Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh giá 'kẻ tiêu diệt AirPods 2' của Sony: Nghe hay, chống ồn, hơi to

Là một tín đồ của AirPods, tôi cho rằng Sony đã có một chiếc tai nghe đáng khen, dù đánh đổi kích thước khá lớn.

Trước đây tôi thường nghe lossless và yêu cầu cao về nguồn phát, tai nghe, DAC. Khi đó, với tôi, việc chuẩn bị để nghe một bài nhạc kỳ công ngang với pha một ấm trà kiểu Nhật: từ tốn, cẩn trọng và thích tận hưởng từng "công đoạn", sau đó tê tái theo từng nốt nhạc, nhịp phách.

Thời đại của streaming music đến, tôi di chuyển nhiều hơn, Internet có mặt khắp nơi và giá thuê bao Mp3 Zing, Nhạc Của Tui hay Spotify đều rẻ ngang ly cà phê mỗi sáng. Cộng với việc dần "lười" tìm nhạc lossless, tôi đã không còn sự khó tính trong âm nhạc.

Các ứng dụng nghe nhạc kiểu Spotify cũng khá thông minh khi gợi ý, khuyến nghị nhạc theo hoàn cảnh. Những bài mọi người xung quanh tôi đang "phát cuồng" đều tiếp cận đến tôi mà tôi không cần phải hỏi ai "bài đấy tên gì".

Và lúc này, chiếc AirPods ra đời. Đó là một chiếc tai nghe đầy cách mạng: bị chê cười "bò đeo nơ" từ lúc mới ra mắt năm 2017, nhưng dần đứng top doanh thu tai nghe tại nhiều thị trường.

danh gia Sony WF-1000XM3 anh 1
AirPods là "tượng đài" của tai nghe true wireless hiện nay, đe dọa doanh số của cả thị trường tai nghe truyền thống. Ảnh: Refinery.

Năm 2018, tôi lần đầu đến New York, trong đầu mường tượng cảnh những cảnh chàng trai cô gái phong cách bụi bặm đeo Beats đi hiên ngang trên phố. Nhưng không, những cảnh thường thấy trên phim đó đã tuyệt chủng, thay vào đó là những chiếc AirPods gọn gàng, kín đáo sau những mái tóc xoăn xù, lướt qua mặt vội vã. "Newyorker" nay đã cuồng tai nghe Apple, dù Beats cũng đã bị mua lại nhưng chỉ còn 1-2 người giữ nó trên cổ.

Việt Nam năm 2019, thị trường ngập tràn tai nghe AirPods nhái giá từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu, thậm chí có cả chip H1 để đánh lừa iPhone. Khi một sản phẩm bị nhái tràn lan, nó đã thành công về mặt nhận diện.

Trải nghiệm nhanh Sony WF-1000XM3 - chống ồn tốt, pin dung lượng cao Sony WF-1000XM3 là phiên bản kế nhiệm của chiếc WF-1000X ra mắt năm 2017 với một số cải tiến về kết nối, chất lượng âm thanh cùng khả năng chống ồn.

Sony có làm được chiếc tai nghe giết chết AirPods 2?

Tôi đã phát chán khi nghe cụm từ "iPhone killer" bởi những chiếc di động cố gắng làm điều đó đều có kết cục không mấy vui vẻ. Do đó, khi bắt gặp cụm từ "AirPods 2 killer" trên báo nước ngoài khi nói về chiếc Sony WF-1000XM3, tôi không mấy ấn tượng.

Thực sự, Sony không "nổ" cụm từ ấy dù truyền thông đã trao tặng. Hãng chỉ đơn thuần tạo ra một chiếc tai nghe true wireless, đối trọng với những model đang gây bão thị trường như Apple AirPods 2, Sennheiser Momentum True Wireless hay Beats PowerBeat Pro.

Cầm chiếc WF-1000XM3 trên tay, nắp hộp có dòng chữ "Made for iPhone", tôi đã nghĩ rằng đây là sự thay thế cho AirPods đối với những ai yêu cầu mức chất lượng cao hơn. Tôi bắt đầu có suy nghĩ so sánh xem liệu nó có đánh bật được chiếc AirPods - vật bất ly thân của tôi lúc này hay không.

Đầu tiên, WF-1000XM3 là một cái tên xa lạ và xấu xí. Đây là cảm nhận chủ quan của tôi vì tôi không thích gọi tên đồ vật bằng tên viết tắt và những con số. Hay nếu ai hỏi tôi "đang đeo gì đấy", tôi cảm thấy thật cực hình khi phải nhớ chính xác tên gọi của nó và nói ra cho bạn tôi. Họ chắc chắn sẽ phải note lại từng chữ nếu không muốn trôi tuột.

