Đánh thuế trợ cấp thai sản là sai
Trợ cấp thai sản là một trong những chế độ BHXH bắt buộc, không phải tiền lương, tiền công hay các khoản có tính chất tiền lương, tiền công, vì vậy không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với phụ cấp, trợ cấp của người nghỉ thai sản với nội dung khiến dư luận bức xúc.
Cụ thể, trong văn bản số 2139/TCT-TNCN do bà Lê Hồng Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ký ngày 19/6 trả lời Công ty TNHH Điện tử Việt Tường (Đồng Nai) về chính sách thuế TNCN, Tổng cục Thuế đã viện dẫn Thông tư 84/2008 của Bộ Tài chính để khẳng định “… khoản tiền lương chế độ thai sản do BHXH chi trả thay lương phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN”. Thực tế thì từ trước đến nay, khoản phụ cấp thai sản không phải chịu bất kỳ sắc thuế nào.
Cách hướng dẫn trên cho thấy chính Tổng cục Thuế đã có những cách hiểu khác nhau, thể hiện qua văn bản số 1697/TCT-TNCN do ông Phạm Duy Khương - Phó tổng cục trưởng, ký ngày 7/5/2009 trả lời Cục Thuế tỉnh Đồng Nai: “Tất cả các khoản thu nhập mà người lao động nhận được từ BHXH đều được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công”. Văn bản do ông Khương ký cũng viện dẫn Thông tư 84/2008, khẳng định “Các khoản trợ cấp khác do BHXH trả đều được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công”.
Các chuyên gia đều cho rằng việc đánh thuế TNCN với thai sản là sai, còn phía Tổng cục Thuế lại cho biết "không thể trả lời ngay" về vấn đề này. |
Vì sao có sự tréo ngoe nói trên? Trả lời phóng viên ngày 20/9, bà Lê Hồng Hải nói: “Vấn đề này không thể trả lời ngay, sẽ giao đơn vị tham mưu là Ban Quản lý thuế TNCN (thuộc Tổng cục Thuế) xử lý”.
Không phải chịu thuế
Luật gia Nguyễn Thái Sơn, nguyên trưởng Phòng Pháp chế - Cục Thuế TP.HCM, cho rằng cách hướng dẫn như văn bản số 2139/TCT-TNCN là sai. Điểm b, khoản 2, điều 3 của Luật Thuế TNCN quy định rõ thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công bao gồm tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản trợ cấp khác do BHXH chi trả.
Điều 3 của Luật BHXH cũng ghi rõ: “BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động…”. Thai sản là một trong những chế độ BHXH bắt buộc, không phải là tiền lương, tiền công hay các khoản có tính chất tiền lương, tiền công nên dĩ nhiên không phải chịu thuế thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, khẳng định: Điều 6 Luật BHXH quy định: Lương hưu, trợ cấp BHXH, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH được miễn thuế. Theo quy định trên thì chế độ thai sản là một loại trong các loại trợ cấp BHXH nên đương nhiên là không phải chịu thuế TNCN.
Mặt khác, cũng theo ông Sang, tại công văn gửi cho Công ty TNHH Điện tử Việt Tường, Tổng cục Thuế khẳng định “… khoản tiền lương hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả thay lương phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN…”, trong khi Luật BHXH không hề có nội dung nào đề cập “khoản tiền lương hưởng chế độ thai sản do BHXH chi trả thay lương”.
Áp dụng luật tùy tiện
Bà Đỗ Thị Thìn, Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), cho biết căn cứ để Tổng cục Thuế yêu cầu đánh thuế đối với trợ cấp thai sản là vì cho rằng đây là khoản tiền BHXH trả thay lương nên có tính chất như tiền lương và phải chịu thuế TNCN.
Không đồng tình với quan điểm này, ngày 19/9, VTCA đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế, kiến nghị không tính thuế đối với khoản thu nhập nói trên. Theo VTCA, khoản thu nhập này không phải tiền lương vì trả lương phải dựa trên cơ sở ký hợp đồng lao động. BHXH và người nghỉ thai sản không ký HĐLĐ nên đây là khoản trợ cấp, phụ cấp do BHXH chi trả.
Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam, cho rằng đây là cách vận dụng luật tùy tiện của cơ quan thuế. Giả sử “có tính thuế” là đúng thì từ năm 2009 đến nay, Nhà nước đã thất thu thuế, ảnh hưởng đến ngân sách. Còn nếu “không tính thuế” là đúng thì phải hủy bỏ văn bản 2139 và người ký văn bản sai phải chịu trách nhiệm.
Trước nay không tính Trước sự bất thường này, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế kiến nghị xem xét lại, sớm có văn bản hướng dẫn để Cục Thuế thực hiện. Trường hợp Tổng cục Thuế khẳng định vẫn phải tính thuế với khoản trợ cấp này thì đề nghị hướng dẫn thêm về thời gian thực hiện và không xử lý hồi tố. Theo ông Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, kiến nghị của Cục Thuế TP.HCM chủ yếu liên quan đến nghiệp vụ thuế bởi Cục Thuế không nhận được công văn hướng dẫn nào từ phía tổng cục. Lâu nay, Cục Thuế TP.HCM vẫn áp dụng cách tính thuế TNCN theo hướng dẫn của Thông tư 84/2008 và không đánh thuế TNCN đối với các khoản chi từ bảo hiểm xã hội. Hiện Cục Thuế vẫn thực hiện theo hướng này, chưa khấu trừ thuế TNCN đối với khoản tiền hưởng chế độ thai sản của người lao động. |
Theo Người Lao Động