Giãn cách xã hội, làm việc tại nhà là cơ hội để tôi tìm lại sở thích xem TV. The Frame không xuất sắc về hình ảnh và âm thanh, nhưng có lẽ là chiếc TV phù hợp và cân bằng nhất để giải trí tại gia ở thời điểm này.
Khi nghe tin giãn cách xã hội, tôi không còn quá hoang mang. Với kinh nghiệm của năm trước, tôi lên kế hoạch để trải nghiệm quãng thời gian này sao cho ổn nhất. Tôi nghĩ rất đơn giản: Mình phải làm sao để ở nhà cảm thấy thoải mái hơn khi ra đường.
Món đồ công nghệ đầu tiên tôi nghĩ đến đó là một chiếc TV màn hình lớn, thay cho chiếc TV đã lỗi thời. Tôi vừa mua một chiếc PS5. Đó cũng là một trong những lý do tôi cần một chiếc TV mới. Tôi rất muốn được chơi game với một chiếc màn hình cỡ 65 inch và thưởng thức những trận bóng mùa Euro.
TV là một trong những món đồ công nghệ có thời gian sử dụng lâu dài nhất. Vì vậy, việc chi mạnh tay mua TV là một khoản chi hợp lý. Tôi cần một chiếc TV có thiết kế đơn giản, càng nhiều công nghệ càng tốt để tôi không phải nâng cấp liên tục và thiết kế không bị lỗi thời.
Về kích thước, tôi cần một mẫu khoảng 65 inch. Tôi nghĩ kích thước này phù hợp với gia đình 5 người và có phòng khách rộng khoảng 40 m2.
Điều đầu tiên khiến tôi chọn The Frame là vì cái tên.
"The Frame" gây tò mò và đánh đúng tâm lý của tôi, tìm một chiếc TV giống khung tranh. Có thể trong đợt dịch này tôi ở nhà nhiều hơn. Nhưng khi hết dịch, tôi vẫn phải đi làm và như vậy sẽ có ít thời gian xem TV. Lúc đó, kích thước 65 inch sẽ trở thành bất lợi khi giữa nhà tôi, trên tường có một “tấm bảng đen” quá khổ.
The Frame khắc phục rất tinh tế điểm yếu chung này của các loại TV. Tính năng tôi muốn nhắc đến chính là Ambient Mode (chế độ hòa nhập với môi trường xung quanh). Dù đây không phải trang bị mới, nhưng Ambient Mode trên model 2021 được cập nhật thêm nhiều hình ảnh mới, sinh động hơn.
Khi không dùng đến, TV sẽ trở thành một bức tranh số. Nó sẽ tự ghi nhận ánh sáng, màu sắc của môi trường để điều chỉnh thông số hình ảnh cho chân thực. Từ đó, hình số hiển thị trên màn hình sẽ trông như một khung tranh thực.
Bên cạnh đó, bạn có thể đồng bộ hình ảnh từ điện thoại, máy tính của mình lên màn hình thông qua ứng dụng Smart Things.
The Frame lại mạnh mẽ hơn trong khả năng cá nhân hóa phần khung. Dù đang dùng khung đen mặc định của Samsung, nhưng tôi dự định thay thế bằng phiên bản khung viền màu trắng hoặc màu gỗ óc chó để TV đồng bộ với thiết kế chung của căn nhà.
Ngoài ra, The Frame cũng được trang bị giải pháp One Connection. Với một người ghét dây nhợ như tôi thì đây là phụ kiện ý nghĩa. Chỉ có một sợi dây nhỏ, hòa với màu tường, kết nối TV với nguồn phát và điện. Bộ kết nối này tôi sẽ bỏ vào một chiếc tủ. Như vậy, The Frame đúng nghĩa là một khung tranh treo trên tường nhà.
Tuy nhiên, trên hộp điều khiển của The Frame chỉ được trang bị 4 cổng HDMI cùng hai cổng USB-A, không có thêm USB Type - C, chuẩn kết nối đang rất phổ biến hiện nay.
Tôi thích chất lượng hiển thị của The Frame. Dưới góc nhìn của một người “đam mê thông số”, tấm nền QLED có thể không bằng OLED ở khả năng tái tạo màu chính xác hay độ đen tuyệt đối ở những vùng tối. Tuy nhiên, với nhu cầu giải trí, QLED lại là lựa chọn ưu tiên của tôi.
The Frame cho hình ảnh tươi tắn, nịnh mắt, rực rỡ và hơn hết là độ sáng cao. Nhờ có độ sáng cao, The Frame sẽ có sự chênh lệch vùng sáng và tối tốt, cho độ tương phản cao hơn.
Chiếc TV này có độ nét khiến tôi khá hài lòng. Ở khoảng cách hơn 1,5m rất khó để nhìn ra để nhìn ra điểm ảnh trên màn hình TV. Theo tôi, người dùng nên ngồi cách TV trên 2 m để có được trải nghiệm tốt nhất.
Một số công nghệ phụ trợ Samsung trang bị giúp trải nghiệm sử dụng TV của tôi thú vị hơn. Nội dung độ phân giải thấp được The Frame nội suy lên độ phân giải cao hơn để tận dụng được màn hình 4K.
Một số bộ phim, video hiển thị ở mức 25-30 fps cũng được TV được tăng cường lên mức 60 fps để hình ảnh mượt mà hơn. Tính năng này cực kỳ hữu ích khi xem bóng đá bởi chuyển động của quả bóng và các cầu thủ trông mượt mà hơn.
