Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đạo diễn 'Song Song': 'Tôi và Nhã Phương đều đã rất kiên nhẫn'

Đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng không chối bỏ những ý kiến trái chiều về diễn xuất của Nhã Phương trong "Song Song". Anh cho biết Nhã Phương đã nỗ lực nhập vai nhưng chưa trọn vẹn.

Phỏng vấn

toi va Nha Phuong anh 1

Sau tác phẩm điện ảnh đầu tay Ống kính sát nhân (2018), Nguyễn Hữu Hoàng vừa giới thiệu bộ phim thứ hai - Song Song. Song Song được "remake" từ Mirage của Tây Ban Nha với cảm hứng lấy từ "hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect), nghĩa là "một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào có thể dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả".

Song Song sau 5 ngày ra rạp nhận được phản hồi tích cực về chất lượng kịch bản. Tuy nhiên, diễn xuất của nữ chính Nhã Phương nhận những phản ứng trái chiều. Zing có cuộc trao đổi với đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng xoay quanh câu chuyện remake trong điện ảnh và những khen chê về bộ phim.

"Remake không có gì là sai, không có gì bế tắc"

- “Ống kính sát nhân” của anh có nhiều điểm sáng nhưng lại sở hữu một kịch bản bị chê bai thậm tệ. Đó có phải là lý do tới tác phẩm điện ảnh thứ hai – “Song Song” – anh chọn cách remake từ “Mirage” – một phim của Tây Ban Nha vốn đã có kịch bản xuất sắc?

- Ống kính sát nhân đúng là không đảm bảo về chất lượng kịch bản. Ngay sau phim, tôi đã nghĩ đến việc phải cải thiện kịch bản trong phim tiếp theo. Ngay cả với Song Song, vốn là phim remake, tôi cũng chưa hài lòng hoàn toàn với kịch bản Việt hóa, tôi luôn muốn mình sẽ có kịch bản tốt hơn nữa.

Nhưng sau hai phim với kịch bản phức tạp, tôi nghĩ đến lúc tôi cần làm những kịch bản đơn giản để mình hiểu rõ và nhận thức thêm về khâu kịch bản.

- Nguyên tắc của remake là gì khi kịch bản gốc đã đủ hấp dẫn?

- Phải đưa “local life” vào hay vẫn được gọi là Việt hóa. Cách làm của tôi là 70% kịch bản gốc, 30% là sáng tạo của mình.

toi va Nha Phuong anh 2

Nguyễn Hữu Hoàng sinh năm 1991 là đạo diễn của Ống kính sát nhân Song Song.

- Lợi và hại của kịch bản remake?

- Phim remake bản chất là phim dựa trên kịch bản tốt, đã chiếu bên nước ngoài và thường có doanh thu tốt. Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ đều có bản gốc đã thắng, nổi tiếng. Khi về Việt Nam, được remake và lại thắng tiếp vì đạo diễn đã thể hiện được những chi tiết nhỏ bên cạnh việc đảm bảo kịch bản gốc. Remake là làm phim gần hơn với người Việt.

- Remake quá nhiều có phải là sự bế tắc của kịch bản Việt?

- Tất nhiên là kịch bản mà mình tự viết là dễ nhất, giống như mình tự may đo quần áo cho mình. Nhưng nền điện ảnh Việt chưa đủ sự ổn định, chưa xây dựng được thành một ngành công nghiệp, có những phim hay nhưng không đều.

Chúng ta chưa tạo được một giới biên kịch chuyên biệt. Người có thể sống được bằng nghề biên kịch ở Việt Nam rất ít. Do vậy, chuyện làm kịch bản thực sự chất lượng ở Việt Nam là khó vì chưa có sự đầu tư.

- Tại sao biên kịch Việt không sống được bằng nghề?

- Cát-xê trả cho biên kịch rất thấp. Ở nước ngoài, biên kịch thậm chí được tham gia vào phần trăm doanh thu của phim. Ngoài ra, ở Việt Nam, số lượng bản sửa và số người tham gia sửa kịch bản quá nhiều, do vậy, biên kịch đôi khi mất nhiều thời gian cho một phim.

Thêm nữa, số lượng phim Việt chưa nhiều để giới biên kịch có cơ hội. Trong khi nghề biên kịch khó đi viết những thứ khác. Quay phim mà vắng phim có thể đi quay quảng cáo, diễn viên có thể chạy show. Nhưng biên kịch bị giữ trong một nghề, nếu sang làm biên kịch quảng cáo khó mà viết tiếp điện ảnh, mà làm thêm nghề khác cũng xao nhãng.

