Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 8/3 đã ký quyết định phong tỏa miền Bắc, tâm điểm dịch Covid-19 của nước này, trong một tháng. “#Coronavirus, nghị định mới cuối cùng đã được ký”, ông Conte viết trên Twitter. Trong ảnh, người dân đeo khẩu trang ở quảng trường Duomo, trung tâm Milan. Ảnh: AP. |
Số người chết và ca nhiễm Covid-19 của Italy hiện cao chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc (thậm chí có thời điểm lên cao hơn Hàn Quốc). Đến hết ngày 8/3, nước này ghi nhận 366 ca tử vong (gấp 6 lần Hàn Quốc). Đây cũng là mức tăng tử vong một ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở Italy. Ảnh: AP. |
Các ca nhiễm ở Italy tăng 25%, từ 5.883 ngày 7/3 lên 7.375 ngày 8/3, vượt Hàn Quốc với 7.314 ca (dù trong lần công bố sau đó, số ca nhiễm của Hàn Quốc đã cao hơn trở lại). Trong ảnh, mọi người xem livestream của Giáo hoàng Francis qua màn hình lớn nơi công cộng. Ảnh: ANI news. |
Các ca nhiễm và tử vong được ghi nhận chủ yếu ở miền Bắc Italy, bao gồm các vùng: Lombardy, Emilia Romagna, Marche, Piemonte và Veneto (gồm Venice). Các khu vực này đã bị nhiều quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại, trong đó có Việt Nam. Ảnh: AP. |
Ở phía nam, Puglia, Basilicata, Calabria, Campania và Molise ghi nhận vài chục trường hợp nhiễm bệnh và một vài người chết. Trong ảnh, mọi người chờ lên xe buýt rời ga Lampugnano ở Milan. Ảnh: AP. |
Nhiều nơi đã rơi vào hỗn loạn khi kế hoạch phong tỏa của chính phủ bị rò rỉ vào tối 7/3. Nhiều người ngay lập tức tìm cách rời khỏi khu vực phong tỏa, tương tự cảnh người dân đổ xô tháo chạy khỏi Vũ Hán (Trung Quốc) trước lúc lệnh cách ly khu vực này có hiệu lực hồi cuối tháng 1. Ảnh: AP. |
Các quán bar và nhà hàng đông đúc nhanh chóng vắng khách. Sinh viên quay lại trường học dọn đồ để về quê. Người dân đổ xô đến nhà ga với vali, đeo khẩu trang, găng tay và dung dịch sát khuẩn tay. “Hai tiếng trước, tôi đọc được rằng họ (chính phủ) có thể đưa ra một quyết định khẩn cấp đưa Padua (vùng Veneto) vào ‘vùng đỏ’. Vì vậy tôi quyết định rời đi sớm hơn”, sinh viên Roberto Pagliara quyết định về quê nhà Puglia ở miền Nam Italy. Ảnh: Getty. |
Virus Covid-19 đã lan khắp 22 khu vực của Italy. Các ca tử vong đầu tiên được ghi nhận ở khu vực phía Nam với sự trang bị y tế yếu kém hơn. Người đứng đầu vùng Puglia ở miền Nam Italy đã kêu gọi bất cứ ai nghĩ đến việc trở về quê từ Lombardy và 11 tỉnh khác bị phong tỏa hãy “quay đầu lại”. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, Thủ tướng Czech Andrej Babis hôm 8/3 kêu gọi Italy cấm công dân nước này đi du lịch nước ngoài. “Người Italy không nên đi đến châu Âu vì hầu hết ca nhiễm ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha đều có nguồn gốc từ Italy”, ông Babis nói. Ảnh: AP. |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/3 đã ca ngợi “sự hy sinh cao cả” của Italy khi ra quyết định phong tỏa miền bắc. Trong ảnh, người dân chất đầy đồ trên xe đẩy trong một siêu thị ở Milan. Ảnh: AP. |
Thành phố du lịch Venice hủy bỏ lễ hội Carnival. Tỷ lệ thuê phòng khách sạn ở đây chỉ còn 2%. Nhiều nước đã cảnh báo người dân không du lịch Italy, một trong những nguyên do khiến kinh tế nước này lao đao, đối mặt suy thoái. Trong ảnh, du khách đeo khẩu trang tham quan quảng trường Piazza di Spagna ở Roma. Ảnh: Getty. |
Italy đã tổ chức cuộc họp bất thường suốt đêm 7/3 và quyết định kêu gọi các bác sĩ về hưu quay lại làm việc để hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19. Động thái đóng góp thêm 20.000 nhân sự cho hệ thống y tế đang quá tải. Trong ảnh, chiếc xe buýt đường thủy vắng khách ở quảng trường St Mark của Venice. Ảnh: Reuters. |
Cậu bé đạp xe bên ngoài sân vận động San Siro ở Milan, nơi diễn ra trận đấu AC Milan gặp Genova của Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia Italy (Serie A), hôm 8/3, sau cánh cửa đóng kín. Ảnh: Reuters. |
Các binh lính và cảnh sát tuần tra nhà ga xe lửa chính của Milan khi các nhà chức trách chuẩn bị phong tỏa Lombardy. Ảnh: Reuters. |