Cả thế giới bất ngờ khi HTC cho ra mắt One A9. Bất ngờ lớn nhất có lẽ đến từ việc hãng vứt bỏ sự tự tôn của một ông lớn di động để chạy theo thiết kế quen thuộc, lấy cảm hứng từ iPhone. HTC một mực gọi đây là một smartphone cao cấp nhưng chỉ trang bị cho máy cấu hình tầm trung với RAM 2 GB, màn hình Full HD và chip Snapdragon 617.
Nhiều người coi đây là bước đi năm ăn năm thua của HTC. Tuy nhiên, nếu cầm và trải nghiệm sản phẩm này, người dùng sẽ thấy HTC đang đi đúng hướng. Họ muốn chứng minh rằng, smartphone cao cấp không nhất thiết bị trang bị cấu hình quá mạnh mẽ. Yếu tố quan trọng là trải nghiệm. Về điểm này, One A9 đem lại sự hài lòng, mặc dù vẫn còn một vài khuyết điểm cần khắc phục.
Giống iPhone hay không?
Cần phải khẳng định, thiết kế của One A9 có nhiều điểm lấy cảm hứng từ iPhone. Tuy nhiên, nếu hỏi xem sản phẩm này giống model nào nhất thì có lẽ, nó có nhiều điểm giống với HTC One M8 hay M9 hơn.
Thiết kế vỏ nhôm của One A9 mang nét đặc trưng của HTC: cứng cáp, mạnh mẽ với các đường phay xước đẹp mắt chứ không mềm và trơn trượt kiểu iPhone. Điều này sẽ được chứng minh trong quá trình sử dụng. iPhone 6 hay 6S khi sử dụng lâu thường không tránh khỏi việc bị móp do va đập vì chất liệu nhôm quá mềm. Trong khi đó, A9 sử dụng nhiều hoặc bị rơi sẽ để lại vết trầy đặc trưng của kim loại cứng.
Do đó, khi cầm trên tay, One A9 cho cảm giác cứng cáp hơn nhiều. Trên thực tế, phần cạnh bên của máy cũng không bo tròn hoàn toàn như iPhone mà hơi vuông. Rất may, nhờ kích thước màn hình không lớn (5 inch), người dùng vẫn có thể cầm và sử dụng thoải mái. Đây là một trong những smartphone cho cảm giác cầm tốt nhất trên thị trường thời điểm hiện tại – một phần do thiết kế hợp lý, phần khác do màn hình nhỏ.
Cách đặt phím tăng giảm âm lượng, khay SIM hay các jack cắm của máy không có gì đặc biệt. Riêng nút nguồn được làm dạng răng cưa, tạo cảm giác bám tay và dễ chịu khi bấm.
Mặt kính cong 2,5D của One A9 giống iPhone, phần tiếp giáp giữa mặt kính và viền kim loại được làm hoàn hảo, khiến cho máy trông liền mạch và sang trọng. Chi tiết khó chịu nhất của sản phẩm này có lẽ nằm ở phím Home cảm ứng. One A9 có một phím Home ở bên ngoài màn hình, tích hợp cảm biến vân tay. Tuy nhiên, hãng tiếp tục bố trí một dãy phím điều hướng ngay bên trên, bao gồm một phím Home ảo khác. Thiết kế này khiến phần đáy màn hình thừa khá nhiều, trong khi diện tích sử dụng bên trong bị chiếm dụng bởi các phím điều hướng.
Trên One A9, HTC loại bỏ loa BoomSound, thay bằng một dải loa duy nhất ở cạnh trên, kế bên cụm camera.
Hiệu năng ổn, màn hình đẹp, camera tốt
Vấn đề được nhiều người quan tâm trên One A9 là hiệu năng của máy ra sao. Có thể cảm nhận được sự chậm chạp của model này (tốc độ phản hồi khi mở các ứng dụng) so với các máy cao cấp hiện nay. Tuy nhiên, khi đã quen với máy, cảm giác chậm chạp này sẽ mất đi. Người dùng có trong tay một sản phẩm đủ mang đến sự hài lòng khi thực hiện hầu hết các tác vụ, từ dễ đến khó.