Thứ hai, phần hộp đựng của WF-1000XM3 to gấp đôi AirPods. Nếu AirPods là quả trứng gà, thì WF-1000XM3 trông như trứng đà điểu. AirPods có thể nằm gọn trong túi quần nhưng WF-1000XM3 trông hơi cộm.

Tôi lắp tai nghe AirPods vào hộp rất nhanh vì không bị nhầm lẫn, nhưng với WF-1000XM3, tôi đã thấy bạn tôi xoay đủ hướng, lớ ngớ mất 1 phút để lắp tai nghe vào hộp đúng vị trí. Có thể, nếu dùng chiếc tai nghe Sony này lâu hơn, tôi sẽ quen hơn vì không phải vấn đề lớn lao.

Sony đã rất chu đáo khi tặng kèm nhiều mẫu đệm tai nghe kích cỡ khác nhau. Điều này giúp ai cũng có thể dùng WF-1000XM3, trong khi AirPods là ác mộng của những người có ống tai nhỏ. Cáp sạc ngắn vừa đủ. Tôi đánh giá phần này 9/10 điểm, sẽ cho điểm 10 nếu hãng công nghệ Nhật tặng thêm chiếc túi vải nhỏ đi kèm hộp đựng.

Những phần quan trọng nhất, Sony đã làm tốt!

Âm thanh là thứ đầu tiên WF-1000XM3 chứng tỏ được giá trị. Nó dễ dàng đánh bại chiếc AirPods của tôi về độ chi tiết, độ chắc của âm bass cũng như tiếng treble dễ chịu.

Thử nghe "Có chàng trai viết lên cây" của Phan Mạnh Quỳnh, đoạn cao trào đã mang lại trọn vẹn cảm xúc, phần vì tôi thấy ngạc nhiên bởi nghe ra thêm được một số âm treble mà bình thường AirPods đã không thể hiện rõ.

Thử nghe Señorita (một bài đi quán cà phê nào cũng nghe cả tháng nay), tôi cảm nhận Shawn Mendes và Camila Cabello hát mềm mại và trong trẻo hơn hẳn. AirPods cho âm chắc, an toàn, không đến nỗi tệ, nhưng WF-1000XM3 lại cho cảm giác có người hát cho mình nghe ở gần.

Để có được điều này, cần nhắc tới Noise-canceling, công nghệ chống ồn chủ động được nhắc đến khá nhiều gần đây như một thứ "phải có" của tai nghe cao cấp.

Nhấp nhẹ vào tai trái để kích hoạt chế độ này, WF-1000XM3 đưa tôi vào một môi trường khá tĩnh lặng (không tuyệt đối, vẫn còn một chút tiếng động nhưng gần như không còn nghe ai nói gì), từ đó bài hát cũng hạn chế nhiễu âm, giúp tôi thưởng thức trọn vẹn hơn.

WF-1000XM3 sở hữu micro kép, gồm một micro thu âm phía trước và một ở phía sau trên bề mặt tai nghe để thu âm thanh xung quanh (tiếng ồn trên máy bay, tiếng xe cộ trong thành phố hay tiếng trò chuyện trong văn phòng). Sau khi "đo" được loại tiếng ồn, bộ xử lý chống ồn HD QN1e chuyên dụng sẽ làm công việc còn lại.

Phần ứng dụng Sony Headphones có thể giúp tôi chỉnh lại âm thanh theo ý thích, cũng như mức độ của Ambience Sounds hay Noise-canceling sao cho phù hợp.

Sony cũng quảng cáo WF-1000XM3 hỗ trợ cả Google Assistant và nó thực sự hoạt động tốt với Android (tất nhiên) và một chút rườm rà trên iOS. Nhưng cũng đáng mừng là nó hoạt động với Siri trên iPhone và cả trên Mac. Phần này tôi sẽ đề cập ở đoạn sau bài viết.

Trở lại với Google Assistant, sẽ tuyệt hơn khi bạn dùng Google Assistant tiếng Anh vì nó đã gần như hoàn chỉnh. Khi chuyển sang tiếng Việt, tính năng này không thực sự thông minh (do Google, không phải lỗi Sony). Chiếc tai nghe này còn đọc cả tin nhắn Facebook Messenger nếu có người nhắn tin. Tôi có thể trả lời bằng giọng nói, WF-1000XM3 tự chuyển đổi sang chữ và gửi phản hồi. Tính năng ngày khá ngầu nhưng tôi nghĩ nó chỉ có ích khi bạn đang lái xe hơi.

Về kết nối, WF-1000XM3 sử dụng cổng USB-C tiện dụng. Tôi gần như bỏ qua mọi thiết bị còn dùng cổng Micro USB vì nghĩ chúng đã lạc hậu, không đáng để mua và thật may chiếc tai nghe của Sony không mắc phải sai lầm này.

