Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đằng sau lời cảnh báo nhanh chóng của Nam Phi về biến chủng Omicron

Nam Phi rất chú trọng theo dõi biến chủng SARS-CoV-2 vì nước này có số lượng lớn bệnh nhân HIV. Họ có hai mũi nhọn để phát hiện và ngăn chặn biến chủng gây lo ngại như Omicron.

bien chung Covid-19 anh 1

Trong lúc những nhân viên y tế cộng đồng ở Nam Phi cất công gõ cửa từng nhà để nhắc nhở bệnh nhân HIV uống thuốc, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm miệt mài giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm Covid-19.

Sự kết hợp này chính là cách Nam Phi cố gắng ngăn chặn các biến chủng mới của SARS-CoV-2, virus gây bệnh Covid-19. Đây cũng là phòng tuyến đầu tiên của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch.

Giải trình tự gene

Nền tảng Giải trình tự và Đổi mới sáng tạo Nghiên cứu KwaZulu-Natal (KRISP) ở Durban là một trong những phòng thí nghiệm tham gia vào nỗ lực trên của Nam Phi, thông qua việc giải trình tự gene hàng nghìn mẫu bệnh phẩm Covid-19 mỗi tuần.

KRISP là một phần trong mạng lưới của các nhà nghiên cứu virus từng phát hiện chủng Beta và Omicron, hai biến chủng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách “đáng quan ngại”.

Các nhà nghiên cứu của KRISP là những người đi đầu trong lĩnh vực chủng loại học virus - bộ môn nghiên cứu về mối quan hệ tiến hóa giữa các loại virus.

Để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, những chuyên gia này theo dõi đột biến của SARS-CoV-2, xác định điểm nóng lây nhiễm và tìm ra con đường lây lan của virus bằng cách phân tích đột biến của virus trong các mẫu bệnh phẩm.

bien chung Covid-19 anh 2

Phòng phân tách Covid-19 thuộc phòng thí nghiệm của Trung tâm Chương trình Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi. Đây cũng là nơi đặt KRISP. Ảnh: New York Times.

Từ đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu của KRISP đã dõi theo sát sao quá trình virus biến đổi tại Nam Phi vì họ đặc biệt lo ngại về 8 triệu người dân tại đây đang phải sống chung với HIV (virus gây bệnh AIDS), tương đương 13% dân số.

Nếu người bệnh HIV không được phát hiện, điều trị hoặc không uống thuốc đều đặn, hệ miễn dịch của họ sẽ bị HIV làm suy yếu. Nếu những người này sau đó mắc Covid-19, họ sẽ cần nhiều tuần hoặc nhiều tháng để có thể hoàn toàn loại bỏ SARS-CoV-2 ra khỏi cơ thể.

Khi tồn tại trong cơ thể người lâu như vậy, SARS-CoV-2 có cơ hội đột biến liên tục. Nếu virus này lây sang cho người khác, một biến chủng mới có thể ra đời và được lưu hành trong cộng đồng.

“Chúng tôi có lý do để tin rằng một số biến chủng đang nổi lên ở Nam Phi có thể có liên hệ trực tiếp với HIV”, bà Tulio de Oliveira, điều tra viên chính trong mạng lưới theo dõi biến chủng của Nam Phi, nói.

Từ đầu đại dịch, các nhà khoa học ở Nam Phi lo ngại số người nhiễm HIV tử vong sẽ tăng đột biến. Nhưng điều này đã không xảy ra do bệnh nhân HIV tập trung ở nhóm trẻ, trong khi Covid-19 có tác động nghiêm trọng nhất tới người cao tuổi.

“Một khi nhận ra điều ấy, chúng tôi bắt đầu hiểu ra vấn đề thực sự khi HIV xuất hiện cùng Covid-19 là khả năng các biến chủng mới xuất hiện ở người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng”, Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học đứng đầu Viện AIDS, nơi đặt phòng thí nghiệm KRISP, nói.

