Tại khu hẻm trọ trên đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, bà Lê Thị Kim Anh ngán ngẩm chia sẻ: "Từ trước Tết nhà tôi đã phải chịu cảnh thi karaoke giữa các nhà với nhau. Hết nhà này bài Duyên phận, đến nhà kia Về đâu mái tóc người thương. Thật sự nghe hoài rất dị ứng. Vấn đề là ca toàn giờ trưa và khuya, lại không đóng cửa nên rất phiền".
Bà cho biết thêm kế bên nhà là dãy trọ, các thanh niên tụ tập từ chiều tới tối khuya, nhậu nhẹt rồi đàn, khua chén đũa rất ồn ào: "Tôi cũng có báo với tổ trưởng dân phố nhưng nhà đối diện lại ở tổ khác, rồi lại thôi cho qua" - bà bộc bạch.
Đồng cảnh ngộ, một tổ trưởng dân phố ở khu phố 5, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, cho biết suốt một tuần nay, khu phố do bà quản lý liên tục bị làm phiền bởi những dàn âm thanh công suất lớn phát không ngừng nghỉ.
Cư dân của các chung cư than phiền vì bị tra tấn liên tục bởi dàn karaoke. |
“Suốt ngày suốt đêm, hết nhà này đến nhà khác, không lúc nào chúng tôi được yên. Dù tôi đã sang nhắc nhiều lần, mời cả công an khu vực xuống lập biên bản, nhưng cán bộ vừa đi thì họ lại… hát tiếp”, bà tổ trưởng dân phố bức xúc.
Theo lời kể của bà tổ trưởng dân phố, không ít mâu thuẫn giữa hàng xóm láng giềng đã xảy ra, thậm chí nhiều người lời qua tiếng lại, gây sự đánh nhau chỉ vì hát karaoke, phát nhạc xuân inh ỏi.
Theo tiến sĩ (TS) Lý Tùng Hiếu (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM), ô nhiễm tiếng ồn là căn bệnh trầm kha tại nhiều khu dân cư trong các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt từ khi các loại thiết bị, máy móc điện tử như loa công suất lớn, dàn karaoke… ngày càng tân tiến và có giá thành càng rẻ.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết theo Điều 17 Nghị định 179 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vi phạm các quy định về tiếng ồn có thể bị xử phạt tuỳ mức độ vi phạm.
Ví dụ, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 5 dBA. Đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA, mức phạt tiền từ 140 triệu đồng đến 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo luật sư Thi, quy định là thế nhưng thực tế rất ít trường hợp bị xử phạt nên tình trạng này trở nên rất phổ biến, nhất là dịp lễ Tết.
Lý giải điều này, luật sư cho biết do hàng xóm thường cả nể nhau, tuy khó chịu, bực bội nhưng vẫn xuề xòa cho qua chứ không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. Mặt khác, chính quyền địa phương, cụ thể là công an cấp phường, xã còn lơ là, chưa nhận thức được tầm quan trọng và hậu quả của ô nhiễm tiếng ồn gây ra.
Những dàn loa công suất lớn như thế này là nỗi ám ảnh của không ít người trong các dịp lễ, Tết. |
Theo TS Tùng Hiếu, hiện nay chưa có cơ chế pháp lý hiệu quả để kiểm soát tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Văn bản pháp luật đã có nhưng khi đưa vào thực tiễn thì không khả thi. Thứ nhất, vì thiếu đội ngũ thường trực sát sao, tường tận khu vực.
Thứ hai, vì các địa phương không được trang bị thiết bị đo tiếng ồn, dẫn đến việc không có cơ sở để xử lý, địa phương chỉ có thể lập biên bản, khiển trách qua loa mà không thể giải quyết triệt để.
PGS.TS Vũ Hào Quang, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), cho rằng để hạn chế tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, cần sự ra quân của bộ máy chính quyền địa phương, bao gồm công an khu vực, tổ trật tự trị an an ninh, tổ trưởng tổ dân phố,… và quan trọng nhất vẫn là cần sự lên tiếng của cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ chịu đựng tình cảnh trớ trêu này mà không dám lên tiếng vì sợ lời qua tiếng lại với xóm giềng, sợ bị hành hung.
“Điều này cũng dễ thông cảm, vì hiện nay chưa có cơ chế gì bảo vệ cho những người 'chịu trận'. Họ sợ phiền phức nên chỉ còn cách lên mạng xã hội than thở”, PGS.TS Hào Quang cho biết.