Nghề biên kịch cũng cần phải đầu tư học hỏi mới ngày càng tốt hơn được.

- Nếu remake nhiều có cản trở sự phát triển của kịch bản Việt?

- Không quan trọng là remake hay original, quan trọng là mình sẽ học hỏi được từ kịch bản hay của nước ngoài. Việc biên kịch sửa lại kịch bản remake cũng là cách học rất tốt. Chuyện remake không có gì là sai, không có gì bế tắc, tôi nghĩ vậy.

- Nhưng cũng có người đã “chữa lợn lành thành lợn què”?

- Thực ra ai làm phim remake mà sửa cũng xuất phát từ suy nghĩ phim đã hay rồi, làm sao để hay hơn. Nhưng có trường hợp càng sửa lại càng khác bản gốc, đến khi phim ra lại thành dở hơn hẳn bản bình thường. Remake cần phải biết cái gì là xương sống bên trong để giữ lại, có những điểm không thay đổi được.

- Tại sao đa số các đạo diễn remake phim Hàn, “Song Song” của anh lại chọn làm lại phim của Tây Ban Nha?

- Tôi hiểu tại sao mọi người thường remake phim Hàn Quốc vì văn hóa Hàn vào Việt Nam lâu rồi, người châu Á cũng gần với người châu Á hơn. Nhưng tôi cũng có lý do riêng, chứ tôi không có vấn đề gì với phim Hàn.

"Nhã Phương đã nỗ lực"

- Một trong những thay đổi của “Song Song” so với bản gốc là anh để nữ chính có nhiều đất diễn hơn. Tại sao?

- Phim của tôi tập trung vào nhân vật của Nhã Phương, trong khi Mirage mang đặc trưng của phim Tây Ban Nha là chia đều các nhân vật sau đó họ cùng gặp nhau ở điểm chung để giải quyết vấn đề. Mirage thì thiên nặng về drama, mang tính tình cảm, trong khi Song Song mang tính chất của phim thriller, trinh thám và hình sự hơn.

- Anh quá tập trung vào một nhân vật nữ chính thay vì dàn đều như bản gốc. Nếu nữ chính là một minh tinh, đó là một lựa chọn hay nhưng Nhã Phương lại chưa thể làm được điều ấy?

- Một diễn viên hay, minh tinh là hiểu nhân vật, đào sâu vào nhân vật và làm chủ nhân vật. Tôi nghĩ có thể do nhân vật chưa đủ mạnh ở kịch bản khiến Phương chưa cảm nhận hết được nhưng Phương cũng đã có rất nhiều nỗ lực.

- Tại sao Nhã Phương chưa cảm được nhân vật?

- Diễn viên thường có một số trường hợp chết vai, đóng khung, thay đổi họ cần thời gian dài, Leonardo Dicaprio cũng vậy. Phương tham gia phim này rất vất vả, vừa sinh con xong, di chuyển nhiều, quay đêm, ướt sũng trời mưa. Cả hai chúng tôi đều đã kiên nhẫn để đẩy diễn xuất lên.

- Ưu điểm của Nhã Phương là khóc, nhưng hạn chế cũng là khóc. Anh nghĩ sao về nhận định này?

- Mỗi diễn viên đều luôn có những giới hạn nhưng cũng có những vai đinh, bị đóng khung. Khóc là biểu cảm rất tốt của Nhã Phương, giúp Phương được biết đến nhưng sau bị quá tải. Làm phim này, tôi bảo Phương tiết chế, có thể khóc nhưng hãy để dành cho những khoảnh khắc quan trọng.

Có một số đoạn Phương nói cần phải khóc ở góc độ tâm lý phụ nữ, tôi thấy cũng không sao cả. Một số cảnh chúng tôi sẽ quay cả cảnh khóc và không khóc, cuối cùng Phương và tôi ngồi lại chọn, nếu không khóc mà hay hơn sẽ chọn không khóc.

- Không thể phủ nhận là Nhã Phương cũng bước đầu đã có những nỗ lực để tiết chế chuyện khóc quá nhiều. Nhưng đài từ vẫn là hạn chế?

- Một số đoạn Phương chưa cân bằng được dẫn đến thoại cảm xúc quá. Về hậu kỳ, một số đoạn chúng tôi chọn lồng tiếng lại cho tốt hơn nhưng cảm xúc lại thiếu nên cuối cùng vẫn giữ phần ghi ở phim trường.

