"Đã giãn cách hơn một tháng rồi mà số ca nhiễm vẫn tăng. Không hiểu tại sao lại như vậy", chị N. (26 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) đặt câu hỏi về hiệu quả của giải pháp giãn cách xã hội tại TP.HCM và thừa nhận bị lay động trước ý tưởng "sống chung với virus".
Trước ý kiến này, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, giảng viên Lâm sàng cao cấp Đại học Sydney, Australia, khẳng định Việt Nam nói chung và TP.HCM chưa sẵn sàng để sống chung với dịch vào thời điểm này, nhất là khi độ phủ vaccine còn quá thấp.
“Ở TP.HCM, một số ý kiến cho rằng việc ‘giãn cách’ 4 tuần không hiệu quả vì số ca nhiễm vẫn tăng. Đánh giá này là không đúng. Giãn cách có hiệu quả nhưng việc thực thi giãn cách mới là vấn đề. Đừng nhầm hiệu quả giãn cách với giãn cách hiệu quả”, TS Nguyễn Thu Anh nêu quan điểm.
Bài học từ "kho chứa biến chủng mới" của thế giới
TS Thu Anh cho rằng nếu biện pháp giãn cách xã hội không hiệu quả, tình hình dịch tại Việt Nam đã nghiêm trọng hơn từ năm trước. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải gánh chịu hậu quả khi nới lỏng các biện pháp giãn cách từ quá sớm, Brazil là một điển hình.
Đầu tháng 6/2020, Brazil bắt đầu ghi nhận trung bình khoảng 1.000 ca tử vong mỗi ngày do Covid-19. Hai tháng sau, sự lây lan của dịch bệnh và số người chết hàng ngày bắt đầu giảm. Các trung tâm mua sắm, nhà hàng và bãi biển đông khách trở lại.
Trong 16 tuần, đất nước này ghi nhận số ca nhập viện vì bệnh hô hấp giảm, tuy nhiên, xu hướng này chấm dứt vào cuối tháng 11. Số ca nhiễm tăng nhanh trở lại và số ca tử vong mỗi ngày là trên 700 người. Đến giữa tháng 12, bệnh nhân chết vì Covid-19 thường vượt mốc 1.000 người mỗi ngày. Các bệnh viện ở thành phố lớn gần như hết công suất.
Hành khách tại một nhà ga ở São Paulo vào giữa tháng 6/2020. Ảnh: The New York Times/Victor Moriyama |
Nói với The New York Times, ông Marcelo Gomes, nhà nghiên cứu tại Fiocruz, cho biết việc Brazil không có khả năng ngăn chặn hoàn toàn virus dẫn đến tình trạng kiệt sức của đội ngũ nhân viên y tế.
Brazil đang phải trải qua nhiều “cột mốc chết chóc” vì không đánh giá đúng tầm quan trọng của giãn cách xã hội
Từ số ca nhiễm tăng nhanh, sau đó giảm dần và các biện pháp giãn cách được nới lỏng, đến nay, Brazil đang phải trải qua nhiều “cột mốc chết chóc” vì đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của giãn cách xã hội. Ngày 23/6, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này ghi nhận kỷ lục hơn 115.000 ca mắc trong 24 giờ.
Không phong tỏa và chỉ mới 11,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ (tính đến 20/6), quốc gia Nam Mỹ này được coi là "kho chứa các biến chủng mới" và ngày càng bị cô lập với thế giới. Đến nay, hơn 100 quốc gia đang hạn chế nhập cảnh đối với người Brazil.
Đây trở thành bài học cho bất kỳ quốc gia hay thành phố nào khi nghĩ tới việc sống chung với dịch quá sớm dù chưa có đủ vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Qua khảo sát 23 bài báo khoa học về đánh giá chi phí hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ… TS Thu Anh cho rằng giãn cách xã hội tất nhiên sẽ để lại hậu quả. Nhưng nhìn dài hạn, hiệu quả của giãn cách xã hội cao hơn nhiều so với cách ly, hoặc không can thiệp và để miễn dịch cộng đồng tự nhiên.
Bán kit xét nghiệm nhanh tại nhà thuốc để dân tự xét nghiệm
Trong bối cảnh “khát vaccine” mà số ca nhiễm cộng đồng ngày càng tăng, khoanh vùng các ca nhiễm bằng xét nghiệm diện rộng là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch.
Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch 12 ngày của TP.HCM, lãnh đạo thành phố giao chỉ tiêu cho ngành y tế thực hiện một triệu mẫu gộp/ngày. Đây là con số rất lớn so với năng lực trước đó của ngành y tế TP.HCM. Trong một tháng, từ 26/5 đến 26/6, TP.HCM mới xét nghiệm tổng cộng 1,1 triệu mẫu xét nghiệm.
TS Nguyễn Thu Anh đánh giá đây là một giải pháp đúng hướng, tuy nhiên, TP.HCM có thể nâng năng lực xét nghiệm hơn nữa bằng cách cho người dân tự lấy mẫu.
“Xét nghiệm tại nhà thì độ nhạy và độ đặc hiệu không cao như xét nghiệm RT-PCR nhưng bối cảnh dịch lan tràn thì việc bổ sung xét nghiệm tại nhà, bên cạnh xét nghiệm sàng lọc của ngành y, sẽ giúp phát hiện sớm ca bệnh, dù không thể phát hiện hết”, TS Thu Anh phân tích.
Chuyên gia kiến nghị TP.HCM nên cho phép và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Với xét nghiệm RT-PCR, TS Thu Anh kiến nghị TP.HCM nên cho phép và hướng dẫn người dân tự lấy mẫu tại nhà rồi gửi mẫu tới phòng xét nghiệm, kết quả được trả qua tin nhắn. Bên cạnh đó, thành phố có thể thiết lập các điểm lấy mẫu và xét nghiệm tại nơi công cộng.
Ngành y tế cần mua bổ sung máy RT-PCR và lập kế hoạch đảm bảo chuỗi cung ứng sinh phẩm và test kit. Chia 3 ca/ngày làm việc để sử dụng tối đa công suất máy. Và kêu gọi sự ủng hộ của khối tư nhân cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, nhân lực.
TP.HCM có thể nâng năng lực xét nghiệm bằng cách cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm
Với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, TS Thu Anh nhấn mạnh không thực hiện cho người nghi nhiễm hoặc có tiền sử dịch tễ, mà nên sử dụng để sàng lọc định kỳ tại cộng đồng. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì người dân cần cách ly và lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Nếu âm tính, người dân sống trong vùng dịch cần lấy mẫu để xét nghiệm gộp RT-PCR thêm lần nữa.
Đặc biệt, bà Thu Anh cho rằng thành phố nên đẩy mạnh hơn các biện pháp để người dân chủ động tự xét nghiệm. Ví dụ như phát kit xét nghiệm hàng tuần cho hộ dân; hoặc bán kit xét nghiệm tại nhà thuốc để người dân chủ động mua, tự xét nghiệm sàng lọc đánh giá nguy cơ.
“Để giám sát triệu chứng trên toàn thành phố, tôi nghĩ lý tưởng nhất là làm một bản đồ cập nhật dữ liệu các trường hợp ho sốt, nhìn vào đó sẽ thấy ngay vùng tập trung nguy cơ. Số liệu này có thể lấy từ nhà thuốc, bệnh viện, hoặc người dân tự kê khai. Nói chung, về lâu dài, cần có mạng lưới giám sát”, chuyên gia đề xuất.
Bảo vệ nhân viên y tế bằng mọi cách
Ngày 30/6, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ 18/5 đến nay, thành phố có 55/130 bệnh viện có trường hợp F0 đến khám. Trong số đó, 5 bệnh viện phải phong tỏa do “bị động” dẫn đến sự lây lan mầm bệnh trong bệnh viện, gồm: BV quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, BV Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Những ngày gần đây, ngành y tế cũng liên tục ghi nhận trường hợp dương tính do phơi nhiễm. Ngày 30/6, 4 trường hợp. Ngày 29/6, 3 trường hợp. Ngày 28/6, một trường hợp. Ngày 27/6, 4 trường hợp.
