Trên mạng xã hội Nhật Bản trong thời gian diễn ra trận đấu, “Việt Nam” là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất tại xứ sở mặt trời mọc. Gần 80.000 dòng chia sẻ đã xuất hiện, những người Nhật Bản không tin được rằng đội tuyển của họ chỉ có thể thắng Việt Nam bằng pha đá phạt 11 m.
Đặng Văn Lâm đã ở đó
Người tạo ra nhiều khó khăn nhất với những cầu thủ Nhật Bản và khiến người dân quốc gia này buộc phải đặt ra những câu hỏi về năng lực của đội tuyển, không ai khác là Đặng Văn Lâm.
Phút 28, thủ thành Văn Lâm đã ở đó để chặn cú đánh đầu của Wataru Endo đi chéo góc trong vùng cấm rất hiểm. Văn Lâm đã ở đó để chặn lại cú dứt điểm với độ khó không tưởng của Takumi Minamino. Văn Lâm cũng đã ở đó để khuất phục cú dứt điểm rất khó khác của Minamino vào nửa cuối hiệp 2, khi chúng ta buộc phải lao lên để tìm bàn gỡ.
Đặng Văn Lâm đã có một trận cầu xuất sắc trước Nhật Bản. Ảnh: AFC. |
Những tình huống tấn công bóng sống của Nhật Bản tắc ở chốt chặn duy nhất của ĐT Việt Nam. Văn Lâm chỉ chịu thất bại từ chấm 11 m, khi thủ môn về lý thuyết, không thể là người sắm vai chủ động. Sự xuất sắc của người gác đền sinh năm 1993 trong khung gỗ là điểm tựa để phần còn lại của ĐT Việt Nam dám chơi một cách sòng phẳng với Nhật Bản mạnh hơn.
Bóng đá là trò chơi nghiệt ngã, khi người hùng của ngày hôm nay có thể là tội đồ của ngày mai. Và nếu không có tâm lý đủ vững, cầu thủ có thể bị xô ngã và đứng dậy chưa bao giờ là câu chuyện đơn giản.
Đặng Văn Lâm đã ở đó khi ASIAD 2018 bắt đầu và anh, thủ thành hay nhất V.League bị gạt đi để nhường chỗ cho đàn em Bùi Tiến Dũng, người không chắc suất tại câu lạc bộ Thanh Hóa. Không lùm xùm lợi ích nào xuất hiện vào lúc đó, Đặng Văn Lâm chấp nhận rút lui.
Anh hiểu rằng thời của mình sẽ đến vào một ngày khác. Đó là AFF Cup 2018 khi Văn Lâm thể hiện phong độ không tưởng trong cả giải đấu khi chỉ 4 lần vào lưới nhặt bóng. Và giờ là Asian Cup 2019, trước ứng cử viên cho chức vô địch Nhật Bản.
Danh hiệu hay nhất trận tứ kết Việt Nam - Nhật Bản là sự ghi nhận lớn và xứng đáng cho Văn Lâm, người bình tĩnh nhất, tỉnh táo và bản lĩnh nhất trong số những tuyển thủ Việt Nam tại Asian Cup 2019.
Không phải vì phần còn lại không xuất sắc, mà bởi vì những áp lực tới với Đặng Văn Lâm ở cấp độ khác hoàn toàn, và chỉ riêng chuyện đứng vững cũng là thử thách chứ chưa nói đến chuyện tỏa sáng.
Văn Lâm chỉ bị đánh bại trên chấm 11 mét. Ảnh: Minh Chiến. |
Bản lĩnh Văn Lâm
Trước Iraq, Văn Lâm đã để thủng lưới đúng phút cuối từ cú sút phạt không thể cản phá của Ali Adnan. Nhiều CĐV Việt Nam cùng truyền thông lao vào mổ xẻ xem liệu thủ thành gốc Nga có đứng lỗi vị trí hay không trong tình huống đó.
Giữa tâm bão chỉ trích, Đặng Văn Lâm chỉ viết ngắn gọn trên trang cá nhân: “Bóng đá thật tuyệt vời! 90 phút quý giá! Chúng tôi đã cố gắng hết mình”. Không còn chia sẻ nào thêm. Trước Iran, chúng ta thua trắng 0-2, nhưng Văn Lâm ghi dấu ấn bằng những pha bay người cản phá xuất sắc.
