Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley bỏ phiếu chống lại một quyết định của Hội đồng Bảo an về vấn đề Jerusalem hồi năm 2017. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Từ khi chiến sự bùng phát ngày 24/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức 15 phiên họp công khai về tình hình Ukraine. Nhưng sau hơn 7 tháng, cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc vẫn không thể thông qua nghị quyết giúp tìm ra giải pháp cho xung đột.
Chiến sự ở Ukraine là minh chứng tiếp theo, và có lẽ cũng sinh động nhất, cho thấy sự bế tắc của Hội đồng Bảo an trong những tình huống khẩn cấp, bởi 5 ủy viên thường trực nắm trong tay quyền phủ quyết có thể ngăn cản mọi quyết định của cơ quan này.
Sức mạnh của phiếu phủ quyết
Từ khi Liên Hợp Quốc được thành lập tháng 10/1945, cơ quan quyền lực nhất của tổ chức này là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với chức năng quan trọng nhất là đưa ra các quyết định nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Hội đồng Bảo an gồm 10 ủy viên không thường trực và 5 ủy viên thường trực. Ban đầu, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Liên Xô là 5 ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Nga thay thế Liên Xô tại Hội đồng Bảo an.
Quyết định của Hội đồng Bảo an có tính ràng buộc pháp lý với mọi thành viên Liên Hợp Quốc. Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua nếu có 9 phiếu thuận, đồng thời không nước nào trong 5 ủy viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết.
Với quyền phủ quyết trong tay, các nước ủy viên thường trực có thể ngăn Hội đồng Bảo an thông qua các nghị quyết bất lợi cho họ và đồng minh.
Phiên họp của Hội đồng Bảo an hôm 22/9. Ảnh: Liên Hợp Quốc. |
Không chỉ ngăn chặn Hội đồng Bảo an ra quyết định, nước nắm quyền phủ quyết có thể sử dụng đặc quyền này để tác động tới chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, làm đòn bẩy mặc cả để định hình nội dung dự thảo nghị quyết trước cả khi văn bản được soạn thảo.
Cơ chế phủ quyết trực tiếp dẫn tới thế bế tắc của Hội đồng Bảo an trong các cuộc khủng hoảng mà một hoặc nhiều nước ủy viên thường trực trực tiếp can dự.
Tính tới tháng 5, Mỹ đã 82 lần sử dụng quyền phủ quyết, tiếp theo là Anh với 29 lần. Trung Quốc và Pháp cùng có 16 lần phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Trong khi đó, Liên Xô và sau này là Nga đã phủ quyết tổng cộng 121 dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Từ năm 2011 đến nay, Nga đã 21 lần sử dụng quyền phủ quyết, chủ yếu liên quan tới tình hình ở Syria. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc có 12 lần sử dụng quyền phủ quyết.
Với phương Tây, từ năm 2011, Mỹ 3 lần sử dụng quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, tất cả đều nhằm bảo vệ đồng minh Israel. Trong khi đó, Anh và Pháp đã không sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an kể từ năm 1989.
"Các ủy viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia, duy trì các nguyên tắc trong chính sách đối ngoại, và trong một số trường hợp là thúc đẩy những vấn đề đặc biệt quan trọng với họ", báo cáo năm 2015 của chính Hội đồng Bảo an thừa nhận.
Sức ép cải tổ
Không phải tới khi chiến sự tại Ukraine nổ ra người ta mới nghe thấy những tiếng nói phàn nàn về vai trò của Hội đồng Bảo an trong thực hiện nhiệm vụ chính mà cơ quan này được các quốc gia giao phó - bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế.
Tuy vậy, sự bế tắc của Hội đồng Bảo an đã trở nên nghiêm trọng tới mức ngày càng có nhiều nước lên tiếng yêu cầu cải tổ hoạt động của cơ quan này. Các đề xuất cải tổ bao gồm mở rộng số ủy viên thường trực và không thường trực, hoặc hạn chế và thậm chí hủy bỏ quyền phủ quyết.
Phát biểu bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 23/9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu kêu gọi hủy bỏ quyền phủ quyết của các ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an.
Tổng thống Macron kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an. Ảnh: Reuters. |
"Thế giới không chỉ có 5 ủy viên thường trực. Hội đồng Bảo an cần mở rộng hơn nữa, mọi quốc gia đều nên có đại diện", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Cavusoglu.
Pháp, một trong 5 ủy viên thường trực nắm quyền phủ quyết, lại là nước đi đầu kêu gọi hạn chế sử dụng quyền phủ quyết. Năm 2015, Paris dẫn đầu nhóm gồm 75 quốc gia từ châu Âu, châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đề xuất sáng kiến kêu gọi không sử dụng quyền phủ quyết trong vấn đề diệt chủng và thảm sát.
Phát biểu trước Đại hội đồng hôm 22/9,Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi xây dựng cơ chế nhằm hạn chế việc sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, theo AFP.
"Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta bắt đầu cải tổ Hội đồng Bảo an để cơ quan này mang tính đại diện hơn, có thêm các ủy viên thường trực. Để Hội đồng Bảo an có thể thực sự phát huy vai trò, cần hạn chế sử dụng quyền phủ quyết", Tổng thống Macron nói.
Thông điệp của Tổng thống Macron tương tự những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden phát đi, theo CNN.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng kêu gọi gia tăng số lượng ủy viên cả thường trực và không thường trực tại Hội đồng Bảo an. Ông Biden cũng cho rằng quyền phủ quyết chỉ nên được sử dụng trong những tình huống "bất thường" nhằm bảo đảm Hội đồng Bảo an hoạt động hiệu quả.
Nhóm G4 - gồm Nhật Bản, Đức, Brazil và Ấn Độ - cũng nhiều lần tuyên bố chung ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an.
"Chúng tôi tái khẳng định cam kết hành động hướng tới tiến trình đàm phán văn kiện phục vụ cải cách theo hướng đa phương", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar viết trên Twitter hôm 22/9.
Trong khi đó theo AP, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm 20/9 cho rằng Hội đồng Bảo an đang thất bại trong nhiệm vụ bảo vệ hòa bình ở Ukraine. Ông Kishida kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an, không để quyền phủ quyết của các nước ủy viên thường trực cản trở sứ mệnh bảo vệ hòa bình và trật tự thế giới.