Nỗi lo thất nghiệp đang bao trùm ngành giải trí Hàn Quốc. Thậm chí một ngôi sao hạng A như Bi Rain đến nay cũng nghĩ tới việc giải nghệ bởi thấy bản thân không đáp ứng được tiêu chí của ngành giải trí hiện tại.
"Dạo gần đây tôi hay có suy nghĩ này: 'Tôi có nên chạy theo không hay đã đến lúc tôi phải kết thúc mọi chuyện rồi nhỉ?'. Tôi rất biết ơn khi được trở thành người nổi tiếng nhưng tôi tự hỏi bản thân: 'Tôi có đang làm việc chăm chỉ để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường không?'”, nam ca sĩ giãi bày.
Việc Bi Rain hay BoA gần đây cũng úp mở chuyện giải nghệ cho thấy thực trạng đáng lo ngại của ngành giải trí xứ Hàn. Theo The Korea Times, ca sĩ kiêm diễn viên BoA làm dấy lên những đồn đoán về khả năng cô rút lui khỏi ngành giải trí bằng một bình luận khó hiểu trên Instagram vào cuối tuần trước.
“Nếu hợp đồng của tôi hết hạn, tôi có thể giải nghệ, phải không?", BoA viết. Sau đó, khi đồn đoán dấy lên, BoA giải thích cô mắc lỗi đánh máy. Tuy nhiên, bài viết của ngôi sao kỳ cựu vẫn khiến khán giả nghi ngờ cô có thể đang cân nhắc việc rời khỏi ngành sau khi hợp đồng với SM Entertainment kết thúc hay không.
Bi Rain băn khoăn về sự nghiệp. Ảnh: Star Daily News. |
Diễn viên, nhân viên sản xuất phim thất nghiệp
Theo The Korea Times, ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc đang trải qua sự thay đổi mạnh mẽ trong bối cảnh đầu tư ngày càng giảm và cạnh tranh khốc liệt. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc, khoảng 100 bộ phim truyền hình sẽ được phát hành trong năm nay bởi các OTT và đài truyền hình, giảm khoảng 30% so với năm 2022.
Sau những thành công toàn cầu như Parasite và Squid Game, ngành điện ảnh, phim truyền hình Hàn Quốc rơi vào cuộc suy thoái. Hàng loạt phim điện ảnh và truyền hình bị xếp xó. Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc báo cáo khoảng 130 phim đang trong tình trạng lấp lửng, đã hoàn thành nhưng chưa được phân phối tại các rạp chiếu hoặc nền tảng OTT.
Quá ít lời mời hợp tác khiến Lee Dong Gun không còn lựa chọn trong nghề nghiệp. Ảnh: Spotv News. |
The Korea Times nhấn mạnh những khó khăn trong ngành đang ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ nhân viên sản xuất. Họ rơi vào tình trạng không được trả tiền lương. Hong Tae Hwa, quan chức cấp cao của Korean Film Sinmungo, tổ chức bảo vệ quyền lợi của diễn viên, cho biết: “Năm ngoái, số vụ quỵt tiền lương được các nhân viên sản xuất phim truyền hình báo cáo lên tới 192, gấp 2,6 lần mức trung bình hàng năm (72 vụ). Đây là tình trạng bất ổn tài chính trong ngành”.
Không chỉ các nhân viên mà nhiều diễn viên cũng thiếu thốn việc làm. Sự khan hiếm việc làm đã trở thành một mối lo ngại lớn, nhiều người bày tỏ sự thất vọng vì thiếu cơ hội.
Nam diễn viên Lee Dong Gun than thở: “Trước đây, tôi có thể chọn từ 2 hoặc 3 kịch bản một lúc. Nhưng ngày nay, việc được nhận 2 kịch bản trong một năm đã là điều may mắn”. Tương tự, các nữ diễn viên Han Ye Seul và Oh Yoon Ah bày tỏ lo ngại về việc thiếu vai diễn.
