Gần đây, giới phê bình phim bình luận sôi nổi về hình ảnh nam chính trên màn ảnh rộng. Một số ý kiến cho rằng phim Việt đang thiếu những gương mặt thiếu sức hút, đi vào lòng công chúng. Zing đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đức Thịnh về vấn đề này.
"Vai cơ bắp thiếu sức hút không phải lỗi diễn viên"
- Ở vai trò đạo diễn, nhà sản xuất, anh sẽ ưu tiên chọn đề tài như thế nào để thực hiện?
- Tôi từng làm các phim như Ma dai, Taxi, Em tên gì?, Sứ mệnh trái tim, Siêu sao siêu ngố, Trạng Quỳnh, Anh thầy ngôi sao, Người cần quên phải nhớ... Các phim này đều xoay quanh câu chuyện về tình yêu dù thông điệp không hẳn nói về chuyện yêu đương.
Theo Đức Thịnh, đề tài chỉ là yếu tố nhỏ trong doanh thu phòng vé. |
- Phải chăng những đề tài về gia đình, tình yêu được thực hiện nhiều do dễ hút khán giả, đầu tư ít tốn kém?
- Theo tôi quan sát, thống kê thì cũng không nhiều phim Việt thực hiện đề tài gia đình thuần túy mà chỉ có vài tuyến nội dung có liên quan. Hoặc đó là cái cớ đẩy xung đột ở vài cảnh, hay chỉ là mục đích để nhân vật hành động. Mỗi năm, có khoảng 40 phim Việt được sản xuất nhưng cũng chỉ có khoảng 5-7 phim làm về đề tài gia đình.
Mảng đề tài này thuộc dạng dễ xem, dễ cảm vì tính sinh hoạt văn hóa, gần gũi với khán giả Việt. Nhưng cũng không phải cứ khai thác đề tài gia đình thì phim sẽ thành công và ăn khách.
Không thể phủ nhận có những đề tài cá biệt rất khó bán vé, khó thu hút số đông khán giả. Nhưng để một phim thành công về doanh thu, đề tài chỉ là một yếu tố thôi. Chắc chắn phim đó phải có mặt nào đó rất mạnh, kết nối được với số đông người xem. Như phim Bố già vừa lập kỷ lục doanh thu phòng vé. Đó là phim có nội dung và sự thể hiện kết nối cực kỳ tốt với khán giả Việt. Bố già tốt không hẳn ở đề tài, mà là cách thể hiện.
- Có những nhận xét cho rằng phim Việt ngày càng ít kịch bản dành cho nam chính kiểu anh hùng như "Dòng máu anh hùng". Ý kiến của anh về vấn đề này?
- Phim Việt có nhiều kịch bản với vai nam chính, thậm chí nhiều hơn nữ chính. Nhưng những năm gần đây, phim Việt chưa có hình tượng nhân vật đàn ông anh hùng đi vào lòng công chúng, trở thành hình mẫu của xã hội.
Cũng rất khó cho những người làm biên kịch, sáng tạo. Nền văn hóa giải trí của Việt Nam đang ở giai đoạn rất khó để đánh giá hay - dở, đúng - sai... Bây giờ, người ta thường dùng từ hot hoặc triệu view, phim ăn khách hay không ăn khách, bán vé được hay không bán vé được.
Nói đến chữ hay và dở sẽ tranh cãi với nhau rất nhiều. Nhưng tôi vẫn hy vọng điện ảnh Việt sẽ tạo ra được những nhân vật đáng tiền đáng bạc cho công chúng trong vài năm tới.
- Gần đây, một số phim Việt có xây dựng hình ảnh nam chính cơ bắp nhưng kém sức hút. Anh lý giải vì sao?
- Đó không phải lỗi ở diễn viên đâu. Điện ảnh Việt thật sự khan hiếm những nhân vật từ gốc, trên trang giấy để có thể trở thành hình tượng. Diễn viên cho dù có sắc vóc, tài năng, cũng cần phải có chất liệu để họ tỏa sáng và đi vào lòng công chúng.
Nếu nhân vật trong kịch bản không phải là một anh hùng thì cũng đừng mơ diễn viên sẽ tạo ra một người hùng. Và như tôi có nói ở trên, biên kịch gặp rất nhiều khó khăn ở giai đoạn này. Họ có thể say mê và tạo ra một nhân vật đặc biệt (theo chủ quan của họ) nhưng để nhân vật đó được khán giả yêu mến, tôn sùng hay không lại là chuyện khác.
Theo Đức Thịnh để làm được bộ phim hay thì luôn khó. |
- Phải chăng để xây dựng một hình ảnh người hùng trên phim khó khăn và tốn kém hơn các đề tài gia đình, tình yêu?
- Tạo ra nhân vật, kịch bản hay thì đề tài, thể loại nào cũng khó cả. Làm gì có chuyện với đề tài này thì dễ, đề tài khác lại khó. Tóm lại, làm ra được bộ phim hay thì luôn khó. Ngay cả Hollywood cũng có nhiều phim dở hơn phim hay mà.
"Điện ảnh thiếu những bộ phim tạo nên ngôi sao"
- Theo anh, việc ít có kịch bản đo ni đóng giày cho các tài tử có phần nào xuất phát từ việc điện ảnh Việt thiếu các gương mặt nam chính thực lực?
- Câu chuyện thiếu diễn viên hay thiếu những gương mặt điện ảnh cho cả nam và nữ được các nhà làm phim nói chuyện với nhau rất nhiều. Năm ngoái, tôi nghĩ là thiếu thật. Nhưng bây giờ, tôi thấy có nhiều nam nữ diễn viên đẹp, sáng, có năng khiếu, niềm say mê và sự dấn thân đấy.
Vấn đề là chúng ta luôn đòi hỏi họ phải tỏa sáng như ngôi sao trong khi không có chất liệu để họ tỏa sáng. Theo tôi, không phải điện ảnh Việt đang thiếu diễn viên mà thiếu những bộ phim đủ sức cộng hưởng với những gương mặt mới để họ trở thành ngôi sao.
Nếu nhìn lại chúng ta sẽ thấy ca sĩ luôn cần một ca khúc để tỏa sáng, MC cũng cần một chương trình, một game show phù hợp. Tương tự, diễn viên cũng cần một nhân vật, một bộ phim để tỏa sáng. Nghệ sĩ làm sao tỏa sáng được được nếu ca khúc, chương trình, bộ phim đó không tốt.
Tất nhiên, đã là diễn viên cần phải rèn luyện, đam mê và dấn thân rồi. Dù vậy, họ vẫn cần có một cơ may được tham gia vào một bộ phim hay.
- Theo anh, diễn viên có tố chất thế nào mới trở thành tài tử điện ảnh?
- Để thành tài tử màn ảnh thì cần hội đủ nhiều yếu tố như sắc vóc, gương mặt phải ăn hình, có thiện cảm, giọng nói đẹp theo kiểu tự nhiên, khả năng diễn xuất tốt. Đặc biệt, bạn phải có sự biểu cảm tự nhiên tuyệt đối. Việc còn lại là có cơ hội tham gia một phim hay. Khi đó, họ sẽ trở thành tài tử thôi.
Đức Thịnh cho rằng điện ảnh Việt có nhiều gương mặt nam chính triển vọng. |
- Thực tế thu nhập của nam diễn viên cũng như con đường thành công của tài tử liệu có khó hơn các nữ chính?
- Tôi nghĩ như nhau. Theo tôi, nam diễn viên khi đã trở thành ngôi sao họ có cơ hội đứng ở vị trí đó lâu hơn. Trong khi đó, phụ nữ còn vướng bận nhiều thứ khác.
- Anh gặp khó khăn thế nào khi tuyển chọn các vai nam chính?
- Tôi gặp khó nhiều ở khâu chọn diễn viên vì thường làm phim hài. Diễn viên điện ảnh hài đúng nghĩa đâu có nhiều. Có nhiều diễn viên biết chọc cười nhưng không không có nghĩa hóa thân vào nhân vật hài trên màn ảnh. Còn vai kép chính, tôi nghĩ mình đang có đủ đó. Vấn đề còn lại là làm thế nào cho họ tỏa sáng mới khó.