Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Tôi cảm thấy mình đơn độc'

17 năm, hơn 12,2 tỷ ly cà phê Trung Nguyên được tiêu thụ, 60 quán cà phê Trung Nguyên đã được khai trương nhưng ông chủ Đặng Lê Nguyên Vũ lại luôn thấy mình đơn độc.

Khởi đầu với chiếc xe đạp cọc cạch, sau 17 năm chinh phục người tiêu dùng, Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa Trung Nguyên lớn mạnh bằng những suy nghĩ khác biệt từ ngày đầu khởi nghiệp. Đặng Lê Nguyên Vũ thuộc lớp doanh nhân trẻ mang trong mình những hoài bão, ước vọng lớn lao. Không chỉ muốn Trung Nguyên vươn đến tầm thế giới, vị lãnh đạo của công ty kinh doanh cà phê hàng đầu Việt Nam này còn có khát vọng cao hơn, thôi thúc anh làm nhiều việc mà ít ai nghĩ tới.

Anh đã xây dựng đề án phát triển bền vững cà phê Việt Nam, “thánh địa cà phê toàn cầu” với tham vọng Việt Nam trở thành tâm điểm của cà phê thế giới. Không dừng lại ở đó, nhiều năm nay, Vũ dành đến 95% quỹ thời gian cho việc suy nghĩ, tìm kiếm những mô hình, nguyên lý giúp doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn.

Ước vọng làm một thương hiệu Việt chiến thắng trên sàn đầu quốc tế của Đặng Lê Nguyên Vũ đôi khi bị cho là vĩ cuồng.

Trong anh luôn là những câu hỏi xưa nay chưa có lời giải đáp: Tại sao có người thành công, kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu, nước nghèo? Tại sao Việt Nam vẫn mãi nghèo? Làm thế nào để trở thành một quốc gia vĩ đại, hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Người khác làm được sao ta không làm được? Tại sao nước khác làm được, nước ta không làm được?...

Với những suy nghĩ, trăn trở ấy, Vũ đã đến nhiều nước phương Tây, phương Đông và cả châu Mỹ La tinh để tìm câu trả lời từ những mô hình thành công của các doanh nghiệp ở những đất nước này. Trong hành trình ấy, anh thấy có nhiều quốc gia, dân tộc cần phải được điển cứu để rút ra nguyên lý thành công phổ quát cho Việt Nam. Và Israel là dân tộc không thể bỏ qua trên hành trình này.

“Nỗi niềm đau đáu trong tôi là vì sao, bằng cách nào mà một dân tộc chỉ với khoảng 14 triệu dân (8 triệu dân trong nước và 6 triệu kiều bào Do Thái ngoài lãnh thổ) lại sản sinh ra vô số chủ nhân của giải Nobel, khoa học gia lỗi lạc và những nhà chính trị - kỹ nghệ đại tài để kiểm soát các lĩnh vực then chốt của thế giới? Làm thế nào mà một dân tộc hai nghìn năm vong quốc lại có thể phát triển thành một cường quốc kinh tế và quân sự trên thế giới?”, Vũ cho biết.

Điều này cũng được anh chia sẻ trong tất cả các diễn đàn kinh tế, các buổi nói chuyện với sinh viên, truyền cảm hứng, động lực cho sinh viên, trao gửi tâm thế cho thế hệ trẻ trên bước đường khởi nghiệp, kiến quốc mà anh là người khởi xướng. