Dự án “Đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017-2030” của Đại học Văn hóa sẽ được thực thi vào năm 2018. Việc tuyển chọn tài năng thế nào, đào tạo ra sao để có được những nhà văn giỏi, tác phẩm hay được đông đảo giới văn chương và giáo dục quan tâm.
Các giai phẩm thơ trong bộ "Việt Nam danh tác" - bộ sách tập hợp những tác phẩm xuất sắc của văn chương Việt. |
Viết văn không phải một nghề mưu sinh
Đại học Văn hóa Hà Nội là nơi đào tạo sinh viên viết văn gần 40 năm nay. Đây là nơi học tập của những tài năng đương đại như Nguyễn Bình Phương, Y Ban, hoặc các gương mặt trẻ triển vọng hiện nay như Đinh Phương, Đoàn Văn Mật, Huyền Trang, Lữ Mai…
Từ năm 1981-2004, khoa Viết Văn tách riêng thành Trường Viết văn Nguyễn Du, có giai đoạn đứng độc lập như một đơn vị giáo dục riêng, nhưng sau đó nhập vào thành một khoa của Đại học Văn hóa, với tên “Khoa Sáng tác, Phê bình - Lý luận văn học”. Sau đó, khoa đổi tên thành Viết văn - Báo chí, đào tạo thêm chuyên ngành báo chí theo xu hướng mới của xã hội.
Việc đào tạo văn chương ngày càng thu hút ít học viên. PGS. TS. Văn Giá – Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội - cho biết gần đây, việc đào tạo những người viết văn ngày càng khó.
PGS Văn Giá nêu ba nguyên nhân, trong đó lý do hàng đầu do viết văn không được coi là một nghề mưu sinh trong xã hội hiện nay. Lý do thứ hai, do ngày nay có quan niệm viết văn cốt để nổi tiếng chứ không phải viết vì nhân tâm, vì xã hội; nên không cần đào tạo cũng có thể nổi tiếng như thường, và sự nổi tiếng này phần lớn do truyền thông mà thành.
Lý do thứ ba đến từ phía cơ sở đào tạo đã đánh mất dần sức hấp dẫn vốn có, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo… mang tính giáo dục đại trà mà chưa có nhiều tính đặc thù như nghề viết văn cần có.
Về tình trạng ngày càng ít người lựa chọn theo học viết văn, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắn cho rằng nếu người ta chán, băn khoăn không muốn học viết văn, thì trước hết, phía đào tạo phải tự trách mình. “Chính mình phải tự thu hút thế nào đấy với học viên, để họ yêu thích” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu là giảng viên Ngữ Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh cũng là người đứng lớp, đồng hành với các học viết trong hai khóa của lớp học viết văn “Mùa thu”.
Trần Ngọc Hiếu cho biết đầu vào của các trường đại học ngày nay đều lấy từ các trường viết văn hơn là lấy nguồn từ người đang làm nghề. Càng đi dạy, ở những trường lớn của Hà Nội, Tiến sĩ Hiếu càng gặp những học sinh có cá tính lớn.
“Trường Phổ thông của ta không dạy về triết, nhưng có những em đọc triết học sâu, tìm hiểu về nữa quyền, tôi ngạc nhiên khi các em đọc Hamves Bella, Simone de Beauvoir… say sưa. Tôi gặp những em viết ra những trải nghiệm, điều các em học hỏi được một cách rất tự nhiên, mà hay như một bài thơ” - Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu kể.
Nhưng khi vị tiến sĩ hỏi những câu đại ý: “Em có ý định theo văn chương không?”, anh thường nhận về câu trả lời: “Nếu có theo văn chương, thì em không tới trường học”.
Tại sao những cá tính sáng tạo mạnh như vậy không chọn trường lớp, mà chọn những không gian sáng tạo như Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng Điện ảnh TPD, Nhà sàn Collective… “Có lẽ những cá tính ấy cần ngôi trường bao dung, đối thoại, chứ không trấn áp cá tính hay tạo ra khuôn mẫu” - Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu lý giải.
Dostoyevsky (trái) và Victor Hugo - hai nhà văn, nhà tư tưởng lớn. |
Đã là tài năng thì có cần đào tạo?
Một trong những câu hổi mà PGS. TS. Văn Giá thường nhận được trong tư cách Trưởng khoa Viết văn là: “Liệu có đào tạo được người viết văn?”, hoặc: “Liệu có dạy dỗ mà ra được tài năng văn chương hay không?”.
