iPhone 12 Pro đắt hơn phiên bản 12 khoảng 6 triệu đồng nhưng rẻ hơn model màn hình lớn 4 triệu. Sẽ ra sao nếu Apple không có phiên bản này?
Tại Việt Nam, iPhone 12 mini, 12, 12 Pro và 12 Pro Max đang được bán với giá khởi điểm lần lượt là 20, 23, 29 và 32 triệu đồng. Nghĩa là iPhone 12 Pro đắt hơn phiên bản 12 khoảng 6 triệu đồng nhưng rẻ hơn model màn hình lớn 3 triệu.
Trong khi đó, cả 4 mẫu iPhone năm nay đều có thiết kế vuông vức, màn hình OLED và công nghệ 5G. Một số người bạn của tôi cho rằng 12 Pro là một “chiếc iPhone lỡ cỡ”. Nhưng sẽ ra sao nếu Apple không có phiên bản này?
Theo tôi, iPhone 12 Pro là phiên bản không thể thiếu trong cơ cấu sản phẩm của Apple bởi nó đảm bảo được sự cân bằng của các trang bị và công nghệ. Máy có kích thước không quá lớn như iPhone 12 Pro Max. Thiết kế khung viền của máy bóng bẩy hơn iPhone 12 và cấu hình 3 camera cùng cảm biến lấy nét LiDAR tối tân nhất của Apple.
Năm 2019, một số ảnh dựng rò rỉ cho thấy một mẫu iPhone với thiết kế vuông vức, màn hình tràn viền khuyết đỉnh, mặt lưng 3 camera với tên gọi iPhone SE 2020. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ nếu sản phẩm đó ra mắt tôi sẽ mua ngay. Nhưng đến khi iPhone SE 2020 ra mắt, nó lại giống chiếc iPhone 7 mà tôi đang dùng.
Đến tháng 10, Apple ra mắt sản phẩm trong mơ ấy nhưng với tên iPhone 12 Pro. Khi lần đầu nhìn thấy máy thực tế, tôi đã rất phấn khích vì vẻ vuông vắn nam tính của nó. Nhưng đó chỉ là cảm nhận đầu tiên. Đã nhiều năm sử dụng các smartphone có khung viền được bo cong, tôi cảm thấy khá khó chịu khi lần đầu cầm iPhone 12 Pro bởi nó khá cấn tay. Bên cạnh đó, iPhone 12 Pro tương đối nặng khi nó có khối lượng 187 g. Dù máy nhẹ hơn 1 g so với iPhone 11 Pro nhưng do phần viền cấn tay đã khiến nó trông có vẻ nặng hơn khi cầm.
Bù lại, iPhone 12 Pro có màn hình 6,1 inch, lớn hơn phiên bản tiền nhiệm với kích thước 5,8 inch. Mặt lưng của máy không có nhiều thay đổi khi vẫn giữ lại thiết kế cụm 3 camera đặt trong một ô vuông trên mặt kính mờ giúp giảm bám vân tay.
Tuy vậy, phần viền của máy lại được làm từ thép bóng. Về mặt thị giác, nó giúp iPhone 12 Pro trong bóng bẩy hơn rất nhiều. Nhưng về trải nghiệm sử dụng, nó khá bám vân tay. Với một người có đôi tay ẩm ướt như tôi, máy khá trơn, dễ rơi. Dù vậy, nó không phải vấn đề quá lớn bởi tôi đã quen với việc sử dụng ốp lưng.
Các nhà cung ứng phụ kiện khá ưu ái các sản phẩm Apple. Trên thị trường, ốp lưng iPhone luôn đa dạng hơn các sản phẩm khác. Vì vậy, ngoài nhu cầu bảo vệ máy, với tôi đó còn là thời trang.
iPhone 12 Pro trang bị màn hình OLED 6,1 inch. Về cơ bản, màn hình cho chất lượng hiển thị giống như phiên bản tiền nhiệm. Độ sáng và mật độ điểm ảnh của iPhone 12 rất tốt. Trang DxOMark đánh giá đây là màn hình smartphone đẹp nhất hiện nay. Dù vậy, iPhone 12 Pro có màn hình tần số quét chỉ 60 Hz. Trong khi đó, các smartphone Android trên thị trường có giá từ 15 triệu đồng trở lên đều đang chuyển sang màn hình tần số quét 90-120 Hz.
Nếu từ trước đến giờ chỉ sử dụng iPhone, bạn sẽ không nhận ra sự khác biệt. Nó vẫn mượt mà như các phiên bản trước đây. Tuy vậy, nếu đã sử dụng màn hình 120 Hz, sự khác biệt về độ mượt mà khi cuộn trang, vuốt chạm sẽ được cảm nhận rất rõ ràng. Tuy vậy, tần số quét cao đồng nghĩa máy sẽ hao pin hơn.
