1976 là thời điểm Alcor Life Extension Foundation bắt đầu đóng băng cơ thể và bộ não của những "bệnh nhân" đầu tiên.
Đông xác chờ tái sinh, hay cryonics, được biết đến qua các bộ phim khoa học viễn tưởng như 2001: A Space Odyssey. Dù không được sự ủng hộ của giới khoa học nói chung, một số người vẫn nuôi giấc mơ rằng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, những tiến bộ trong y học sẽ cho phép những người đã làm đông xác sống lại và sống thêm nhiều năm.
Ngay bây giờ, gần 200 người được lưu trữ đông lạnh trong các buồng đông lạnh của Alcor ở nhiệt độ -196 độ C. Những tổ chức như Alcor coi đây là các bệnh nhân chờ tái sinh, còn với những người không tin vào cryonics, đây đơn giản là những xác chết.
“Cryonics là vô vọng, và cho thấy sự thiếu hiểu biết về sinh học", Clive Coen, giáo sư thần kinh học tại Đại học King's College London, cho biết.
Nhưng lĩnh vực này đang nhận được đầu tư nhiều hơn bao giờ hết. Một ví dụ, Yinfeng Biological Group ở Tế Nam, Trung Quốc đang có sự hậu thuẫn của chính phủ và hơn 1.000 bác sĩ và tiến sĩ y khoa nghiên cứu cryonics. Tổ chức này hiện có khoảng một chục thùng chứa đông lạnh, dành cho các khách hàng trả tới 200.000 USD để bảo quản toàn bộ cơ thể.
Cái giá phải trả cho đông xác
Quá trình cryonics thường diễn ra như sau: Khi một người qua đời, một nhóm làm đông xác bắt đầu làm lạnh xác chết xuống nhiệt độ thấp và thực hiện hỗ trợ tim phổi để duy trì lưu lượng máu đến não và các cơ quan. Sau đó, thi thể được chuyển đến cơ sở đông lạnh, bơm dung dịch bảo quản nội tạng qua các tĩnh mạch và cuối cùng ngâm thi thể trong nitro lỏng.
Sau các bước xử lý bảo quản nội tạng ban đầu, thi thể được thả trong bể nitro lỏng. Ảnh: Alcor Life Extension Foundation. |
Quá trình này sẽ bắt đầu trong vòng một giờ sau khi chết. Thời gian chờ càng lâu, tổn thương đối với các tế bào của cơ thể càng lớn.
Kể từ khi bắt đầu vào cuối những năm 1960, cryonics đã nhận nhiều sự phản đối từ cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nó càng thu hút sự chú ý của những người lạc quan về công nghệ, hầu hết là những ông trùm công nghệ mơ về sự bất tử của chính họ.
Ngày nay, khoảng 500 người được bảo quản trong nitro lỏng trên toàn cầu, phần lớn ở Mỹ. Tomorrow Biostocation, một công ty cryonics còn cho biết họ có khoảng 4.000 người đang trong danh sách chờ đông xác. Trong khi đó, Alcor có khoảng 1.500 người đang chờ.
Tomorrow Biostocation đang có 300 khách hàng trả khoản phí thành viên 25 USD/tháng. Những người này sẽ phải trả thêm khoảng 200.000 USD nếu họ muốn được đông xác khi qua đời.
Khi làm tan băng một cơ thể người đông lạnh, kết quả vẫn chỉ là một xác chết
Các nhà đông lạnh học vẫn lạc quan vào công nghệ này, dựa trên lập luận rằng các mô như tinh trùng, phôi và tế bào gốc có thể được bảo quản lạnh và rã đông thành công.
Các bể đông xác tại Yinfeng Biological Group, Trung Quốc, trữ xác ở nhiệt độ -196 độ C. Ảnh: Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng. |
Tuy nhiên việc bảo tồn cấu trúc của não không có nghĩa là bảo tồn các chức năng của nó, Dayong Gaom, nhà sinh vật học đông lạnh và là giáo sư tại Đại học Washington, cho biết.
Coen nhận định tương tự, nói rằng cấu trúc não quá phức tạp để có thể được bảo tồn và hồi sinh đầy đủ theo cách mà các nhà nghiên cứu kỹ thuật đông lạnh tuyên bố.
Đã có một số tiến bộ trong việc tìm ra cách làm ấm lại các mô đông lạnh. Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Minnesota đã chỉ ra rằng các kỹ thuật làm ấm nano, sử dụng các hạt nano oxit sắt được kích thích bằng tần số vô tuyến, có thể rã đông thành công toàn bộ nội tạng chuột theo cách bảo tồn cấu trúc tế bào và không gây độc cho tế bào, nhằm khôi phục các chức năng của nội tạng.
Nhưng vẫn không có tiến bộ nào dẫn đến một cách khả thi để hồi sinh một người đã bị đông xác. Ngay cả khi có thể làm tan băng một cơ thể người đông lạnh một cách hoàn hảo, kết quả vẫn chỉ là một cái xác, các nhà khoa học lưu ý.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.