Bà vẫn cảm thấy mệt, ho và khó thở, đau cơ, không thể đi được dù chỉ là đoạn ngắn. Xét nghiệm thêm, bà vẫn âm tính với virus. 11 tuần sau khi hết virus, cuộc sống của bà vẫn chưa trở lại bình thường.
“Tôi không thể quay lại nhịp sống bình thường”, bà Colombi, 59 tuổi, sống ở Truccazzano, phía bắc Milan, nói với New York Times.
Italy là nước châu Âu đầu tiên bùng phát và chịu thiệt hại nặng do dịch, vì vậy nước này có thể thấy rõ tác động lâu dài của Covid-19 với người đã hồi phục.
Phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ở Bergamo, Italy, vào tháng 3. Ảnh: New York Times. |
Khỏi bệnh nhưng triệu chứng kéo dài
Nhiều người Italy đang phải làm quen với tác động kéo dài hàng tuần của Covid-19, và sẽ phải mất lâu hơn nữa để hoàn toàn hồi phục. Trong số 218.000 ca nhiễm tổng cộng ở Italy, 30.000 người tử vong, 103.000 người trong đó đã khỏi bệnh.
Nhưng những ngày này, người Italy thường bàn với nhau những câu chuyện về thời gian rất dài mà những người khỏi bệnh cần để lấy lại sức, vượt qua các triệu chứng.
Đối với những người đang phải chịu đựng thêm các triệu chứng quá lâu, họ sống với sự bất trắc cả về cơ thể lẫn tài chính, không thể loại bỏ căn bệnh và sự mệt mỏi để quay lại làm việc.
Trải nghiệm của họ có thể là báo hiệu quan trọng cho các quốc gia khác đang gỡ bỏ phong tỏa, khởi động lại kinh tế.
“Chúng tôi thấy nhiều trường hợp người bệnh phải mất rất lâu để hồi phục”, Alessandro Venturi, Giám đốc một bệnh viện ở Pavia, nói. “Không phải bản thân căn bệnh kéo dài 60 ngày, mà thời gian hồi phục kéo dài”.
Trong tàu điện ngầm của Milan vào tháng 4. Ảnh: New York Times. |
Hầu hết người nhiễm virus corona không có hoặc có triệu chứng nhẹ. Nhưng một số người bị bệnh nặng, những người này đa phần bị viêm phổi. Điều này làm tổn thương phổi, và phải mất nhiều tuần phổi mới lành lại. Các bác sĩ cảnh báo rằng hư hại ở phổi có thể sẽ không lành hẳn.
Các nghiên cứu cho thấy hư hại về thận, gan, tim và hệ thần kinh, thường là do viêm thứ cấp. Không ai biết rõ các bệnh nhân bị như vậy về lâu dài sẽ thế nào.
Nhưng ngay cả các bệnh nhân không bị viêm phổi cũng có các triệu chứng kỳ lạ, kéo dài và khó đoán. Chẳng hạn, xương cảm tưởng như sắp gãy. Các giác quan cảm thấy yếu đi. Bụng luôn đau. Có những ngày tốt và những ngày xấu, nhưng không có quy luật nào.
Các bệnh nhân bị vậy cảm thấy những thao tác đơn giản nhất trong ngày trở nên khó khăn. Nhiều người còn nơm nớp lo sợ mình vẫn có virus, nhưng không được xét nghiệm, vì xét nghiệm đa phần vẫn dành cho người phải nhập viện.
Bác sĩ khoa ICU Annalisa Malara ở Codogno, đông nam Milan, cho biết vẫn giới khoa học chưa hiểu rõ vì sao tác động của virus lên người bệnh kéo dài như vậy.
“Mệt mỏi, cảm giác gãy xương” khá phổ biến, bà cho biết. Sự mệt mỏi kéo dài “ngay cả sau khi các triệu chứng nặng đã hết”, bà nói.
Xét nghiệm huyết thanh ở Cisliano, bên ngoài Milan vào tháng 4. Ảnh: New York Times. |
“Virus để lại gì đó trong người”
Ở phía bắc Italy, lệnh phong tỏa dần được nới lỏng cho phép gia đình, bạn bè trao đổi với nhau, kể về các ca bệnh mà mình biết.
Martina Sorlini, 29 tuổi, giáo viên toán - lý cấp 3 đã bị sốt nhẹ từ tháng 3. Triệu chứng ho và đau họng sau đó biến mất, và sau 3 tuần, cô lấy lại được vị giác, khứu giác, thậm chí còn có đủ sức để chạy và chăm sóc cho vườn rau.
Sau đó, cô lại bị đau bụng, mệt mỏi, và sốt trở lại, cho đến tận bây giờ. Việc dạy học giờ đây như một cực hình.
Các triệu chứng kéo dài như vậy cần được giới chức chú ý, Edmondo Cirielli, một nghị sĩ trong Quốc hội Italy, cho biết.
Sau khi dương tính với virus corona vào giữa tháng 3, ông Cirielli bớt ho và sốt, và ông tưởng mình đã ổn. Nhưng ông phải nhập viện sau một cơn khó thở nhẹ.
Vào viện, ông được chẩn đoán không bị viêm phổi, nên về nhà tự cách ly. Về nhà, ông bị mệt mỏi rã rời, đau họng, tiêu chảy và đau thắt ở phần sau của cổ, khiến ông không thể tập trung.
“Có hôm tôi ổn, hôm khác lại tệ đi, chứ không hề có giai đoạn đau dần rồi lên đỉnh rồi đi xuống. Cứ như thế trong một tháng”.
Sau 40 ngày như vậy, ông đi xét nghiệm và kết quả vẫn âm tính đối với virus. Nhưng mắt của ông vẫn đau, còn tiêu chảy thì vẫn tiếp diễn.
Đến cuối tháng, ông khỏe lên, nhưng xét nghiệm lại cho kết quả dương tính, buộc phải cách ly thêm nữa.
Milan vào tháng 4. Ảnh: New York Times. |
Ingrid Magni, 44, tuổi bị sốt và lạnh người vào ngày 21/3. Ba tuần sau, cô bị đau đầu nặng, và chưa dừng lại kể từ đó. Bác sĩ chỉ có thể khuyên cô uống thuốc giảm đau mua ngoài tiệm thuốc và nghỉ ngơi. Cô mệt đến mức chỉ gấp xong cái chăn là đã sụp xuống.
Cô cũng không thể xét nghiệm virus, vì xét nghiệm là dành cho bệnh nhân trong viện. Vì vậy, cô đi xét nghiệm kháng thể, mong là kết quả dương tính với kháng thể sẽ khiến cô được xét nghiệm virus.
Nhưng xét nghiệm kháng thể vẫn chưa có kết quả, trong khi cô rất muốn quay trở lại làm việc vào giữa tháng.
Albertina Bonetti, 77 tuổi, đến từ Bergamo, bị nôn mửa và sốt ngày 7/3, sau đó bị tiêu chảy. Sau 10 ngày sốt, bà đau chân tới mức không còn đứng được. Bà phải thở ôxy từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, nhưng khi tới viện, viện lại không thể nhận bà.
Bà cho biết vẫn thở dốc và vẫn thấy mệt. Các giác quan của bà vẫn yếu. Bà rất nhớ cuộc sống bình thường và hương vị cốc cà phê mỗi sáng.
“Nó để lại cái gì đó trong người bạn”, bà nói về virus SARS-CoV-2. “Và bạn không bao giờ quay lại con người trước kia của mình”.