Nhằm làm mới dòng sản phẩm smartphone phổ thông, Oppo đã tung ra chiếc Neo 3, phiên bản nâng cấp của Neo ra mắt cuối năm 2013. Máy được trang bị một cấu hình tốt hơn và phần mềm cũng được bổ sung nhiều nét mới. Model này hỗ trợ 2 SIM và đi kèm với gói cước 3G tốc độ cao với lưu lượng 1 GB/tháng. Đây cũng là một ưu điểm giúp Oppo Neo 3 có thể cạnh tranh với các đối thủ khác trong tầm giá dưới 4 triệu đồng.
Thiết kế
Vì là bản nâng cấp của Neo, Neo 3 gần như không có nhiều sự khác biệt so với model tiền nhiệm. Máy vẫn có thiết kế khá vuông vức và cong nhẹ ở hai cạnh trên và dưới. Sự kết hợp giữa đường thẳng và các đường cong khiến model này có thiết kế tổng thể khá trung tính, thích hợp cho người dùng nam lẫn nữ.
Bên cạnh đó, hai cạnh trên và dưới của Oppo Neo 3 có hai dải vân màu và được bao phủ bởi một lớp nhựa trong suốt. Chi tiết này khiến Neo 3 trở nên trẻ trung hơn và có điểm nhấn. Đây cũng là một sự khác biệt trong thiết kế, vì các model trên thị trường thường không chú trọng đến việc “làm đẹp” cho hai cạnh trên và dưới, vốn là nơi bố trí các cổng kết nối như jack âm thanh, microUSB… Mặt lưng của model này làm từ nhựa nhưng cho cảm giác sờ mịn và không bám vân tay.
Trong khi các hãng đối thủ dần chuyển sang sử dụng phím cảm ứng ảo bên trong màn hình nhằm tiết kiệm chi phí và tạo ra sự đồng nhất trong trải nghiệm, Oppo vẫn duy trì dãy phím cảm ứng cố định trên chiếc Neo 3, giúp người dùng có thể thao tác nhanh hơn. Cạnh dưới của model này cũng được vát mỏng theo phong cách "đường cong mặt trăng" từng được áp dụng trên chiếc Oppo Find 7 cao cấp.
Tuy nhiên, Neo 3 vẫn tồn tại một nhược điểm nhỏ trong thiết kế ở mặt trước khi khoảng trống giữa mép trên và mép dưới màn hình khá lớn.
Màn hình
Oppo Neo 3 được trang bị màn hình IPS LCD 4,5 inch, độ phân giải 854 x 480 pixel. Những thông số này tương tự với màn hình của chiếc Neo đời đầu. Máy cho khả năng hiển thị khá tốt ngay cả khi sử dụng ngoài trời nắng gắt. Màu sắc trên Oppo Neo 3 có tông dịu nhẹ. Chữ và hình ảnh hiển thị rõ ràng, góc nhìn rộng và không có hiện tượng rỗ màn hình.
Tương tự như các model Lumia của Nokia, Neo 3 cũng được Oppo trang bị khả năng cảm ứng nhạy, có thể sử dụng ngay cả khi người dùng đeo găng tay hay các vật dụng bằng kim loại. Trải nghiệm thực tế cho thấy cảm ứng của máy có tốc độ phản hồi khá tốt. Đây là một lợi thế lớn của model này khi các đối thủ ngang giá thường tập trung chi phí sản xuất vào cấu hình và cắt giảm khá nhiều cho chất lượng hiển thị cũng như cảm ứng.
Phần cứng
Về cấu hình, máy được trang bị chip hai nhân tốc độ 1,3 GHz, RAM lên đến 1 GB, đồ họa Mali-400Mp, pin 1.900 mAh. Dễ nhận thấy so với Neo, Neo 3 được nâng cấp dung lượng RAM lên gấp đôi, giúp máy có thể vận hành trơn tru trên hệ điều hành Color OS (phát triển từ Android 4.2). Model này có bộ nhớ trong 4 GB và hỗ trợ thẻ nhớ lên đến 32 GB.
Nhờ tăng dung lượng RAM, Neo 3 tỏ ra mạnh mẽ hơn nhiều so với model tiền nhiệm. Với RAM 1 GB, model này đã có thể chạy thêm nhiều tựa game 3D và các ứng dụng đồ họa đỏi hỏi mức cấu hình tương đối. Thử kiểm tra hiệu suất với phần mềm Antutu Benchmark, máy đạt điểm hiệu suất khoảng 12.000, khá gần với Galaxy S3 của Samsung.
So với các đối thủ ngang giá, Oppo có lợi thế về khả năng chụp ảnh khi được trang bị camera 5 MP kèm đèn Flash và có thể quay video ở độ phân giải HD 720p tốc độ 30 khung hình/giây. Ở mặt trước, Neo 3 cũng được trang bị camera 2 MP. Không được trang bị nhiều tính năng thiên về chụp ảnh như mẫu Find 7 hay N1 cao cấp, camera của Neo 3 chỉ bao gồm những chế độ chụp thông thường. Ảnh đủ sáng và có độ nét ở mức khá.
Tuy có kích thước "bé hạt tiêu", nhưng loa ngoài của Neo 3 vẫn có âm lượng khá lớn. Máy có thờ lượng pin khá khi được trang bị thỏi pin 1.900 MAh. Thử nghiệm cho thấy máy có thể hoạt động được hơn một ngày với tần suất sử dụng ở mức cơ bản (nghe gọi, nhắn tin, lướt web) và có thể lên đến 3 ngày ở chế độ chờ.
Phần mềm
Tương tự như các smartphone của Oppo trước đó, Neo 3 chạy hệ điều hành Color OS, phát triển dựa trên nền tảng Android 4.2. Không chỉ tùy biến lại giao diện như cách mà nhiều nhà sản xuất thường làm, Color OS cũng được Oppo thêm vào nhiều tính năng như vẽ ký tự ngay trên màn hình khóa để mở các ứng dụng, chụp ảnh nhanh...
Vì là một hệ điều hành phát triển dựa trên Android, người dùng cũng có thể cài đặt hầu hết các ứng dụng Android qua Google Play Store cài sẵn trên máy. Nhìn chung, trải nghiệm trên Color OS vẫn rất đậm chất Android, nhưng các thao tác đã được rút ngắn nhờ vào việc tùy biến giao diện cũng như hệ thống ra lệnh bằng ký tự vẽ tay. Các biểu tượng được thiết kế nhẹ nhàng, vuông vức, màu sắc không quá nổi bật.
Tổng kết
Oppo Neo 3 là một trong những chiếc smartphone có nhiều ưu điểm trong tầm giá dưới 4 triệu đồng. Model này mạnh về thiết kế, màn hình và cấu hình và hỗ trợ 2 SIM hai sóng. Bên cạnh đó, máy còn được tặng kèm gói cước tốc độ cao và cộng tiền hàng tháng vào tài khoản người dùng. Cụ thể, người dùng được tặng gói 3G tốc độ cao, miễn phí 1 GB/tháng với tốc độ download 18 Mbps và tốc độ upload 2 Mbps, sử dụng liên tiếp trong vòng 12 tháng. Đồng thời, mỗi tháng người dùng Neo 3 cũng được tặng 30.000 đồng vào tài khoản phụ và miễn phí 100 tin nhắn SMS nội mạng, được cộng dồn vào tháng kế tiếp.
Nhìn chung, đây là một sản phẩm tốt dành cho đối tượng học sinh, sinh viên - những người dùng đỏi hỏi một chiếc smartphone đáp ứng được các nhu cầu cơ bản với mức giá dễ chịu. Nhược điểm duy nhất của model này là chỉ hỗ trợ 3G cho một SIM, SIM còn lại chỉ có thể sử dụng kết nối 2G.