Ra đời cách đây 10 năm, cuốn sách 30 năm sóng gió - Thành tựu phi thường và số phận bi kịch của lớp doanh nhân Trung Quốc trong cải cách kinh tế 1978-2008 (NXB Lao động - bản dịch của Hồ Ngọc Minh) là cuốn sử biên niên xuyên suốt lịch sử 30 năm cải cách của Trung Quốc theo một mạch liên tục 30 chương, mỗi năm một chương, với những biến cố đặc trưng.
Cuốn sách 30 năm sóng gió kể lại câu chuyện trong lúc dư luận Trung Quốc nghi hoặc về đặc khu kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã bày tỏ sự ủng hộ. |
Tác giả cuốn sách, nhà báo chuyên về lĩnh vực tài chính Ngô Hiểu Ba đã điểm lại những nét "sóng gió" của công cuộc cải cách này, nêu cả thành công và thất bại, nhưng nổi bật lên những cải cách mang tính đột phá.
Ngô Hiểu Ba nhận định, năm 1984 là năm khởi đầu của kỷ nguyên công ty tại Trung Quốc. Đó cũng là năm lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuần du miền Nam lần đầu, được người dân gọi là "Đặng Tiểu Bình Nam tuần" (ông còn lần "Nam tuần" thứ hai năm 1992), hàm chứa sự tôn trọng và kỳ vọng dành cho ông.
Trước đó một năm, mọi sự chỉ trích đối với việc xây dựng đặc khu Thâm Quyến đã rầm rộ nổi lên. Ở miền Bắc, một tờ báo đã cho đăng bài viết nhan đề "Nguồn gốc của tô giới lịch sử", ám chỉ đặc khu Thâm Quyến là một "tô giới" mới. Sau đó, lại có những bài viết cảnh báo, Trung Quốc sắp xuất hiện những nhân vật mại bản kiểu mới, như Lý Hồng Chương.
Thậm chí các cán bộ lão thành đến tham quan Thâm Quyến đã xem đặc khu là "dị đoan", phán rằng: "Ở đặc khu ngoài lá cờ đỏ năm sao ra, chẳng còn thấy đâu là xã hội chủ nghĩa nữa", "Đặc khu mang họ "Tư" (tư bản) chứ không còn mang họ "Xã" (xã hội chủ nghĩa) nữa rồi".
Ngày 24/1/1984, Đặng Tiểu Bình đến Thâm Quyến, Bí thư Đảng ủy đặc khu Lương Tương đã trình bày thành tựu, cho biết tổng giá trị công nông nghiệp năm 1983 đã tăng gấp 10 lần so với thời kỳ trước khi mở đặc khu (năm 1979).
Do Lương Tương gặp nhiều áp lực nên rất muốn nhận được sự ủng hộ của Đặng Tiểu Bình, trình bày: "Làm đặc khu là do ông cụ của Thủ tướng đề xuất, là quyết sách của Trung ương Đảng, người dân Thâm Quyến sớm đã kỳ vọng đón Thủ tướng đến thăm, để cho Thủ tướng yên tâm, mong rằng nhận được chỉ thị và sự ủng hộ của Thủ tướng". Nhưng Đặng Tiểu Bình vẫn không phát biểu ý kiến gì.
Theo tác giả Ngô Hiểu Ba, thái độ của Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến là rất thâm thúy, ông đã dùng hành động của mình để bày tỏ thái độ ủng hộ của bản thân, nhưng lại không hề nói thành lời.
Hình ảnh của Đặng Tiểu Bình trên poster ở Thâm Quyến. |
Ngày 27/1, ông rời Thâm Quyến đến thăm một đặc khu khác là Chu Hải, ở đây ông đã lặng lẽ viết một câu đề từ gửi lại cho Thâm Quyến là "Chu Hải đặc khu kinh tế hảo", xem đó như là kết luận cho tính hiệu quả của mô hình đặc khu kinh tế.
Đến ngày 1/2, Đặng Tiểu Bình đến Quảng Châu, do lãnh đạo tỉnh Quảng Đông và đặc khu Thâm Quyến nhiều lần gợi ý và thỉnh cầu, ông đã viết: "Sự phát triển và kinh nghiệm của Thâm Quyến đã chứng minh, chính sách xây dựng đặc khu kinh tế của chúng ta là một quyết định chính xác", và còn ghi mốc thời gian lùi về phía trước là "ngày 26 tháng 1 năm 1984", nhấn mạnh rằng đã viết những đánh giá này trong thời gian còn ở Thâm Quyến.
Đặng Tiểu Bình (1904-1997) - lãnh đạo tối cao của Trung Quốc những năm 1970 - 1997. |
Chuyến "Nam tuần" của Đặng Tiểu Bình đã được truyền đi cả Trung Quốc qua báo đài, dẫn đến cuộc tranh luận về đặc khu chấm dứt. Hai tháng sau, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra quyết định trọng đại, tuyên bố "mở cửa 14 đô thị ven biển và đảo Hải Nam cho nhà đầu tư nước ngoài".
"Chính sách mở cửa đối ngoại của Trung Quốc từ thử nghiệm đến đại trà, cuối cùng đã hình thành nên một cục diện mở cửa toàn diện đối với vùng duyên hải", Ngô Hiểu Ba kết luận.