"Phim giật gân, trinh thám vẫn là thể loại kén khán giả ở Việt Nam"

- Anh nghĩ gì về ý kiến cho rằng "Song Song" như “dao mổ gà giết trâu”, nghĩa là phim đặt ra vấn đề lớn, kịch bản hấp dẫn nhưng diễn viên và thoại lại không đảm bảo cho việc giải quyết trọn vẹn vấn đề đó?

- Đồng ý. Tôi thấy Christopher Nolan làm phim luôn có những cú twist, nhưng quan trọng là những cú twist đó luôn được phức tạp bằng lời thoại như Interstellar, Exception, xem rất sướng.

Phim của tôi điều kiện sản xuất có hạn, rơi vào 600.000 USD nên nhiều cảnh buộc phải lược đi. Nếu có thêm kinh phí, tôi có thể làm hiệu ứng cơn bão tốt hơn, thủy điện có thêm cảnh này cảnh kia.

Nhưng nếu kinh phí đầu tư lớn, áp lực doanh thu cũng lớn hơn, đó là quy luật.

- Nghĩa là phim này có thể tốt hơn nếu có mức đầu tư lớn hơn?

- Phim này không hẳn ít tiền nhưng những thứ tôi nghĩ ra thì tốn quá nhiều tiền, phải gấp đôi kinh phí hiện tại.

- Tiền bạc chính ra cũng rất quan trọng với một bộ phim?

- Tôi nghĩ nó cũng rất ảnh hưởng.

- Phim "Song Song" có nhiều hạn chế về thoại. Thoại đôi khi quá đơn giản, tầm thường trong khi mạch phim, chuyện phim lại phức tạp?

- Đồng ý, thoại là khó nhất trong viết kịch bản, có những thứ có thể học được nhưng thoại là hoa tay của người viết. Đôi khi mình tập trung vào phát triển nhân vật mà quên mất phát triển thoại, đó là hạn chế.

Thoại mà tôi xây dựng cũng đang gần với miền Bắc, trong khi điện ảnh cần đại chúng hơn nữa. Ngoài ra, nó cũng chưa có nhiều xung đột, độ khéo léo cần có trong thoại. Tôi nghĩ mình chưa đủ chín và cần phải cải thiện hơn.

toi va Nha Phuong anh 5

"Khi xem đến lần thứ 20 là tôi bắt đầu nhận ra những điểm chán", nam đạo diễn nói.

- Anh đã mang Võ Đình Hiếu trở lại, vì sao?

- Võ Đình Hiếu là diễn viên tốt nhưng qua vài dự án không làm cậu ấy nổi tiếng hơn, Hiếu vẫn loanh quanh. Phim này Hiếu có nhiều đất diễn hơn trước và không còn hình ảnh nhà quê, hiền lành.

- Anh gần như biết hết những hạn chế của phim, tại sao không khắc phục ngay từ đầu?

- Sau khi xem bản hoàn chỉnh, tôi xem lại 20 lần nữa và bắt đầu thấy những điểm chán, điều mà lúc làm phim mình chưa nhận ra. Khi thấy chán tôi sẽ đi tìm nguyên nhân, để tự học hỏi, cải thiện cho phim sau.

- "Song Song" là phim lấy cảm hứng từ hiệu ứng cánh bướm, nghĩa là chỉ cần một thay đổi nhỏ của dữ liệu đầu vào có thể dẫn đến một thay đổi lớn của kết quả. Nếu được thay đổi, anh muốn "Song Song" khác gì để được đón nhận hơn?

- Kịch bản vẫn là thứ tôi muốn sửa nhất, mình cảm thấy có quá nhiều thứ trong đó. Tôi đang xây dựng như phim thriller, trong khi thriller vẫn là thể loại kén khán giả ở Việt Nam. Tôi nghĩ tôi có thể cân bằng và làm tốt hơn cho những phim sau.

Minh Hang: 'Toi tham' hinh anh

Minh Hằng: 'Tôi tham'

0

Minh Hằng tự nhận mình là người "tham", đó là lý do cô tham gia nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, phim truyền hình, ghế nóng game show, đầu tư điện ảnh đến kinh doanh.

20 nam ngay Trinh mat hinh anh

20 năm ngày Trịnh mất

0

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn luôn sống trong đời sống đương đại. Không ít gương mặt trẻ quan tâm đến gia tài của Trịnh và thực hiện các dự án làm mới.

Quang Đức

Ảnh: Bá Ngọc

Bạn có thể quan tâm