Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh giá Fujifilm X-Pro3 - chỉ fan cứng mới mua

Trong khi nhiều camera trên thị trường đang làm mọi cách để người dùng chụp ảnh tiện hơn, Fujifilm lại chọn "làm khó" để hướng đến nhóm người thích hoài cổ.

Máy ảnh kỹ thuật số đang phát triển rất mạnh mẽ. Các thương hiệu lớn như Canon, Nikon, Sony, Fujifilm đều đang vượt qua những giới hạn về thông số kỹ thuật. Ngày nay, máy ảnh kỹ thuật số có độ phân giải hàng trăm megapixel, chỉ số nhạy sáng ISO đã lên đến hàng triệu.

Thế nhưng, cộng đồng chơi máy film analog vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Phong trào chơi máy film vẫn tiếp tục được mở rộng.

Máy ảnh kỹ thuật số tối ưu mọi chức năng, giúp việc chụp trở nên đơn giản hơn. Điều này khiến người chụp mất dần sự tỉ mẩn, trân quý dành cho từng bức ảnh.

Đó là lý do năm 2016, Leica tạo ra những mẫu máy ảnh kỹ thuật số không màn hình hoặc chỉ chụp được trắng đen với giá hàng trăm triệu đồng. Theo Leica, việc này giúp người chụp níu giữ chút hoài niệm của thời đại máy film.

Máy dành cho nhiếp ảnh đường phố

Tháng 11 vừa qua, Fujifilm cũng có một bước đi mạo hiểm như vậy để mang lại trải nghiệm chụp film cho người dùng. Hãng ra mắt mẫu máy ảnh X-Pro3 với giá bán từ 42 triệu đồng. 

danh gia x-pro3 anh 1
Thiết kế X-Pro3 hoài cổ, tạo cảm xúc tốt cho người chụp ảnh tư liệu.

Tổng thể thiết kế X-Pro3 không có quá nhiều thay đổi so với phiên bản trước là X-Pro2. Vuông vức, hoài cổ là hai từ để diễn tả chiếc máy này. Chất liệu kim loại màu bạc và đen phối với cao su, nhựa giả họa tiết da giúp máy toát lên chất hoài cổ. 

Điểm nổi bật trên X-Pro3 là thiết kế màn hình gập ở mặt lưng, hãng gọi là màn hình ẩn. Theo Fujifilm, thiết kế này sẽ giúp người dùng hạn chế xem ảnh, dành toàn tâm cho việc chụp hình như các mẫu máy analog rangefinder xưa.

Ban đầu, tôi vẫn chụp X-Pro3 bằng cách nhìn màn hình. Nhưng sự "bất tiện" của nó khiến tôi phải gập hẳn lại và đặt niềm tin vào máy. Nó khiến tôi tập trung hơn vào những gì diễn ra trước ống kính hơn là mãi kiểm tra bức hình sau khi chụp. Cá nhân tôi thấy việc này sẽ rất tốt để rèn luyện phản xạ nhiếp ảnh.

Một màn hình nhỏ hiển thị thông tin profile màu và ISO nằm ở mặt sau màn hình. Như vậy, dù không có màn hình, người dùng vẫn dễ dàng theo dõi các chỉ số như khẩu độ (trên ống kính), tốc độ (ở vòng xoay), ISO và profile màu ở mặt lưng.

Tuy vậy, cụm phím chức năng cũng bị Fujifilm lược bỏ khiến người dùng sẽ phải vào sâu hơn trong menu để chỉnh một vài thông số. Điều này không quá mâu thuẫn bởi các chức năng được đưa vào trong thường ít được sử dụng.

danh gia x-pro3 anh 7
Màn hình phụ hiển thị thông tin bộ lọc màu của X-Pro3.

X-Pro3 sử dụng ống ngắm rangefinder lai cho phép người dùng có thể nhìn cả quang học lẫn kỹ thuật số. Ống ngắm này bị cắt giảm độ phân giải so với X-T3, model giá rẻ hơn.

Ống ngắm số cho phép tôi thấy trước kế quả chụp. Trong khi đó, ống ngắm quang giúp tôi có thể bắt kịp khoảnh khắc nhanh hơn. Bù lại, ống ngắm quang không thể hiện được hiệu ứng tiêu cự của ống kính. Đây là một điểm hạn chế của X-Pro3.

danh gia x-pro3 anh 8
Khung ngắm quang học của máy có chất lượng kém hơn X-T3.

Chỉ với hai yếu tố là màn hình ẩn và ống ngắm rangefinder lai đủ để khẳng định X-Pro3 là máy ảnh phù hợp cho các nhiếp ảnh gia chụp đường phố. Bởi họ đặt lòng tin hoàn toàn vào máy. Họ sẽ không điều chỉnh thông số ngay tại thời điểm chụp nếu không thể xem những ảnh trước đó.

Chính vì vậy, X-Pro3 không phù hợp cho mục đích chụp studio, ảnh sản phẩm, những thể loại cần xem trước ảnh để hiệu chỉnh cho lần chụp tiếp theo. Bởi trên thị trường có rất nhiều mẫu máy hiển thị trực quan kết quả chụp tốt hơn model này.

Đặt niềm tin đúng chỗ

X- Pro3 có cấu hình tương tự X-T3. Cả hai máy ảnh có chung cảm biến 26,1 MP và chip xử lý hình ảnh X Trans 4. Điều đó có nghĩa chúng có hiệu năng gần giống nhau.

Máy có thể chụp với tốc độ 11 khung hình/giây với màn trập cơ khí và 30 khung hình/giây với màn trập điện tử. Hệ thống lấy nét tự động của máy có thể khiến người chụp tin tưởng, các khoảnh khắc từ thể thao đến đời thường thiếu sáng đều được máy bắt nét chính xác.

danh gia x-pro3 anh 9
Ảnh chưa chỉnh sửa khi dùng bộ lọc màu Classic của X-Pro3.

Khả năng phát hiện khuôn mặt của X-Pro3 được cải thiện khá nhiều. Đặc biệt là trong điều kiện thiếu sáng, máy vẫn nhận diện, bám theo bắt nét tốt gương mặt. Tuy vậy, nếu so với Animal Eye AF của Sony thì Fujifilm vẫn còn kém một chút.

Tuy vậy, khả năng quay phim của X-Pro3 có phần yếu thế hơn X-T3. Máy chỉ có thể quay 4K liên tục trong 15 phút và không cài đặt 10 bit như model dòng T. Nhưng với tôi, 15 phút quay 4K là đủ với một mẫu máy chuyên chụp đường phố.

Điểm yếu mà các nhiếp ảnh gia phải làm quen khi dùng Fujifilm X-Pro3 là việc máy có xu hướng đo sáng hơi quá tay. Chỉ cầm trừ đi 0,5-1 EV, người dùng có thể có một bức ảnh đúng sáng, phù hợp với các profile màu film trên máy.

Bộ lọc màu chất lượng

Có lẽ, Fujifilm là hãng máy ảnh duy nhất tôi chọn các bộ lọc màu thay vì chế độ tiêu chuẩn. Các bộ lọc màu của Fujifilm kết hợp với hệ thống đo sáng chính sáng không làm tôi thất vọng. Cũng nhờ những bộ lọc màu này, tôi đỡ mất thời gian hậu kỳ và giữ được cảm xúc ảnh. Vốn dĩ cảm xúc lúc chụp bức ảnh không thể diễn tả lại bằng cách hậu kỳ sau đó.

danh gia x-pro3 anh 10
Màu Externa mới trên X-Pro3.

Bộ lọc màu mà tôi thích nhất trên Fujifilm X-Pro3 là Classic Neg. Nó có tông lạnh và độ tương phản gắt. Điều này gợi nhớ đến những cuộn phim Superia trước đây.

Ngoài các profile màu đặc trưng như Velvia, Classic Neg, Acros... Fujifilm bổ sung màu mới có tên Eterna. Profile này cho màu sắc điện ảnh, phần shadow sáng hơn cùng độ tương phản ảnh giảm nhẹ, tương tự kiểu film cùng tên. Logo của các cuộn phim được mô tả tương tự việc người chụp analog thường bỏ các thẻ thông tin film ở mặt lưng thời xưa.

Điểm khác biệt của Fujifilm so với các loại máy ảnh khác là việc hạt noise của máy khá mềm, mịn, mô phỏng tốt máy analog. Hiện tượng noise hạt vỡ màu không thấy trên X-Pro3 kể cả điều kiện rất ít ánh sáng.

Ai nên mua Fujifilm X-Pro3?

Trước hết, người mua X-Pro3 sẽ phải biết mình muốn chụp gì. Các thể loại ảnh tư liệu, ảnh đường phố, ít chỉnh sửa sẽ phù hợp với model này. Bên cạnh đó, những người chơi máy film, yêu thích màu sắc, trải nghiệm chụp của máy film nhưng lại muốn file ảnh kỹ thuật số cũng có thể lựa chọn X-Pro3.

Tuy vậy, nếu muốn tiện nghi, hiện đại thì X-T3 là lựa chọn đáng chú ý. Máy có giá rẻ hơn, cấu hình tương tự X-Pro3. Điểm khác biệt giữa hai sản phẩm nằm ở trải nghiệm chụp và giá bán. Điều này cũng từng xảy ra với dòng X-T và X-Pro trước đây, khác nhau về kiểu dáng và trải nghiệm nhưng tương đồng về kết quả hình ảnh thu được.

Nếu bạn không phải fan cứng của sự hoài cổ từ Fujifilm, thích sự hiện đại trên một thân máy nhỏ gọn, Sony A6400 cũng là lựa chọn đáng thử.


Fujifilm ra mắt máy ảnh 102 MP giá 255 triệu đồng tại Việt Nam

GFX100 là model mới nhất trong dòng máy ảnh medium format của Fujifilm. Tuy sở hữu sức mạnh của dòng máy cảm biến lớn, model này có kích thước tương đương các máy fullframe.








Trọng Hưng

Bạn có thể quan tâm