Bên cạnh đó, màn hình iPhone 12 Series được Apple công bố là trang bị lớp phủ gốm sứ, giúp chống xước tốt hơn. Trải nghiệm hơn nửa tháng sử dụng của tôi cho thấy lớp phủ này của Apple thật sự có tác dụng. Mẫu iPhone 11 Pro năm trước tôi sử dụng, chỉ sau một tuần đã bị xước dăm. Trong khi đó, iPhone 12 Pro vượt qua 2 tuần sử dụng mà không có vết xước nào. Trước đây, hàng loạt công nghệ như Gorilla Glass vẫn khiến tôi sử dụng miếng dán cường lực chỉ để chống xước. Nhưng lần này, với iPhone 12 và công nghệ Ceramic Shield tôi cảm thấy đã quá đủ.
iPhone 12 Pro được trang bị bộ vi xử lý A14 Bionic giống như iPhone 12 và iPad Air. Thông lệ mọi năm, iPhone mới sẽ đi kèm một con chip mới. Con chip mới của Apple lại luôn dẫn đầu điểm hiệu năng, đánh bại hoàn toàn các sản phẩm Android khác.
Vì vậy, tôi nghĩ mình không cần bàn sâu về hiệu năng của iPhone 12 Pro khi nó dùng chip 5 nm đầu tiên trên thế giới. Tất cả tác vụ đều mượt mà. Chơi game trên máy cho hiệu năng ổn định và đỡ nóng hơn iPhone 11 Pro rất nhiều. Bên cạnh đó, RAM của máy có dung lượng 6 GB thay vì chỉ 4 GB cho khả năng đa nhiệm tốt.
Quan trọng nhất vẫn là việc Apple biết cách khiến phần cứng mạnh mẽ luôn được điều khiển bởi phần mềm mượt mà. Các ứng dụng trên iOS chỉ làm ra để phục vụ iPhone. Vì vậy, người dùng iOS luôn được trải nghiệm những thứ sinh ra dành cho mình. iPhone 12 Pro không có xung đột phần cứng phần mềm nào đáng kể. Và khi có lỗi, mọi thứ được sửa chữa khá nhanh chóng. Ngày đầu sử dụng iPhone 12 Pro tôi gặp lỗi không tương thích tỉ lệ hiển thị với ứng dụng Instagram. Chỉ vài ngày sau đó, tôi cập nhật lại ứng dụng mạng xã hội này và mọi thứ lại hoạt động trơn tru. Tôi nghĩ đó mãi mãi là thế mạnh của hệ sinh thái mà Apple mất gần 10 năm để xây dựng.
Nếu đắn đo giữa việc có nên chi thêm 6 triệu đồng để mua iPhone 12 Pro thay vì 12 thì camera chính là câu trả lời. Nếu bạn thường xuyên chụp ảnh chân dung, ban đêm và zoom thì số tiền chi thêm để nâng cấp là xứng đáng.
Năm 2019, tôi từng rất ấn tượng với chất lượng của camera trên iPhone 11 Pro. Năm nay, iPhone 12 Pro dựa trên nền tảng đã có, nâng cấp một vài tính năng. Nếu tính theo số lượng thì những nâng cấp trên iPhone 12 Pro khá ít so với hàng loạt nâng cấp của thế giới Android. Nhưng xét về chất lượng, những nâng cấp này thật sự đáng giá và đủ để iPhone 12 Pro vượt mặt các đối thủ khác trên thị trường.
Khẩu độ của iPhone 12 Pro lớn hơn so với bản tiền nhiệm. Điều này giúp nó chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn. Cùng với đó là khả năng xử lý ảnh HDR thế hệ 3 cho phép ảnh chụp giữ được nhiều chi tiết trong các điều kiện ánh sáng phức tạp. Khả năng khử nhiễu của máy cũng tốt hơn. Ảnh chụp vẫn giữ được chi tiết, không bị bệt màu trong điều kiện ánh sáng yếu.
Ống kính tele và siêu rộng hoạt động khá tốt trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Ống kính góc siêu rộng được canh chỉnh để giảm méo hình ở các góc. Ảnh chụp từ camera tele sắc nét hơn một chút.