Các nhà nghiên cứu tại KRISP đã chứng minh điều này từng xảy ra ít nhất hai lần. Chẳng hạn, năm 2020, họ truy gốc mẫu vật virus tới một phụ nữ 36 tuổi. Người này nhiễm HIV nhưng không được điều trị phù hợp.

bien chung Covid-19 anh 3

Bản đồ cho thấy độ lây lan của biến chủng Omicron trên toàn cầu, tính tới ngày 4/12. Đồ họa: New York Times.

Sau khi mắc Covid-19, người phụ nữ này mất 216 ngày để loại bỏ SARS-CoV-2 ra khỏi cơ thể. Trong thời gian đó, virus corona đã phát sinh 32 đột biến.

Một điều cần nói ở đây là bệnh nhân HIV không phải nguồn duy nhất có thể vô tình giúp SARS-CoV-2 đột biến. Điều này có thể xảy ra với bất cứ ai có hệ miễn dịch bị suy yếu, như người được ghép tạng hoặc người được điều trị ung thư.

Virus cũng có thể đột biến ở người khỏe mạnh, nhưng số lượng đột biến tiềm tàng thấp hơn so với người có hệ miễn dịch suy yếu. Nguyên nhân là khi virus ở trong cơ thể người lâu hơn, quá trình chọn lọc tự nhiên càng có thêm thời gian ưu tiên những đột biến kháng miễn dịch.

Mũi tấn công thứ hai: Nhân viên y tế cộng đồng

Vì Nam Phi có số lượng lớn người nhiễm HIV, công tác ngăn ngừa biến chủng tại đây càng trở nên gấp gáp. Điều này đã khiến công việc của những nhân viên y tế cộng đồng như bà Sizakele Mathe trở thành mũi nhọn thứ hai trong cuộc chiến chống dịch của Nam Phi.

Là nhân viên y tế cộng đồng tại một thị trấn ở rìa thành phố Durban, bà Mathe mỗi ngày lại bước trên con đường đất để tới gõ cửa từng nhà. Trang bị của bà Mathe không có gì ngoài một chiếc điện thoại “cục gạch” và ký ức về những người dân gần đây từng tới phòng khám và có dấu hiệu sức khỏe không tốt.

Bà Mathe được trả lương 150 USD/tháng. Bản thân bà cũng đã điều trị HIV được 13 năm.

Một trong những trường hợp từng được bà Mathe hỗ trợ là Silendile Mdunge, một bà mẹ ba con ở tuổi 36. Bà Mdunge đã dừng uống thuốc kháng HIV trong làn sóng Covid-19 thứ 3 quét qua Nam Phi, trong tháng 5-7.

Khi ấy, do nhiều nhân viên y tế được điều động làm nhiệm vụ khác, thuốc của bà Mdunge không còn được đưa tới địa phương. Những người như bà sẽ phải tự đi lấy thuốc ở một phòng khám trung tâm cách nhà khoảng 9 dặm.

bien chung Covid-19 anh 4

Bà Mathe (phải) tới thăm bà Mdunge tại Ntuzuma. Ảnh: New York Times.

Nhưng do sợ mắc Covid-19, bà Mdunge đã không đi lấy thuốc. Sau 4 tháng ngừng điều trị, bà Mdunge mới uống thuốc trở lại sau khi bà Mathe xuất hiện trước nhà.

“Bà ấy (Mathe) nói với tôi là những người ngừng điều trị đều mất cả rồi”, bà Mdunge nói. “Bà ấy nói tôi phải nghĩ tới con mình vì tôi có thể sẽ chết”.

Trong 8 triệu người Nam Phi mắc HIV, 5,2 triệu người đang được điều trị, nhưng chỉ 2/3 trong số này thành công kìm hãm virus nhờ thuốc. Vấn đề này không chỉ gói gọn trong biên giới Nam Phi mà vươn ra cả khu vực: Vùng Hạ Sahara có 25 triệu người sống với HIV, trong đó 17 triệu người kiềm chế được virus.

Phòng thí nghiệm KRISP đang giải trình tự gene từ khắp châu Phi để lấp đầy khoảng trống cho các nước không có năng lực tự thực hiện. Mạng lưới theo dõi và giải trình tự của Nam Phi đủ toàn diện để có thể trở thành nơi đầu tiên phát hiện các ca mắc không bắt nguồn trong nước.

