Con gái đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết ông qua đời trưa 22/5. Gia đình đang lo liệu tang lễ cho đạo diễn.
Bàng hoàng khi hay tin đạo diễn qua đời, biên kịch Trịnh Thanh Nhã viết: “Chúng tôi, những người bạn lâu năm của anh thường gọi anh với cái tên giản dị: Phần hoặc Phần Ma Làng. Quen biết, rồi thân nhau từ gần 40 năm trước, khi chúng tôi cùng đầu quân về hãng Phim truyện Việt Nam với bao nhiêu hy vọng và khát vọng. Nhưng thời kỳ sôi động của hãng qua nhanh, nhóm người mới nhanh chóng chia lìa. Anh cùng một số đạo diễn đầu quân cho VFC, lúc đó mới bắt đầu mở ra chương trình Văn nghệ cuối tuần. Rất nhanh, mọi người trở thành lực lượng nòng cốt của VFC, sản xuất phim một tập, rồi nhiều tập... mà anh là một trong những người làm nên thương hiệu ấy”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần qua đời. |
Theo biên kịch Trịnh Thanh Nhã, khi biết Nguyễn Hữu Phần rẽ hướng rồi gắn bó với đề tài nông thôn, bạn bè hơi ngạc nhiên. Sau đó, họ theo dõi kỹ chặng đường của ông và dần tâm phục khẩu phục. Biên kịch kể, chị và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn cùng nhóm bạn chung thường xuyên gặp mặt, đi du lịch rồi chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Gần đây, khi sức khỏe của đạo diễn suy yếu, họ càng gặp nhau hoặc hỏi thăm nhau nhiều hơn.
“Vậy mà khi biết anh vừa đi, tôi vẫn lặng người dù không có bất ngờ nào cả. Chỉ là vẫn cứ hy vọng anh nhập viện, rồi lại ra viện như nhiều lần trước đó. Thôi thì, ai cũng có một cách để ra đi. Quy luật không thể tránh khỏi. Mong anh đã thanh thản, chấm dứt mọi lo âu đau đớn. Vĩnh biệt anh, NSND Nguyễn Hữu Phần. Anh đi thanh thản nhé”, biên kịch Thanh Nhã gửi lời tạm biệt đồng nghiệp chị đã gắn bó hàng chục năm qua.
NSND Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hà Nội. Ông theo học khóa 1 của Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ông có nhiều tác phẩm thành công và đoạt nhiều giải thưởng như Em còn nhớ hay em đã quên, Lẽ nào anh lại quên, Những mảnh đời của Huệ, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Làng ma 10 năm sau... Trong đó, Em còn nhớ hay em đã quên nhận 4 giải Bông sen bạc hay Ma Làng chiến thắng hạng mục Đạo diễn xuất sắc, Phim truyền hình dài tập ở Cánh Diều Vàng.
Ngoài ra, ông còn thành lập Công ty Cổ phần và truyền thông Hà Nội sau khi nghỉ hưu và từng giảng dạy ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh.
Trong cuộc trò chuyện với Tri thức – Znews, khi được hỏi nguyên tắc khi làm phim là gì, đạo diễn từng chia sẻ với ông khâu chuẩn bị là quan trọng nhất.
“Hiện nay, khâu này của các nhà làm phim hơi ẩu. Người ta cứ mang nguyên kịch bản văn học ra hiện trường. Tôi thì làm phim theo kiểu cổ, phân cảnh, cảnh này toàn, cảnh kia trung... một cách cụ thể. Khi ra hiện trường cố gắng thực hiện điều mình nghĩ. Thông thường, khá lắm thì làm được 80% những gì mình nghĩ. Không bao giờ thực hiện được hết vì có nhiều khó khăn lắm. Nhưng nếu như không chuẩn bị, ra hiện trường nó lộn xộn, kết quả là làm ra những tác phẩm thiếu cẩn thận, thiếu hợp lý”, ông nói.
Đạo diễn cũng kể thêm tính cách của ông khi làm phim khá êm dịu, ít khi to tiếng. Khi muốn nói gì, ông kéo diễn viên hay nhân viên ra một chỗ nói nhỏ vài câu nên không khí đoàn làm phim luôn vui vẻ. Vui vẻ rất quan trọng vì làm phim không phải dựa vào một người mà rất nhiều người. Một diễn viên bị mắng đến mức bực tức thì không thể diễn hay được, ông cho biết.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.