Phòng thay đồ được thiết kế liên thông với phòng ngủ chính. |
Căn phòng thay đồ được Hoàng Sơn phân chia thành từng khu cụ thể. Trong đó, một vị trí dùng để trưng bày quần áo, giày dép; ở giữa là tủ đựng đồng hồ, phụ kiện; gian còn lại dành cho nước hoa và nến thơm.
"Tôi vốn đam mê thời trang nên phòng để đồ được đầu tư không kém gì các khu vực chính như phòng ngủ hay phòng khách", Sơn chia sẻ với Zing.
Được đầu tư như phòng chính
Phần lớn quần áo của Hoàng Sơn được treo trên mắc, vì vậy phòng thay đồ được ưu tiên diện tích cho phần treo.
"Với cách thiết kế này, tôi vừa tiện lấy đồ, vừa có cảm giác mình đang ở trong một cửa hàng", anh nói.
Quần áo, phụ kiện và nước hoa của Hoàng Sơn được phân chia thành từng khu rõ ràng. |
Với những món đồ thường mặc, anh treo và phân loại theo màu sắc. Còn đồ ít dùng như quần áo mùa lạnh dành riêng cho những chuyến du lịch lại được gấp gọn, cho vào giỏ mây và cất lên ngăn trên cùng. Nhờ thế, căn phòng trông vừa gọn gàng, ngăn nắp, vừa không bị rối mắt.
"Tôi là một người 'nghiện' giày nên đã dành toàn bộ các ngăn bên dưới cho giày dép", anh cho biết, đồng thời giới thiệu về bộ sưu tập giày chiếm hết 6 hàng trong kệ quần áo, được xếp ngăn nắp theo từng đôi.
Vân Anh sử dụng tủ để đồ bằng gỗ màu trắng kết hợp với sàn gỗ tạo cảm giác sang trọng. |
Ngoài giày, Sơn còn đam mê sưu tầm nước hoa. Những bộ sưu tập hay dùng nhất được anh ưu ái đặt ở khu chính. Các nhãn hiệu còn lại được trưng bày ở một khu khác cùng với nến thơm.
Chia sẻ về cách thiết kế, Sơn cho biết tủ và kệ quần áo đều được làm bằng chất liệu gỗ để phù hợp với phong cách công nghiệp (Industrial) mộc mạc, cá tính của ngôi nhà. Ngoài ra, anh sử dụng hệ đèn âm trần (downlight) và kết hợp thêm đèn LED ẩn ở bên dưới để chiếu rõ từng ngăn, kệ.
Trái ngược với Hoàng Sơn, Vân Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thích trưng bày đồ đạc trong tủ kính để tránh bụi bặm.
Khi thiết kế căn hộ 188 m2, cô đã đập bớt một phòng ngủ để có không gian cho phòng thay đồ. Không gian này có diện tích rộng rãi với hệ tủ lớn cao kịch trần. Bên cạnh đó, cô còn bổ sung một bàn đảo được chia thành nhiều ngăn tủ để đựng phụ kiện, trang sức và đồng hồ.
"Đây là góc yêu thích nhất của tôi trong căn nhà. Mỗi sáng, tôi thường dành 30 phút đứng trước tủ quần áo để phối trang phục và phụ kiện", cô chia sẻ.
Ngoài ra, Vân Anh còn trang bị thêm hệ thống điều hòa âm trần, đảm bảo phòng luôn khô ráo, quần áo và giày dép không bị ẩm mốc.
Phòng thay đồ tối giản của Quyên Trần phù hợp với căn hộ có diện tích khiêm tốn. |
Phòng để đồ không chỉ dành cho những chung cư hay biệt thự lớn. Với căn hộ rộng 75 m2 của mình, Quyên Trần (quận Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn có thể thiết kế một khu walk-in closet theo theo phong cách tối giản.
"Hiện nay, rất ít căn hộ có đủ diện tích cho khu thay đồ. Bởi vậy, walk-in closet là chi tiết mà tôi tâm đắc nhất", Quyên chia sẻ.
Ngoài tủ đựng quần áo lớn, khu vực này còn tích hợp một chiếc tủ gương để cất đồ skincare và dụng cụ cá nhân.
Quyên cho biết cô không thích bày nhiều đồ đạc ở bàn trang điểm vì trông khá rối mắt. Do đó, cô chọn thiết kế tủ gương vì tính thẩm mỹ và tiện dụng.