Tiêm chủng vẫn là trên hết

Nỗi sợ lớn nhất bây giờ là sự xuất hiện của một biến chủng “qua mặt miễn dịch”, tức biến chủng có thể kháng được vaccine hoặc phản ứng miễn dịch ở người từng khỏi Covid-19.

Khi ngày càng nhiều người ở Nam Phi được chủng ngừa Covid-19, khả năng có biến chủng mới đang âm ỉ trong cơ thể người đã tiêm chủng càng lớn.

“Trước mắt chúng ta lúc này là rủi ro phát sinh những biến chủng thật sự đáng sợ”, tiến sĩ Abdool Karim nói.

bien chung Covid-19 anh 5

Một phụ nữ rời khỏi phòng khám tại Nam Phi vào tháng 11 sau khi được tiêm chủng Covid-19. Ảnh: New York Times.

Những biến chủng trước đó mới chỉ xuất hiện khi độ phủ vaccine còn thấp, nhưng lúc này, hơn 1/3 người dân Nam Phi đã được tiêm. Nếu bệnh nhân AIDS đã chủng ngừa Covid-19 nhưng không sử dụng hoặc không được phát thuốc chống HIV, virus có khả năng sẽ xuất hiện đột biến kháng vaccine.

“Lúc này, nhiều người trong số bệnh nhân HIV đã được tiêm chủng nên họ đã có phản ứng miễn dịch. Nếu biến chủng mới xuất hiện, biến chủng ấy trước hết sẽ phải vượt qua phản ứng miễn dịch của những người này”, ông Abdool Karim nói.

Nhưng đối với tiến sĩ de Oliveira, khả năng biến chủng kháng vaccine xuất hiện tại Nam Phi không đáng ngại bằng nguy cơ biến chủng xuất hiện ở những nơi khác, chẳng hạn như tại một số cộng đồng ở Mỹ có độ phủ tiêm chủng thấp, mạng lưới theo dõi yếu, và tình trạng HIV không được chữa trị.

Ông de Oliveira cũng chỉ ra rằng vấn đề virus có rủi ro đột biến ở bệnh nhân HIV đã có sẵn giải pháp là điều trị HIV cho những người này. Nhưng bệnh nhân ung thư hoặc người được ghép tạng không có lựa chọn tương tự.

Trên hết, giải pháp chấm dứt mọi mối đe dọa từ biến chủng là ngăn chặn lây nhiễm virus corona. “Tiêm chủng, tiêm chủng và tiêm chủng người dân châu Phi”, ông de Oliveira nói. “Tôi lo ngại về chủ nghĩa dân tộc vaccine hoặc việc tích trữ vaccine”.

Người nhiễm HIV nên được ưu tiên tiêm nhắc lại để tối đa hóa mức độ hiệu quả phản ứng miễn dịch của họ, tiến sĩ de Oliveira bổ sung.

Tới nay, nỗ lực của Nam Phi nhằm ứng phó biến chủng và minh bạch trong hành động đã đi kèm cái giá rất đắt, thể hiện dưới dạng các lệnh cấm bay và sự cô lập từ thế giới.

“Là các nhà khoa học, đặc biệt là ở tuyến đầu, chúng tôi đã tranh luận về việc nói giảm nói tránh vấn đề HIV”, tiến sĩ de Oliveira nói. “Nếu lớn tiếng quá, chúng tôi lại gặp rủi ro bị phân biệt đối xử, đóng cửa biên giới và các biện pháp kinh tế. Nhưng nếu không lên tiếng, chúng tôi sẽ có những cái chết có thể tránh được”.

Bên trong phòng thí nghiệm truy tìm biến chủng Omicron ở Mỹ

Khi nhiều bang ở Mỹ thông báo phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron, các phòng thí nghiệm tập trung theo dõi sự lây lan của virus - chìa khóa để tìm hiểu mối đe dọa mà nó gây ra.

Ai là 'bệnh nhân số 0' của biến chủng Omicron?

Biến chủng Omicron tiếp tục lan ra nhiều nơi trên thế giới nhưng nguồn gốc của nó vẫn là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu chưa giải đáp được.

Quốc Đạt

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm