekong để có phương án xử lý tránh gây lãng phí. "Khi nhận thấy tình hình cấp bách đã triển khai ngay phương án đắp đập, vì giúp cho Tiền Giang cũng chính là giúp cho chính mình", ông Lê Tấn Dũng cho biết.
Bản đồ các tỉnh vùng ĐBSCL. |