Trước Yemen, sự chắc chắn của Văn Lâm là nền tảng cho chiến thắng 2-0 của ĐT Việt Nam. Trước Jordan, bản lĩnh của Văn Lâm một lần nữa được thể hiện bằng pha cản phá chính xác cú đá luân lưu của Ahmed Samir bên phía Jordan. Và giờ là Nhật Bản, khi anh là cầu thủ hay nhất trận đấu.
Không Văn Lâm, ĐT Việt Nam khó mà tạo ra hành trình kỳ diệu đến vậy tại Asian Cup 2019. Ảnh: AFC. |
Không ai thấy ảnh hưởng nào từ những lùm xùm khủng khiếp sau trận thua Iraq. Văn Lâm không hề đứng dậy từ thất bại, đơn giản vì anh còn chưa hề gục ngã.
Trong phần họp báo sau trận đấu với Jordan, Văn Lâm thừa nhận điều duy nhất mà mình chuẩn bị cho loạt sút luân lưu là “sự tự tin”. Thủ thành số một của ĐT Việt Nam tin rằng bàn thua trước Jordan không thể khiến anh cùng đồng đội bị loại. Và những sai lầm (nếu có) không thể là thước đo giới hạn cho tài năng của người gác đền sinh năm 1993.
Sự tự tin ấy cũng là mấu chốt cho chiến công lịch sử của ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2019. Nếu không có sự tự tin, Việt Nam đã không thể ép sân hoàn toàn Jordan tới mức HLV trưởng đối thủ thừa nhận rằng các cầu thủ của ông đã “chơi bóng với sự sợ hãi”. Nếu không có sự tự tin, Việt Nam đã không thể có những lúc đặt khung thành Nhật Bản vào tình trạng báo động.
Trong bóng đá, song hành với chiến thắng luôn là thất bại. Những người giỏi nhất cũng đã có lúc cay đắng. Nhưng thước đo cho tài năng hay bản lĩnh của một cầu thủ nói riêng hay tập thể nói chung không bao giờ là thất bại cả, đó phải là thái độ sau thất bại.
Nếu anh đứng dậy, làm lại và thành công, ám ảnh thất bại sẽ qua đi, chỉ còn vinh quang ở lại. Còn ngược lại, độc giả có lẽ đã tự có câu trả lời.
Đẳng cấp của ĐT Việt Nam và Văn Lâm xứng đáng được ghi nhận sau khi Asian Cup 2019 kết thúc. Ảnh: Thuận Thắng. |
Đặng Văn Lâm, và có thể là cả ĐT Việt Nam không phải trường hợp thứ hai. Thủ thành của ĐT Việt Nam có thể đứng sai vị trí thật trước Iraq, và chọn cách bắt bài sai trước Jordan, nhưng điều quan trọng là Văn Lâm không để ám ảnh thất bại đó níu giữ mình để từ đó bật lên thành người hùng trước Jordan và cả Nhật Bản.
ĐT Việt Nam đã thua đau Iraq, thua trắng trước Iran và phải rất may mắn mới có thể lách qua khe cửa hẹp để đi tiếp vào vòng 1/8 Asian Cup 2019 trước khi phải dừng bước ở tứ kết trước Nhật Bản.
Nhưng những thất bại đó không định nghĩa được ĐT Việt Nam. Chúng ta đã dám chơi, dám tấn công, dám mạo hiểm trước Nhật Bản. Đâu đó người ta nói về World Cup sau một trận thua. Lạc quan hay hoang tưởng? Tùy quan điểm mỗi người.
Tuy nhiên, tất cả diễn biến ấy đều diễn ra rất tự nhiên, từ những cảm xúc không thành lời khi chứng kiến những cái bóng áo đỏ chạy miệt mài trên sân, cùng một cái bóng áo xanh bay người như người nhện trong khung thành.
Đẳng cấp của Đặng Văn Lâm và ĐT Việt Nam là ở đó.