Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, đối với 12 dự án này, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo do một Phó thủ tướng làm trưởng ban. Ban chỉ đạo sẽ đánh giá, kiểm tra thực địa, xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án cụ thể.
Thực tế một số dự án bước đầu đã có chuyển biến tốt, như các nhà máy sản xuất phân bón và Nhà máy thép tại Lào Cai.
Trước đó, Bộ Công Thương chỉ ra 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành mình, chia làm 4 nhóm:
Thứ nhất là nhóm 4 dự án sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai.
Thứ hai, nhóm 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH): Nhà máy NLSH Quảng Ngãi, nhà máy NLSH Phú Thọ và nhà máy NLSH Bình Phước.
Nhóm thứ 3 là 2 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Nhóm thứ tư là các nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Nhưng con số về 12 doanh nghiệp ngành Công Thương. Đồ họa: Hiếu Công.
|
Bộ Công Thương cho biết tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%).
Vốn chủ sở hữu của 12 dự án là 14.350,04 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Trong số vốn vay có vay các ngân hàng trong nước đến 41.801,24 tỷ đồng. Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) chiếm là 16.858,63 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.
Số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới ngày 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng. Nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế về cơ cấu lại, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ sẽ nâng cao trách nhiệm, chất lượng tư vấn và kiểm toán, xác định, thẩm định giá trị vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Các vấn đề trọng tâm là giá trị quyền sử dụng đất, thương hiệu khi cổ phần hóa, thoái vốn, cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược, bảo đảm công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng.