Sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth II, loạt bài đăng có nội dung lạm dụng và thông tin sai lệch được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Nhiều trong số đó nhắm vào Camilla, tân hoàng hậu của Vương quốc Anh.
Những bức ảnh chế về Meghan Markle, cùng bài viết chứa tin giả về sự qua đời của cố nữ hoàng cũng được lan truyền, theo The Guardian.
Danh tính và cuộc đời của bà Camilla bỗng dưng nóng trở lại trên các phương tiện truyền thông kể từ sau khi trở thành hoàng hậu. Ảnh: Getty. |
Trong số đó, một video dựng bằng loạt ảnh của bà Diana và bà Camilla, với dòng chú thích “Người phụ nữ mà ông ấy lừa dối và người phụ nữ ông ấy chọn để ngoại tình” đã đạt hơn 1,1 triệu lượt thích chỉ sau một tuần xuất hiện trên TikTok.
Dưới đoạn clip, vô số bình luận đưa ra sự so sánh cay nghiệt giữa 2 người phụ nữ.
Cũng trên nền tảng này, các clip chia sẻ hình ảnh Meghan tại lễ tưởng niệm cố Nữ hoàng Anh và chỉ trích cô sao chép một bộ trang phục cũ của cố Công nương Diana. Một trong số đó được yêu thích hơn 3,7 triệu lần dù tang lễ, dự kiến tổ chức vào ngày 19/9, vẫn chưa diễn ra.
Trên thực tế, trong khi Nữ công tước Sussex nhiều lần bị nhắm làm mục tiêu lạm dụng trực tuyến, việc phỉ báng tân hoàng hậu là hiện tượng mới hơn, The Guardian nhận định.
Hai người phụ nữ trở thành mục tiêu chỉ trích, phỉ báng của cộng đồng mạng. Ảnh: The Guardian. |
Suốt nhiều năm kể từ khi cuộc hôn nhân giữa Vua Charles III và cố Công nương Diana tan vỡ năm 1996, bà Camilla bị coi là “kẻ phá hoại hôn nhân”.
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông tập trung nhiều hơn vào công việc từ thiện và tính cách thân thiện, dễ gần của bà. Những người chỉ trích hoàng hậu hầu như chỉ tồn tại trong các nhóm kín.
Tới khi bộ phim truyền hình The Crown của Netflix được phát sóng, giới trẻ mới "thổi bùng" trở lại nội dung tiêu cực, phỉ báng bà Camilla. Đối với nhiều người, lần đầu tiên họ tiếp xúc với thông tin về Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla có thể là trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Laura Clancy, giảng viên truyền thông Đại học Lancaster, người đã nghiên cứu các đại diện truyền thông của gia đình hoàng gia, nói rằng "việc đưa tin tiêu cực từng chút một" có thể tác động cách định hình quan điểm của Gen Z về gia đình hoàng gia.
Mặc dù động cơ đăng nội dung khác nhau, hành vi này có thể tạo ra lợi nhuận lớn cho chủ tài khoản dưới dạng lượt xem, lượt thích, lượt theo dõi và doanh thu quảng cáo.
Chỉ tính riêng Vương quốc Anh, các tìm kiếm trên Google bị thống trị bởi các truy vấn liên quan đến hoàng gia kể từ khi Nữ hoàng qua đời, với 9 trên 10 cụm từ tìm kiếm thịnh hành nhất về cố nữ hoàng quá cố hoặc vị quân chủ mới.
Thông tin liên quan tới gia đình hoàng gia Anh được đặc biệt quan tâm sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. |
Do đó, nhiều tài khoản bắt đầu tạo các nội dung liên quan đến Hoàng gia Anh, cụ thể là phỉ báng Hoàng hậu Camilla và Nữ công tước Sussex. Chẳng hạn, chỉ sau vài tiếng nữ hoàng băng hà, một tài khoản đang làm nội dung về gia đình Kardashian nay lại chuyển sang làm clip về tân hoàng hậu.
Theo Imran Ahmed, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chống lại Sự thù địch Kỹ thuật số (CCDH), số lượng lớn bài đăng cho thấy những kẻ xấu đang tìm cách “khai thác cơ hội” từ những sự kiện tin tức lớn như thế nào, bao gồm truyền bá thông tin sai lệch và nội dung thù địch, sau đó được các nền tảng mạng xã hội “khuếch đại” để tăng mức độ tương tác.
“Không nghi ngờ gì về chuyện các nền tảng đang khuếch đại những nội dung đó, bởi càng nhiều người quan tâm và bàn tán, doanh thu càng cao”, ông nói.
Kiểu mô hình kinh doanh này có nguy cơ tạo ra “ảnh hưởng trên mọi thế hệ”, theo ông Ahmed.
“Vấn đề này không đơn thuần chỉ là cuộc tranh luận về hoàng gia. Nếu thấy điều gì đó thường xuyên, chúng ta sẽ nghĩ nó có khả năng chính xác. Điều đó có thể hình thành tâm trí người trẻ theo cách thực sự nguy hiểm”, ông nói thêm.