TS Nguyễn Thu Anh cho rằng đây là hệ quả tất yếu khi dịch kéo dài và nhân viên y tế phải làm việc liên tục với áp lực cao.
“Không có giải pháp nào khác ngoài việc phải bảo vệ nhân viên y tế bằng mọi cách”, bà nhận định.
TS Thu Anh nhấn mạnh giải pháp yêu cầu toàn bộ cán bộ y tế phải đeo khẩu trang N95 trong suốt quá trình làm việc. Cùng với đó, cơ sở y tế nên tăng kiểm soát nhiễm khuẩn, điều chỉnh luồng bệnh để bệnh nhẹ điều trị ở tuyến dưới, bệnh nặng lên tuyến trên nhằm tránh gây quá tải. Khám chữa bệnh từ xa (telehealth) cũng cần được đẩy mạnh.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phải tạm dừng hoạt động một thời gian do có nhân viên nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Duy Hiệu. |
TS.BS Trương Anh Thư, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra những giải pháp cụ thể cho các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.
Là người có kinh nghiệm kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều điểm nóng như Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương... TS Thư cho biết với công tác phân luồng, sàng lọc, cách ly, điều tối thiểu là phải có luồng đi riêng cho nhân viên y tế và người bệnh. Nơi có điều kiện có thể thiết lập 2 đường vào/ra riêng cho người bệnh và cho nhân viên y tế.
Bệnh nhân Covid-19 cần phân loại, sắp xếp theo nhóm nguy cơ. Nhân viên vòng ngoài và vòng trong phải được bố trí khu vực riêng, có khu riêng để cách ly nhân viên y tế nghi ngờ/xác định nhiễm SARS-CoV-2.
Không có giải pháp nào khác ngoài việc phải bảo vệ nhân viên y tế bằng mọi cách
TS.BS Nguyễn Thu Anh
Khu vực cho người bệnh phải bố trí tại nơi thông thoáng, có cửa sổ để tận dụng tối đa thông khí tự nhiên, bố trí cuối hướng gió (nếu được). Nơi điều trị người bệnh cần bố trí luồng di chuyển cách biệt giữa người bệnh và nhân viên y tế, gần nhất có thể với khu vực dành cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị F0.
Nếu có điều kiện, bệnh viện cần thiết lập đường riêng để vận chuyển chất thải, đồ ô nhiễm nhằm thuận tiện bàn giao giữa nhân viên vòng trong và vòng ngoài, vận chuyển về nơi tập kết. Với khu nhà cao tầng không có thang máy, TS Thư đề nghị xem xét làm vận thăng để vận chuyển đồ ô nhiễm, giảm nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên vận chuyển chất thải.
Tùy theo diễn biến dịch, tần suất xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ người làm việc tại bệnh viện và bệnh nhân có thể là định kỳ hàng tuần hoặc 3-5 ngày/lần. Cuối cùng và quan trọng nhất, TS Thư nhấn mạnh bệnh viện cần bố trí ít nhất 1-2 nhân viên chuyên trách việc kiểm tra, giám sát quá trình trên.
“Không duy trì được việc này thì chắc chắn sẽ có nhân viên tuân thủ không đúng. Hầu hết mọi người sẽ không thể làm đúng ngay nếu chỉ cung cấp phương tiện và đào tạo”, TS Thư nhấn mạnh.
TS Thư cho biết cán bộ y tế chỉ chiếm 3% dân số toàn cầu, nhưng có tới 14% ca nhiễm được báo cáo là thuộc nhóm cán bộ y tế (WHO).
“Việc bảo vệ nhân viên y tế là mấu chốt trong đảm bảo cho một hệ thống chăm sóc, điều trị và phòng chống dịch được vận hành trôi chảy”, TS Thư khẳng định.
Bình luận