Khá đáng tiếc là HTC chỉ bán tại Việt Nam phiên bản dùng RAM 2 GB, dung lượng 16 GB. Với bản 16 GB, máy có khoảng 10 GB trống và sẽ nhanh chóng bị tiêu tốn bởi hàng loạt ứng dụng, vốn ngày một nặng trong thời đại hiện nay. Việc dùng RAM 2 GB cũng khiến máy có hiện tượng khựng nhẹ khi mở nhiều ứng dụng cùng lúc.
HTC nổi tiếng với các sản phẩm màn hình đẹp. One A9 không phải ngoại lệ. Không cần đến độ phân giải Quad HD, thiết bị này có thể đáp ứng tốt yêu cầu của bất kỳ người dùng khó tính nhất nhờ khả năng hiển thị trung thực, góc nhìn rộng (hơn iPhone) và độ sáng cao. Trên thực tế, One A9 sử dụng màn hình AMOLED nhưng không quá rực rỡ như trên máy Samsung. Màn hình đẹp, thiết kế cong 2,5D khiến cho việc hiển thị nội dung trên sản phẩm này rất ấn tượng.
Giao diện Sense trên nền hệ điều hành Android 6.0 được tùy biến sâu nhưng không có phần mềm rác. One A9 còn ghi điểm ở cảm biến vân tay cực nhạy. Cảm biến này được thiết kế dạng 2 chạm (chạm lần đầu để mở máy, sau đó giữ ngón tay để mở khóa màn hình). So với việc phải bấm nút Home, sau đó mở máy, dạng mở khóa của A9 có phần tiện hơn.
Người dùng vẫn có thể sử dụng các tính năng thông minh trên Sense như chạm 2 lần để mở khóa, bấm phím âm lượng để khởi chạy máy ảnh hay vuốt sang phải để mở BlinkFeed.
Ảnh chụp từ camera sau của HTC One A9. |
HTC loại bỏ camera 21 megapixel của One M9 để sử dụng camera 13 megapixel cho A9. Có vẻ như đây là một quyết định sáng suốt. Độ phân giải không cao nhưng A9 cho khả năng chụp đa dạng. Chất lượng ảnh không ở mức đỉnh cao nhưng ảnh được xử lý tốt trong hầu hết trường hợp. Với người dùng phổ thông, như vậy là đủ.
Có một nhược điểm trên camera của One A9 là máy bắt nét khá kém ở cự ly gần. Model này cung cấp các chế độ chụp cơ bản gồm tự động, chế độ Pro (chỉnh sửa các thông số), panorama và các chế độ quay video Hyperlapse hay chuyển động chậm.
Pin không ấn tượng
Pin tiếp tục là một điểm trừ của HTC One A9. Với viên pin 2.100 mAh, người dùng phải sử dụng khéo để duy trì máy trong một ngày. Sử dụng One A9 mang đến cảm giác sử dụng những chiếc iPhone 5 hay 5S trước đây – thường xuyên phải mang theo sạc dự phòng vì pin sụt nhanh.
Đánh giá chung
Nhìn chung, One A9 làm tốt những điểm người dùng cần nhất ở một chiếc smartphone: kiểu dáng đẹp, màn hình kích cỡ vừa phải, màn hình chất lượng cao và hiệu năng đủ dùng. Đây cũng là những điểm mà các hãng điện thoại Android nên khai thác tốt, hơn là tập trung quá nhiều vào thông số kỹ thuật hay tô vẽ những tính năng không cần thiết trên smartphone của mình.
Điểm mạnh: +Dáng đẹp, thiết kế vừa tay
+Màn hình sáng, góc nhìn rộng
+Cảm biến vân tay nhạy, giao diện tùy biến hợp lý
Điểm yếu: +Pin không tốt
+Giá chưa thực sự hợp lý (11,99 triệu đồng)