Thông thường, Quyên chỉ bày những món hay sử dụng nhất ở trên bàn, số còn lại được cất gọn vào trong.
Xung quanh gương còn được thiết kế một hệ đèn LED phục vụ cho việc trang điểm hoặc tìm đồ.
Thiết kế phòng để đồ
Theo trang The New York Times, phòng thay đồ bắt đầu phổ biến trong tầng lớp thượng lưu Mỹ từ những năm 1930. Khi ấy, tủ quần áo trong phòng ngủ chính của các căn hộ bắt đầu có ổ cắm điện và những kệ để giày rộng rãi.
Đến năm 1950, thiết kế này được ứng dụng rộng rãi hơn. Mọi người có xu hướng xây phòng để quần áo lớn và không có cửa ngăn.
Nếu muốn có một khu walk-in closet trong nhà, bạn có thể tham khảo thêm một số mẹo giúp sắp xếp quần áo khoa học và tận dụng tối đa diện tích.
Bạn cần phân loại và ước tính số lượng đồ đạc trước khi thiết kế phòng thay đồ. Ảnh minh họa: LA Closet Design. |
Phân loại
Hanna Baxter, Giám đốc nội thất của công ty dọn nhà Horderly Prosfessional Organisation (Mỹ), khuyên rằng bạn nên tổng hợp và phân loại quần áo theo danh mục trước khi thiết kế tủ, kệ và mua giỏ đựng đồ.
Với quần áo đã không mặc hơn một năm, bạn hãy cân nhắc quyên góp hoặc bỏ đi.
Lisa Adams, giám đốc điều hành của hãng thiết kế phòng thay đồ LA Closet Design (Mỹ) cho biết cô thường tạo bảng tính để kiểm kê từng đôi giày và bộ quần áo. Điều này giúp cô nắm rõ số lượng các hàng treo thấp, trung bình và lớn phù hợp với từng loại.
Váy và áo sơ mi nên được treo trên mắc, còn quần và áo len có thể cất trong tủ, kệ. Ảnh minh họa: Stefan Radtke. |
Sắp xếp quần áo
Phòng thay đồ cần có đủ thanh, kệ treo đồ và các ngăn kéo. Khi ấy, bạn có thể chọn lựa quần áo như đang đi dạo trong cửa hàng mà không phải bới tung cả tủ để tìm kiếm.
Carolyn Musher, phó giám đốc bán hàng của hãng tủ California Closet (New York, Mỹ), cho rằng bạn nên bố trí không gian cần thiết để treo những món đồ như váy, áo sơ mi, đồng thời để trống một vài ngăn, kệ cho những món sẽ mua sau này.
Về cách thiết kế, đầu tiên, Musher thường lắp một thanh treo đồ cách sàn khoảng 100-106 cm. Sau đó, cô thêm một chiếc kệ ở phía trên và đo thêm 100 cm nữa để lắp thanh treo đồ tiếp theo.
Theo cô, áo len và quần jean nên được gấp lại và xếp chồng trên giá, nhưng đồ lót, tất, đồ ngủ và áo phông có thể cất trong ngăn kéo. Lý tưởng nhất, ngăn kéo quần áo nên sâu từ 35-40 cm.
Túi xách và giày dép cần có những cách bảo quản riêng. Ảnh minh họa: LA Closet Design. |
Sắp xếp giày dép, túi xách
Thay vì sử dụng kệ giày nghiêng tốn diện tích, bạn nên chọn loại kệ phẳng và xếp xen kẽ từng chiếc để cất được nhiều giày hơn.
Túi xách cũng nên được xếp thành hàng trên kệ. Để giữ cho chúng không bị đổ, bạn có thể sử dụng các tấm polycarbonate trong suốt và ngăn giữa các túi.
Phụ kiện có thể xếp vào các không gian trống trong tủ. Ảnh minh họa: California Closets. |
Sắp xếp phụ kiện
Sau khi quần áo, túi xách đã được sắp xếp gọn gàng, bạn có thể tận dụng không gian còn lại để treo phụ kiện.
Với thắt lưng và cà vạt, cô Musher gợi ý thiết kế hệ thống móc trượt. Ngoài ra, bạn có thể thêm các thanh treo dễ dàng thu vào, kéo ra để tạo thành một móc treo đồ giặt khô, áo khoác, đồ vừa thay...
Thêm đó, mặt sau của cánh tủ có thể tận dụng để gắn gương soi toàn thân hoặc các hộp đựng trang sức.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.