Thời lượng pin của WF-1000XM3 khá tốt cho 6 tiếng nghe nhạc không lắp vào hộp sạc, và lên đến 18 tiếng khi lắp vào phần hộp sạc. Con số này nhỉnh hơn một chút so với AirPods khi hoạt động độc lập (5 tiếng nghe rời, 19 tiếng khi lắp hộp sạc).

Điều tôi không thích khi so WF-1000XM3 với AirPods

WF-1000XM3 thực sự không có cửa so với AirPods (đời 1 lẫn 2) về khả năng kết nối nếu bạn đang dùng "combo" MacBook, iPhone, iPad và sử dụng luân phiên các thiết bị này.

Với lợi thế sân nhà, AirPods chuyển đổi rất nhanh và thông minh, trong khi WF-1000XM3 có độ trễ khi chuyển qua các thiết bị khác nhau. Khi dùng với MacBook, tôi lỡ chạm vào tai nghe và vô tình kích hoạt Siri không cần thiết. Điều này khá bất tiện.

AirPods cho tôi cảm giác "dùng như không dùng" ở 2 điểm, đó là khi đeo lên tai, nó kết nối ngay với iPhone, MacBook và nó rất nhẹ, đến mức có lúc tôi không nhận ra mình đang đeo tai nghe. 

Trong khi đó, WF-1000XM3 là một chiếc tai nghe cho người "nghiêm túc" hơn một chút khi nghe nhạc, nó cho tôi ý thức được việc mình có đeo tai nghe và khó đánh rơi hơn AirPods. 

Điều buồn nhất trên chiếc tai nghe của Sony đó là không trang bị aptX HD, do đó nó không thể phát nhạc Hi-Res (nhạc chất lượng cao). Để bù lại điều này, WF-1000XM3 có cơ chế tăng cường âm thanh kỹ thuật số HX (DSEE HX). Nôm na là "nâng cấp" các file nhạc nén để có chất lượng âm thanh gần đạt Hi-Res: bù chi tiết, dậm thêm âm trầm... Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp nặng về thuật toán.

Hiện tại, tôi không còn quá quan trọng chất lượng nhạc, nhưng tôi tin những ai khó tính về âm thanh sẽ bỏ qua WF-1000XM3 mà đến với Sennheiser Momentum True Wireless.

Điều cuối cùng cần góp ý với WF-1000XM3, đó là khả năng gán chức năng. Nếu lỡ gán tai trái cho trợ lý ảo, bạn sẽ phải đánh đổi phím tắt Noise-canceling và phải bật nó trên ứng dụng.

Để khắc phục điều này, bạn hãy gán một bên là tính năng Playback, một bên là Ambience Sound. Khi đó, bạn chỉ cần chạm trong 3 giây ở tai nghe gán Playback để kích hoạt trợ lý ảo, trong khi phía còn lại có thể chạm để nghe thấy tiếng người khác khi nói chuyện với mình mà không cần tháo headphone.

Và đáng lưu ý thêm, đôi khi cảm ứng bên tai trái (gán vào Ambience Sound) không đủ nhạy khiến tôi phải chạm khá nhiều lần để chuyển đổi các mode sử dụng. Tôi hy vọng phiên bản thương mại bán ra ở Việt Nam không có tình trạng này và chiếc tai nghe tôi đang đánh giá là một trường hợp cá biệt.

Có nên mua Sony WF-1000XM3 ?

  • Thông số cơ bản: Bluetooh 5.0, không có aptX, có DSEE HX. Pin 6 tiếng rời +18 tiếng khi bỏ vào hộp sạc. Hỗ trợ Siri, Google Assistant, tần số đáp ứng 20 Hz - 20.000 Hz (lấy mẫu 44,1 kHz), màng loa 6 mm, có NFC, chạm để trò chuyện trực tiếp không cần tháo tai nghe.
  • Nên mua WF-1000XM3 nếu bạn dùng điện thoại Android và có nhu cầu sử dụng Google Assistant. Nếu dùng iPhone và "rộng lượng" với độ trễ kết nối, WF-1000XM3 là một lựa chọn không tồi thay AirPods vì có chống ồn, âm thanh tốt hơn và có nhiều mút tai nghe đủ kích cỡ. Mức giá 230 USD của WF-1000XM3 (tầm 5,5 triệu đồng) bỏ xa AirPods, giá trị nó mang lại khá đáng tiền. 
  • Không nên mua WF-1000XM3 nếu bạn khó tính trong âm nhạc, cần âm thanh Hi-Res thực thụ, có thể chọn Sennheiser Momentum True Wireless. Nhưng lưu ý chiếc tai nghe đến từ Sennheiser không được đánh giá cao về khả năng điều khiển, không có Noise-canceling, pin cũng kém hơn. 

Lê Trọng

Bạn có thể quan tâm