Nhiều Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu đồng loạt cho rằng trong văn chương có tài năng chưa đủ, việc đào tạo người viết văn là cần thiết. Giáo sư Trần Nho Thìn dẫn lời Khổng Tử, đại ý con người đi học có ba loại: thiên tài không cần học gì cũng thành tài, người tài rồi học hành để trở nên tài hơn, và thứ ba là người học mãi mà không thể thành tài được.
Theo PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - khi nói đến “tài năng” tức là nói đến điều khác thường, gốc gác của tài năng là bẩm sinh. Nhưng nếu chỉ có tài năng mà không được bồi dưỡng thì tài năng đó khó đi đường dài. Theo ông, đằng sau mỗi nhà văn lớn đều là những tư tưởng lỗi lạc, là nhà văn hóa lớn với vốn kiến thức không ngừng được bồi đắp.
Viện trưởng Viện Văn dẫn chứng: “Khi đọc Vỡ bờ tập 1, chúng ta ngỡ tác giả là thiên tài. Nhưng khi đọc tới tập 2, thì không biết nói thế nào nữa. Do đó, việc đào tạo tài năng là hết sức cần thiết”.
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp cho rằng trong bóng đá người ta chấp nhận rủi ro, thì đào tạo văn chương, đào tạo tài năng cũng phải chấp nhận rủi ro. Theo Viện trưởng Viện Văn, đào tào 100 người, mà thành được 5 tài năng là tốt lắm rồi.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - tượng đài văn xuôi đương đại - khái quát việc đào tạo tài năng văn chương theo nguyên lý đạo Phật, ngầm khẳng định việc đào tạo viết văn là điều cần. Ông nói, trong đạo Phật có ba thứ: Phật (người chủ trì, lãnh tụ), Pháp (giáo trình, dạy về kỹ năng, phương pháp), Tăng (thầy, trò, báo chí…)
Theo Nguyễn Huy Thiệp, việc mở trường đào tạo viết văn, đầu tiên mục đích thô thiển là mưu sinh, để sống sót, để Nhà nước không xóa sổ khoa đào tạo viết văn này. Mục đích cao hơn là nuôi dưỡng văn chương, để theo đuổi lý tưởng.
Các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia bàn phương pháp đào tạo tài năng văn học trong hội thảo hôm 12/12 |
Đào tạo tài năng thế nào để có được kiệt tác
Trong bối cảnh ngày càng ít người theo học viết văn, những việc đào tạo lại cần thiết, Đại học Văn hóa Hà Nội có dự án “Đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017-2030”. Theo đó, người học sẽ có chế độ ưu tiên đặc biệt: được miễn học phí toàn bộ, được chuẩn bị tốt từ chương trình, giảng viên mời về giảng dạy, thực tập, xuất bản tác phẩm, giao lưu… Đề án sẽ được thực hiện ngay trong mùa tuyển sinh năm 2018 của khoa.
Đào tạo thế nào để có được tài năng, để có được kiệt tác là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà văn góp ý. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, muốn đào tạo tài năng cần phải dạy cả kiến thức nền, kiến thức liên ngành tốt.
Theo Phó Giáo sư Trần Đình Sử - một người công tác lâu năm trong đào tạo giáo viên dạy văn - vấn đề quan trọng nhất là chương trình đào tạo cần chuyên sâu. Lâu nay chúng ta đào tạo qua bài giảng của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng, họ có vai trò quan trọng trong việc truyền nghề. Nhưng, để tiềm năng văn học phát triển, kiến thức văn hóa, lý luận, mỹ học… là rất quan trọng.
PGS. TS. Nguyễn Đăng Điệp nhấn mạnh việc đào tạo viết văn cần cân bằng giữa tri thức hàn lâm và việc thực hành nghề nghiệp. Bởi nếu hàn lâm quá sẽ đào tạo ra những nhà nghiên cứu, còn nếu chỉ chăm chú đi vào cách viết thì cũng khó có thể tạo ra những tài năng hay tác phẩm lớn. Viện trưởng Viện Văn đề nghị mỗi năm nên mới ít nhất hai nhà văn, học giả nước ngoài đến giao lưu với sinh viên, bởi “bên ngoài kia người ta đổi mới, giao lưu rầm rầm, học viên của chúng ta không thể khép kín”.
Giáo sư Trần Nho Thìn cho rằng giáo trình giảng dạy cũng cần thay đổi. Hiện nay, chúng ta thiếu các cuốn sách về nghề viết. Giáo sư nói: “Sách của chúng ta hoặc phê bình thiên về xã hội học, tư tưởng, hoặc quá hàn lâm”. Cần hơn nữa những cuốn sách, giáo trình về kỹ năng nghề nghiệp, để người đọc đọc xong nắm được kỹ thuật, phương pháp làm nghề.