Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn, ngày 13/5, ký ban hành hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách Nhà nước năm 2021 và 2022 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 của Thủ tướng (đề án 89).
Các tiến sĩ trẻ của Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA) đang thử nghiệm điều khiển thiết bị bay thông minh bằng giọng nói. Ảnh: Kim Chi/Người Lao Động. |
Đào tạo cả trong nước và ngoài nước
Theo đề án 89, từ nay đến năm 2030, 7.300 giảng viên đại học (ĐH) được đào tạo trình độ tiến sĩ (10% giảng viên đại học cả nước). Trong đó, 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường ĐH Việt Nam với các trường ĐH nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, khoảng 80% giảng viên các trường thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao đạt trình độ thạc sĩ trở lên.
Theo Bộ GD&ĐT, sẽ có 3 hình thức đào tạo là đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam, đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài và đào tạo toàn thời gian theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài (chỉ dành cho đào tạo ở trình độ tiến sĩ).
Về ngành đào tạo, đối với trình độ tiến sĩ là tất cả ngành theo nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ giảng viên và chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của đất nước trong giai đoạn từ nay đến 2030. Học bổng ở trình độ thạc sĩ chỉ được cấp cho các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.
Đối với đào tạo toàn thời gian ở Việt Nam, người học được hỗ trợ học bổng và học phí, hỗ trợ chi phí đi dự hội thảo hoặc thực tập ở nước ngoài.
Nếu đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, người học được hỗ trợ học bổng và chi phí đào tạo bao gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm y tế, vé máy bay một lượt đi và về, các loại phí bắt buộc khác theo quy định của cơ sở tiếp nhận (nếu có).
Trường hợp đào tạo theo hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo của Việt Nam và cơ sở đào tạo của nước ngoài, người học được hỗ trợ tùy theo thời gian học ở Việt Nam hay nước ngoài.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo Việt Nam phải có tối thiểu 5 nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp và được cấp bằng của ngành đăng ký đào tạo. Cơ sở đào tạo ở nước ngoài có ngành đào tạo thuộc nhóm 500 ngành hàng đầu tại các bảng xếp hạng theo nhóm ngành và lĩnh vực đào tạo có uy tín trên thế giới.
Bộ GD&ĐT cũng cho hay học bổng và chi phí đào tạo hỗ trợ người học được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, không quá 2 năm đối với người được cử đi đào tạo thạc sĩ và không quá 4 năm đối với người được cử đi đào tạo tiến sĩ. Trong đó, kinh phí thực tập, nghiên cứu và tham gia hội thảo ở nước ngoài đối với người được cử đi học toàn thời gian ở Việt Nam tối đa không quá 6 tháng.
Ai được cấp học bổng?
Người được cấp học bổng là giảng viên và những người có nguyện vọng trở thành giảng viên của các cơ sở giáo dục ĐH trong nước có dự định học tiến sĩ trong năm 2021, 2022; hoặc đang là nghiên cứu sinh năm thứ nhất hoặc năm thứ hai nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH và cao đẳng giai đoạn 2010-2020 (đề án 911).
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), cả nước có trên 73.000 giảng viên ĐH, trong đó số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là 28,8%.
Để thực hiện được mục tiêu của đề án, trong 10 năm tới, cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao có trình độ thạc sĩ.
Đối với đào tạo thạc sĩ, ứng viên phải là giảng viên của các cơ sở giáo dục ĐH đào tạo lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao có dự định học thạc sĩ trong năm 2021, 2022 hoặc đang học năm thứ nhất chương trình thạc sĩ.
Bộ GD&ĐT giao các cơ sở cử giảng viên đi đào tạo tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển chọn ứng viên đúng đối tượng, đồng thời, phải có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định đã cam kết.
Các cơ sở giáo dục ĐH có nhu cầu tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ phải cam kết tuyển chọn, cử người đi học đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo hướng dẫn này, có trách nhiệm tiếp nhận người học đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ làm giảng viên của cơ sở theo quy định hiện hành.