Tuy vậy, trong điều kiện ánh sáng yếu, tôi vẫn ưu tiên chọn camera chính bởi đây là máy ảnh trên smartphone tốt nhất mà tôi từng trải nghiệm. Chụp ảnh trên iPhone luôn đem lại cho tôi cảm giác an toàn. Trong hầu hết tình huống, tôi luôn tin tưởng iPhone sẽ ghi lại một bức ảnh dùng được, chân thật. Trong khi các hãng điện thoại Android dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo để nhận diện bối cảnh, chủ thể để gia tăng màu sắc, Apple lại chọn cách làm cho bức ảnh chân thực nhất.
Nếu dùng Android lâu ngày, bạn cũng sẽ có cảm giác iPhone 12 Pro cho ra ảnh nhợt nhạt. Nhưng nếu so với những gì mắt bạn nhìn thấy, iPhone 12 Pro đã làm rất tốt.
12 Pro cũng có một cảm biến LiDAR mới ở mặt sau. Theo Apple, cảm biến LiDAR sẽ giúp iPhone 12 Pro chạy tốt các ứng dụng AR hơn. Nhưng với tôi, khả năng lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu của nó mới là thứ tôi quan tâm.
Apple quảng cáo LiDAR sẽ giúp iPhone lấy nét nhanh hơn 6 lần. Tôi xác nhận việc đó là có thật. Bạn sẽ thấy nó rõ nhất khi chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Chỉ cần đưa máy lên và bấm chụp, bức ảnh bạn nhận được hiếm khi mất nét.
LiDAR cũng giúp việc chụp chân dung xóa phông được cải thiện hơn. Các chi tiết như tóc người, áo quần được chụp trong ánh sáng yếu được xử lý tốt, không lỗi nhem nhuốc như trước đây.
Apple đã nói rất nhiều về định dạng video Dolby Vision HDR. Thật khó để hình dung nó là gì cho đến khi tôi quay một đoạn phim bằng iPhone 12 Pro. Khái niệm HDR thường gắn với ảnh tĩnh nhưng trên iPhone 12 Pro, video cũng được xử lý bằng công nghệ này. Phần ánh sáng mạnh và yếu nhất của khung hình vẫn giữ được chi tiết. Bạn sẽ không phải liên tục chọn điểm đo sáng trong quá trình quay. Điều này mang lại trải nghiệm quay mượt mà, xuyên suốt. iPhone 12 Pro không bị nhảy đo sáng hay lấy nét liên tục như các smartphone khác trên thị trường.
Tóm lại, camera trên iPhone 12 Pro xứng đáng với số tiền 6 triệu đồng chênh lệch mà người dùng phải bỏ thêm để cải thiện khả năng lấy nét, chụp chân dung và thiếu sáng.
Tôi nhận được nhiều thông tin về việc iPhone 12 Pro có pin gây thất vọng cho người dùng. Nhưng với tôi, việc bắt đầu ngày mới bằng cách rút sạc và cắm lại vào buổi đêm đã trở thành thói quen.
Thực tế, iPhone 12 Pro có thời lượng sử dụng liên tục được gần 6h. Với nhu cầu dùng cơ bản của tôi thì sau một ngày làm việc tôi mới phải sạc lại. Nếu iPhone 12 Pro có còn 30% khi đêm xuống thì tôi sẽ vẫn cắm sạc nó. Chỉ khi nào có một chiếc smartphone hoạt động được 2 ngày, tương đương 2 chu kỳ sạc của tôi thì đó mới là nâng cấp đáng giá.
Năm nay tôi cảm thấy hài lòng khi iPhone 12 Pro sạc nhanh hơn. Mất 25 phút để sạc từ 0-50% pin. Điều này không quá ấn tượng với người dùng Android. Nếu Apple trang bị công nghệ sạc từ 40 W trở lên mới khiến tôi thật sự phấn khích.
iPhone 12 Pro cũng được trang bị công nghệ MagSafe. Chắc chắn tôi sẽ không dùng nó để sạc vì tôi cảm thấy cắm dây nhanh hơn. Nhưng MagSafe sẽ tạo ra một hệ sinh thái phụ kiện nhiều màu sắc trong tương lai.
Như vậy, nếu muốn một chiếc iPhone có kích thước màn hình vừa phải, các trang bị những công nghệ tối tân nhất từ Apple thì iPhone 12 Pro là lựa chọn hợp lý. Nhưng nếu bạn cân nhắc được mất dựa trên số tiền bỏ ra thì iPhone 12 Pro Max và iPhone 12 là hai phần của câu chuyện. Bạn chấp nhận cắt giảm một số tính năng để có giá tiền tốt hơn thì chọn iPhone 12. Bạn sẵn sàng chi thêm 3 triệu đồng để có màn hình lớn, iPhone 12 Pro Max là đáp án cuối cùng.