Với những nhu cầu đặt ra ban đầu về một chiếc TV nhiều công nghệ, thiết kế đẹp và thông minh, The Frame giải quyết được khoảng 80% của tôi. Việc thiếu 20% còn lại nằm ở âm thanh. The Frame cho âm thanh vòm giả lập nhưng với tôi như vậy là chưa đủ. Vì vậy, tôi quyết định sẽ mua một dàn âm thanh phù hợp hơn với kích thước và trải nghiệm hình ảnh mà The Frame mang lại.
Bên cạnh đó, điểm yếu lớn nhất của TV này là việc sử dụng tấm nền VA. Tấm nền loại này cho tốc độ khung hình và tần số quét cao. Đổi lại góc nhìn của TV sẽ hạn chế. Điều này có nghĩa bạn phải ngồi chính diện TV mới có được trải nghiệm màu sắc tốt nhất. Với kích thước lớn, nhưng lại có góc nhìn hẹp khiến The Frame khó đáp ứng việc xem nhiều người.
Chiếc TV của Samsung cũng hỗ trợ tốt trải nghiệm chơi game khi được trang bị màn hình tần số quét 120 Hz và công nghệ tự đồng bộ khung hình với PlayStation, tương tự tính năng G-Sync hay Free Sync trên máy tính.
Cũng trong quá trình sử dụng The Frame, tôi nhận ra một số nhu cầu khác khá thú vị.
Ban đầu tôi biết được model này có tính năng MultiView, cho phép xem hai khung hình cùng lúc. Tôi cho rằng tính năng này không mấy hữu ích. Ai cũng có hai mắt nhưng chỉ có một bộ não. Tôi khó mà theo dõi cùng lúc hai nội dung.
Nếu dùng MultiView để xem bóng đá, tôi sẽ cùng lúc xem được hai trận đấu và có thể chủ động tùy chỉnh kích thước, vị trí, âm thanh của từng nội dung. Điều này hiếm khi xảy ra vì lịch đấu Euro đã được xắp xếp xen kẽ hợp lý. Do đó, MultiView có thể hữu dụng hơn cho một số tình huống sử dụng khác.
Nếu không xem hai trận đấu cùng lúc, tôi có thể dùng "màn hình phụ" để video call đến một một người bạn khác để cùng xem bóng đá, cổ vũ onine. Ngoài ra, tôi còn kết nối The Frame với bộ hub camera. Từ đó, tôi cũng có thể vừa coi TV vừa trông nhà. Hoặc bạn có thể vừa tham gia khóa học Yoga online vừa cập nhật được diễn biến trận đấu.
Về cơ bản, nhu cầu xem đa màn hình chưa thực sự nhiều và thường xuyên. Nhưng tôi vẫn cho rằng nó hữu ích trong tương lai gần và cần được trang bị cho một chiếc TV màn hình lớn.
The Frame dành cho những tín đồ của thiết kế nội thất với khung viền thay thế được, kiểu dáng như một khung tranh, khả năng tùy biến chân đế, Ambient Mode...
Không chỉ phòng khách nhà tôi, The Frame có thể phù hợp với rất nhiều phong cách thiết kế bởi khung tranh là thứ không thể thiếu trong nội thất gia đình.
Bên cạnh đó, tốc độ từ tấm nền VA, tần số quét 120 Hz, Auto Motion Plus là những thông số dành cho những ai mê chơi game trên hệ máy console.
Cuối cùng, độ sáng của TV lại khá cao. Vì vậy, nếu không gian phòng khách không quá lớn, việc sử dụng TV QLED thời gian dài sẽ khiến mắt người dùng bị mỏi. Người dùng nên cân nhắc giảm độ sáng màn hình, đồng nghĩa độ tương phản của TV sẽ giảm đi đôi chút.
Nếu bạn là người rất khó tính khi cảm nhận chất lượng hình ảnh và âm thanh, The Frame có thể chưa làm bạn hài lòng.
Trước khi quyết định chọn The Frame 65 inch, tôi đã phải cân nhắc khá nhiều với các dòng TV khác ở cùng mức giá. Đối thủ lớn nhất của The Frame 2021 là Sony 4K 65 inch XR-65X90J.
Sony 4K 65 inch XR-65X90J nhỉnh hơn Samsung The Frame 2021 khi xem phim và nội dung HDR vì trang bị tính năng làm mờ cục bộ toàn mảng (full-array local dimming). Bù lại, Samsung The Frame 2021 có độ trễ đầu vào thấp hơn, có hỗ trợ công nghệ VRR giúp tối ưu tốc độ khung hình khi chơi game trên PlayStation hay Xbox. Đây là tính năng rất đáng giá.
Samsung The Frame 2021 không hỗ trợ Dolby Vision như model đến từ Sony, thay vào đó là HDR10+. Chuẩn hình ảnh HDR10+ tuy có độ sáng thấp hơn, nhưng phổ biến hơn Dolby Vision khi xem phim từ các nguồn như Netflix.
Do đó, việc lựa chọn nằm ở nhu cầu của chính bạn và sự khác biệt khi xem HDR sẽ không quá lớn. The Frame 2021 bản 65 inch đang có giá 35,8 triệu. Trong khi "đối thủ" Sony 4K 65 inch XR-65X90J có giá tham khảo 30,5 triệu đồng.
#TechInHouse là series trải nghiệm sản phẩm mới của Zing News, chia sẻ những cảm nhận, đánh giá thực tế về các món đồ công nghệ phục vụ giải trí, làm việc, học tập... trong thời gian giãn cách xã hội. Độc giả có thể đóng góp nội dung bằng cách gửi email về địa chỉ tech@zing.vn.