Cô Katia Beauchamp, nhà sáng lập Birchbox, là một trong những CEO quyết định tham gia vào chiến dịch tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới. Cô cam kết sẽ giảm chi tiền cho quảng cáo trên Facebook và Instagram trong nửa cuối năm 2020.
CEO Birchbox khẳng định sẽ tìm kiếm những cách quảng cáo khác mà không cần thông qua hai nền tảng này.
Hàng trăm công ty lớn nhỏ, bao gồm các đại gia như Unilever, Ford, Coca-Cola, Pfizer, Verizon, Constellation Brands, Microsoft... đã tạm dừng quảng cáo trên nền tảng Facebook và Instagram để phản đối việc mạng xã hội lớn nhất thế giới dung túng những nội dung thù địch và bạo lực.
Chiến dịch tẩy chay “Stop the Hate for Profit” (tạm dịch: Ngưng trục lợi từ sự thù ghét) do 6 tổ chức dân quyền phát động nhằm buộc Facebook phải mạnh tay kiểm soát các nội dung thù địch và kích động bạo lực trên nền tảng này.
Facebook trục lợi từ sự thù ghét bằng cách nào?
Phát ngôn thù địch được hiểu là những tuyên bố nhằm hạ thấp, xúc phạm, tấn công một người hoặc một nhóm người dựa trên cơ sở các thuộc tính được bảo vệ như chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc quốc gia, giới tính, khuynh hướng tình dục…
“Những gì Facebook đang làm là tạo một mô hình kinh doanh gây ra vô vàn tranh cãi, sự thù ghét, nỗi thất vọng và tin thật giả lẫn lộn. Trong khi đó, chúng ta lại có xu hướng tham gia vào những việc chướng tai gai mắt”, giáo sư Scott Galloway tại khoa Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York giải thích với tờ Fast Company.
Theo giáo sư Scott, cơn thịnh nộ càng lớn, lượt click càng nhiều, quảng cáo càng thành công. Và Facebook đã làm giàu theo cách đó. Các thuật toán chỉ ra rằng khi người dùng chia sẻ càng nhiều bài báo chỉ ra sự ngu ngốc của những người anti vaccine, bên được lợi nhất là cổ đông của Facebook.
Hàng trăm công ty lớn nhỏ thông báo tạm dừng quảng cáo trên nền tảng Facebook và Instagram. Ảnh: TheAIM. |
“Chắc chắn có nhiều người ngoài kia tin rằng tiêm chủng là xấu và họ nên được lắng nghe. Nhưng các câu chuyện đó không nên phổ biến đến mức một ngày nào đó, chúng ta nghe được từ chính một người bạn trên Facebook”, ông Scott nói thêm.
Theo The Guardian, trong 2 năm qua, một nhóm tài khoản bí ẩn ở Israel đã gửi tin nhắn đến người quản lý của ít nhất 19 trang Facebook cực hữu từ Mỹ, Australia, Anh, Canada, Áo, Israel đến Nigeria. Họ xin được đăng tải nội dung của mình để tăng lượt xem và thích trên trang.
Cuộc điều tra của The Guardian chỉ ra những tin nhắn này là một phần trong âm mưu kiểm soát một số trang cực hữu lớn nhất Facebook để lợi dụng sự thù ghét bài Hồi giáo nhằm kiếm lời.
Nhóm này hiện sử dụng mạng lưới 21 trang để tạo ra hơn 1.000 bài đăng giả mạo mỗi tuần, tiếp cận hơn 1 triệu người theo dõi, dẫn dắt người xem đến 10 trang web có quảng cáo nhằm thu hút lượng truy cập.
Đáng nói là Facebook không làm gì để ngăn chặn âm mưu này. “Bằng cách cho phép các bài đăng phân biệt chủng tộc và gây tranh cãi, những gã khổng lồ mạng xã hội như Facebook đang trục lợi từ ngôn từ kích động thù địch, bạo lực”, Mehreen Faruq, nữ Thượng nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên của Australia, chỉ trích gay gắt.
“Facebook có thể làm nhiều hơn nữa như đóng cửa các trang này. Nhưng một khi vẫn còn muốn kiếm lời từ số lượt click và lượt tiếp cận, họ có vẻ sẽ không đưa ra hành động quyết định”, bà nói thêm.
Đằng sau làn sóng tẩy chay là gì?
“Nội dung gây chia rẽ sẽ lan truyền nhanh hơn, nhất là trong những nhóm Facebook kín cùng tư tưởng. Sự phẫn nộ của người dùng tỷ lệ thuận với khả năng kiếm tiền của Facebook”, tờ Washington Post bình luận.
Dù đã gây tranh cãi từ lâu nhưng phải đến tháng 5, sau cái chết của công dân da màu George Floyd, chiến dịch “Stop the Hate for Profit” kêu gọi các công ty ngừng hoạt động quảng cáo trên Facebook mới thực sự bùng nổ. Nguyên nhân được cho là quy trình kiểm duyệt lỏng lẻo của Facebook đối với những bài đăng mang tính kích động thù địch và bạo lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, giới quan sát đặt ra câu hỏi: “Tại sao làn sóng tẩy chay Facebook bùng nổ chưa từng có vào thời điểm này?”. Đây là thời điểm nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí quảng cáo, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Làn sóng tẩy chay có thực sự tạo nên thay đổi hay chỉ là cơ hội cắt giảm chi tiêu quảng cáo khi thế giới đang rơi vào suy thoái", CNN đặt nghi vấn.
Làn sóng tẩy chay Facebook diễn ra vào thời điểm nhiều công ty lao đao vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: New York Times. |
Trên thực tế, chỉ riêng việc có tên trong danh sách những thương hiệu phản đối Facebook trục lợi từ nội dung thù địch đã giúp các tên tuổi lớn tô vẽ thêm hình ảnh. Giới quan sát bình luận cách làm này thậm chí còn hiệu quả hơn việc chi tiền quảng cáo trên Facebook dù chẳng cần tốn một đồng.
Vậy nên, thực tế cho thấy danh sách tẩy chay Facebook chủ yếu là các thương hiệu lớn, trong khi hàng triệu doanh nghiệp nhỏ khác vẫn không muốn “cắt đứt” với mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
“Họ là những người phụ thuộc nhất vào Facebook để tiếp cận khách hàng”, chuyên gia Nicole Perrin của hãng eMarketer nhận định.
Khả năng những thương hiệu lớn như Ford và Coca-Cola tranh thủ làn sóng tẩy chay nhắm đến Facebook để cắt giảm chi phí quảng cáo là có cơ sở. Dịch Covid-19 và lệnh phong tỏa của các chính phủ giáng đòn mạnh vào hàng loạt ngành nghề. CNBC đưa tin doanh thu của Ford sụt giảm 14,9% xuống còn 34,3 tỷ USD trong quý I/2020.
Hãng sản xuất ôtô dự đoán khoản lỗ trong quý II/2020 sẽ lên đến 5 tỷ USD vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của hãng sụt giá 42%.
Trong khi đó, sản lượng toàn cầu của Coca-Cola cũng sụt giảm 25% tính đến tháng 4/2020. Hãng thừa nhận lệnh đóng cửa rạp chiếu phim, nhà hàng và sân vận động do dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của quý II/2020.
Theo CNN, mạng xã hội lớn nhất thế giới thu về 69,7 tỷ USD từ quảng cáo, chiếm 98% tổng doanh thu cả năm. Nhưng phần lớn tiền không đến từ Starbucks, Coca-Cola hay Microsoft mà là danh sách dài dằng dặc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Facebook có đến 8 triệu nhà quảng cáo. Nhưng 100 thương hiệu chi đậm nhất trong số đó chỉ mang lại 4,2 tỷ USD vào năm 2019, tức 6% doanh thu quảng cáo, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Pathmatics.
Chiến dịch tẩy chay mang lại gì?
Kevin Urrutia, nhà đồng sáng lập công ty quảng cáo Voy Media, tiết lộ hầu hết doanh nghiệp khách hàng của ông đều phụ thuộc vào Facebook. Chưa đến 10% khách hàng của Voy Media tham gia chiến dịch tẩy chay hoặc xem xét lại mối quan hệ với mạng xã hội này. “90% còn lại hy vọng đây là một cơ hội để mua quảng cáo trên Facebook với giá rẻ hơn”, ông này thừa nhận.
Theo ông Kevin, Facebook và Instagram tạo ra "chất gây nghiện" và các thuật toán của mạng xã hội này càng làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
“Rất nhiều khách hàng của chúng tôi cắt giảm chi phí vào thời điểm này hàng năm. Đó chỉ là vấn đề điều chỉnh ngân sách. Giờ, họ tận dụng cơ hội này để lấy thiện cảm từ khách hàng”, nhà đồng sáng lập Voy Media tiết lộ.
Làn sóng tẩy chay với quy mô lớn chưa từng có sẽ buộc Facebook phải thay đổi. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng làn sóng tẩy chay với quy mô chưa từng thấy này là dấu hiệu cho thấy Facebook cần phải thay đổi.
“Khó lòng biết được quyết định của những người đứng đầu (doanh nghiệp) xuất phát từ động cơ gì. Chắc chắn có một số người chỉ giả vờ quan tâm, nhưng tôi tin rằng phần lớn thực sự chán ghét Facebook vì không thể giải quyết vấn đề ngôn từ thù địch trên nền tảng của mình”, Ian Hood, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập Babel PRHood, nhận xét.
Khi quảng cáo được chuyển từ báo in và những phương tiện truyền thông khác sang trực tuyến trong vài thập kỷ qua, các nhà quảng cáo dần đánh mất quyền kiểm soát đối với cách xuất hiện của quảng cáo.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, một bài quảng cáo có thể xuất hiện ngay dưới một bài viết phân biệt chủng tộc hay một bài viết từ tổ chức khủng bố.
The Washington Post, hồi năm 2017, Verizon, Walmart, Pepsi và các thương hiệu lớn khác đã dừng quảng cáo trên YouTube sau khi quảng cáo của họ xuất hiện cùng với những nội dung ủng hộ quan điểm cực đoan và phân biệt chủng tộc.
YouTube đã phải thay đổi chính sách và đầu tư mạnh tay vào các công cụ nhằm kiểm soát quảng cáo chặt chẽ hơn.
“Chúng tôi không đòi bồi thường vì các bài đăng xuất hiện không đúng chỗ. Những gì chúng tôi quan tâm nhất là việc trục lợi từ định kiến, phân biệt chủng tộc và sự thù địch”, cô Katia Beauchamp của Birchbox khẳng định.
Theo CEO Stephan Loerke của World Federation of Advertisers (WFA), nếu các thương hiệu lớn tiếp tục ngừng quảng cáo trong vòng 1 tháng hoặc dài hơn, doanh thu của Facebook vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
“Nhưng tôi cho rằng làn sóng tẩy chay có sức nặng trong ngành và sẽ ảnh hưởng đến các nền tảng mạng xã hội về dài hạn”, ông khẳng định.