Những người trong ngành tỏ ra bi quan về tương lai của điện ảnh, truyền hình. Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ đe dọa khối lượng các dự án tầm trung mà còn tác động nghiêm trọng tới các nền tảng.
"Sự suy thoái nghịch lý" này xảy ra ngay sau khi Hàn Quốc được ca ngợi bởi những dự án toàn cầu. Việc đó nhấn mạnh sự mong manh giữa thành công và tính bền vững trong ngành giải trí Hàn Quốc.
Giới âm nhạc cũng đứng ngồi không yên
“Gần đây, theo yêu cầu của một tổ chức, tôi làm giám khảo cho cuộc thi sáng tác. Bài hát được chọn đứng đầu quả thực là một kiệt tác nhưng ban tổ chức lại thông báo với chúng tôi rằng đó là ca khúc được tạo ra bằng AI. Tôi có nên trao giải thưởng này hay không. Tôi nên làm gì bây giờ?”. Đây là bài đăng của nhạc sĩ nổi tiếng Kim Hyeong Seok, tờ Dailian đưa tin.
Nội dung do AI tạo ra đã rất phổ biến trên thị trường âm nhạc. Giới chuyên gia từng nhận định AI khó thay thế được khả năng sáng tạo và cảm xúc của con người. Nhưng thời gian đã chứng minh tuyên bố trên không hoàn toàn đúng.
Bài viết mới của Kim Hyung Seok khiến các nhạc sĩ, nhà sản xuất trong giới âm nhạc đang phải đau đầu suy nghĩ. Việc một ca khúc chiến thắng cuộc thi sáng tác, thậm chí được ca ngợi là “kiệt tác” lại được tạo bởi AI cho thấy nó đã đe dọa thế nào tới giới âm nhạc.
Theo Dailian, ngoài cuộc thi nói trên, AI đã thâm nhập sâu vào thế giới âm nhạc. Cơn sốt cover ca khúc Bam Yang Gang của ca sĩ Bibi gần đây cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi AI. AI đã tạo nên các phiên bản khác nhau, bao gồm giọng hát của AI cho ca khúc Bam Yang Gang và chúng đều đạt hàng chục nghìn đến hàng triệu lượt xem.
Ca sĩ Jang Yoon Jeong lo ngại trước sự "tấn công" của AI. Ảnh: MBC. |
Jo Hye Ryun, người xuất hiện trên chương trình Point of Omniscient Interfere của MBC phát sóng ngày 6/4, cũng đề cập đến sự phổ biến của phiên bản AI Bam Yang Gang. Cô nói: "AI làm thế này thì sao tôi có thể kiếm sống được nữa không?". Ca sĩ Jang Yoon Jeong cũng bình luận: "Điều này hơi nghiêm trọng. Nó khiến tôi nổi da gà”.
Việc sản xuất các bài hát cover AI là một hình thức giải trí của cư dân mạng nhưng lại là thách thức của các nhạc sĩ. Việc chung sống với AI đã trở thành nhiệm vụ tất yếu nhưng cũng có nhiều chuyên gia kêu gọi pháp luật có biện pháp kiềm chế thích đáng đối với những kẻ lạm dụng AI.
Theo Dailian, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc nhất trí rằng cần có biện pháp mang tính phòng ngừa và phủ đầu để ngăn chặn việc lạm dụng AI, bảo vệ quyền của người sáng tạo.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn cho biết: "Năm nay, chúng tôi dự định thành lập một nhóm công tác liên quan đến AI để tiến hành thảo luận chuyên sâu về việc bảo vệ và bồi thường bản quyền".
Cuốn sách hay về Kpop:
Các cuốn sách Shine, I'll Be The One, Kpop Revolution... khai thác nhiều khía cạnh trong Kpop như quá trình trở thành thần tượng, khó khăn, áp lực từ công chúng. Trong đó, tiểu thuyết Shine của Jessica Jung (cựu thành viên SNSD) kể về Rachel Kim - thực tập sinh tại một trong những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc. Để thực hiện ước mơ, Rachel phải đối mặt với nhiều thử thách khác nhau trong giới giải trí.