Các cơ sở cử giảng viên đi đào tạo, cơ sở có nhu cầu tuyển dụng và tiếp nhận giảng viên rà soát nhu cầu, gửi danh sách ứng viên (bao gồm giảng viên và những người cam kết trở thành giảng viên được cơ sở đồng ý tiếp nhận) gửi Bộ GD&ĐT chậm nhất trước ngày 15/6.
Căn cứ báo cáo của các cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét và thông báo số lượng ứng viên trúng tuyển trước 30/6 để các cơ sở quyết định cử người đi học và cơ sở đào tạo thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Bồi hoàn học bổng: Bài toán khó
Theo hướng dẫn được Thứ trường Hoàng Minh Sơn ký ban hành, người được cử đi học phải phải cam kết quay về làm việc tại cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam sau khi tốt nghiệp.
Những người chưa phải là giảng viên phải có thỏa thuận ký với một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam về việc tiếp nhận làm giảng viên của cơ sở đó sau khi tốt nghiệp.
Người học tự ý bỏ học hay không hoàn thành chương trình đào tạo và không được cấp văn bằng tốt nghiệp; đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng không quay trở lại làm việc tại cơ sở cử đi; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết… sẽ phải có trách nhiệm bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định hiện hành.
Liên quan vấn đề bồi hoàn học bổng, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH lớn của Hà Nội nhận định yêu cầu trường chịu trách nhiệm với kinh phí được cấp là chính xác. Trường là nơi tuyển chọn, cử đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo giảng viên nên sát sao với giảng viên hơn bộ. Tuy nhiên, đặt vấn đề trường đi thu hồi học bổng thì khó quá vì không biết thu hồi thế nào.
Nếu giảng viên cam kết bồi hoàn nhưng đi học ở nước ngoài xong không về nước thì trường biết thu cách gì? Làm sao trường cử người sang nước ngoài đòi được? Thậm chí, nếu cả bố mẹ, vợ hay chồng có ký vào cam kết, trách nhiệm chính vẫn là người đi học chứ không phải người thân. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT phải có quy định chặt chẽ, gỡ khó cho các trường.
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia: Cơ hội tốt cho giảng viên trẻ
Nhiều người lo lắng đề án này có thể khó tuyển được người đi học như đề án 911 nhưng tôi tin là không. Phải nhìn nhận thực tế là hiện nay, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn thấp nên việc chuẩn hóa đội ngũ là rất cần thiết.
Các trường muốn nâng chất phải năng động tuyển chọn những người giỏi có bằng thạc sĩ hoặc đưa ra những cơ hội hấp dẫn cho các nhà khoa học trẻ để họ đến với mình.
Những người xuất sắc có thể không chọn học bổng nhà nước vì họ có nhiều cơ hội tốt hơn nhưng những giảng viên trẻ thì việc xin được học bổng Chính phủ không dễ và đây quả thực là một cơ hội tốt cho họ.
Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện nay tiệm cận với chuẩn quốc tế, nếu đề án 89 thực hiện tốt thì tôi tin sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các trường trong việc lấy ngân sách nhà nước.
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục - đào tạo: Giao các trường chịu trách nhiệm thu hồi học bổng là việc khó
Trước đây, một số ít người được cử đi học không về khiến việc thu hồi kinh phí của Bộ GD&ĐT hoặc của địa phương gặp khó khăn. Giao cho các trường chịu trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp thực sự rất khó.
Để hạn chế tình trạng giảng viên đi mà không về, theo tôi, điều quan trọng là tạo một môi trường hấp dẫn đủ giữ chân, thu hút người giỏi. Hãy tạo điều kiện cho người ta nghiên cứu, làm việc, thậm chí có thêm thu nhập ngoài lương chứ đi học về mà lương thấp, môi trường làm việc không tốt, cách sử dụng không hợp lý thì không ổn. Ở đây, đôi khi không phải vì tiền mà vì cách quản lý, khiến người ta phải ra đi.