So với các đối thủ, HTC tỏ ra chậm chân nhất ở phân khúc điện thoại lai máy tính bảng (phablet). Samsung đã có Galaxy Note thế hệ thứ 3, LG tung G Pro hồi tháng 2/2013, Sony Xperia Z Ultra ra mắt tháng 7/2013, trong khi phải đến giữa tháng 10, One Max mới ra mắt (lên kệ tại Việt Nam cuối tháng 11/2013).
One Max sở hữu thiết kế gần như tương đồng với One và One mini, bổ sung thêm một vài tính năng mới. Quan trọng hơn, màn hình siêu lớn của máy giúp đem lại sự thích thú thực sự khi xem video, chơi game hoặc lướt web.
Màn hình và giao diện
Màn hình của One Max không dùng công nghệ nổi như LG, cũng không chống chói tốt như dòng Lumia nhưng hiển thị màu sắc rất thật. Gam màu trên One Max không dính hiện tượng quá sặc sỡ như màn hình AMOLED, cũng không bị ám vàng hoặc ám xanh như một số model của Sony.
Với kích thước lên đến 5,9 inch, gọi One Max là một chiếc máy tính bảng cỡ nhỏ cũng chẳng sai. So với một chiếc Galaxy Tab 7, sản phẩm này không nhỏ hơn bao nhiêu. Kết hợp với loa BoomSound âm lượng cực lớn, One Max là một chiếc phablet lý tưởng cho việc xem video hay chơi game.
Như đã nói ở trên, khả năng hiển thị ngoài trời của One Max không sánh được với Lumia 1520 hay LG G2, nhưng trừ khi trời nắng chói chang, bạn vẫn có thể nhìn rõ màn hình nếu tăng độ sáng tối đa.
Về giao diện, One Max là sản phẩm đầu tiên dùng giao diện Sense 5.5, tích hợp thêm RSS cho phép bạn lưu trữ các nội dung trên mạng để đọc ngay cả khi offline (số lượng tối đa là 120 bài). Đây là một tính năng khá hay, thay thế hàng loạt các ứng dụng đọc báo sau như Pocket, vốn được người dùng Android đặc biệt yêu thích.
Có một điểm trừ là HTC vẫn chưa cho phép người dùng loại bỏ tính năng BlinkFeed nếu không cần đến. Tuy nhiên, bạn có thể chọn màn hình Android truyền thống làm màn hình chính và dùng BlinkFeed ở màn hình thứ 2.
Thiết kế
One Max giống với One mini hơn là One. Máy được bao bọc bởi một đường viền bằng nhựa khiến nó phần nào mất đi sự sang trọng. Tuy nhiên, do kích thước màn hình lớn nên đường viền này trông hài hòa hơn nhiều so với One mini. Máy dùng vỏ nhôm nhưng có thể tháo rời (lẫy đặt ở phía trên, cạnh trái). Do làm bằng nhôm nên nắp sau này rất cứng.
Các thiết kế mặt trước của máy không khác biệt so với One với 2 dải loa BoomSound đặt nổi bật ở viền trên và dưới, hai phím điều hướng cảm ứng Home và Back. Giống như One, One Max không đi theo trào lưu viền màn hình siêu mỏng như các sản phẩm của LG và Samsung.
Cầm trên tay, máy cho cảm giác chắc chắn nhưng hơi nặng. Nếu cầm bằng một tay để chụp ảnh, người dùng có thể sẽ bị rung tay do sức nặng này. Tuy nhiên, nhờ thiết kế cong và viền nhựa của máy mà bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi cầm và sử dụng. Việc nút nguồn được chuyển xuống cạnh bên cũng giúp bạn thao tác dễ dàng hơn nhiều so với đặt trên đỉnh đầu như One.
Để tăng thêm sức hút cho sản phẩm, HTC cũng trang bị cảm biến vân tay, đặt ở dưới cụm camera. Cảm biến này có hình vuông, đặt ở dưới cụm camera chính. Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy khu vực đặt cảm biến, thao tác để lưu cảm biến vân tay cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, khả năng nhận diện cảm biến của One Max không ấn tượng.
Hiệu năng và pin
One Max chỉ dùng chip Snapdragon 600, không phải loại 800 như nhiều điện thoại đình đám hiện nay. Có một điểm khác biệt khá lớn về hiệu năng giữa One Max và các sản phẩm nói trên về điểm Benchmark, nhưng khi sử dụng thực tế, người dùng khó nhận biết được. Qua thử nghiệm nhanh, One Max chỉ chậm trễ hơn các đối thủ (chạy chip 800) trong tích tắc khi mở trang web hay chạy ứng dụng.
Với dung lượng RAM 2 GB, người dùng cũng không cần phải lo lắng về việc hết RAM trống. Sau này, khi cập nhật lên Android 4.4, chắc chắn hiệu năng của máy sẽ tuyệt vời hơn nữa bởi đây là một nền tảng có khả năng tối ưu hóa phần cứng rất tốt.
Hầu hết các phablet hiện nay đều không mạnh về pin (do màn hình lớn, chip xử lý tốc độ cao). One Max cũng không phải ngoại lệ. Nếu để màn hình sáng liên tục, duyệt web, chơi game, pin của máy sụt nhanh. Với những người có nhu cầu sử dụng cao, One Max vẫn đáp ứng được khoảng một ngày dài.
Tuy nhiên, pin này sụt rất chậm nếu để ở chế độ chờ hoặc nghe nhạc. Một điểm cộng nữa là mặt lưng của máy chỉ hơi ấm khi dùng với cường độ cao.
Camera
Camera ultrapixel là một điểm rất mới mẻ, thu hút được nhiều sự chú ý ở thời điểm One mới ra mắt. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị lu mờ sau khi Nokia tung ra hàng loạt sản phẩm đình đám như Lumia 1020 hay 1520 với công nghệ PureView và cảm biến khủng.
Trên thực tế, One Max cho khả năng chụp tối tốt nhờ các điểm ảnh lớn. Tuy nhiên, do độ phân giải thấp nên khi phóng lớn hoặc cần những bức ảnh có độ chi tiết cao, ảnh trên One Max không đáp ứng được. Mặc dù vậy, không nhiều người dùng cần những bức ảnh như vậy từ một chiếc smartphone. Nhu cầu chính vẫn chỉ là chụp chơi, chia sẻ bạn bè hoặc đăng tải trên mạng xã hội. Với những tiêu chí này, One Max hoàn toàn có thể là một lựa chọn tốt do máy lấy nét nhanh, thao tác chỉnh sửa cơ bản cũng rất đơn giản, lại có các hiệu ứng dạng Instagram độc đáo.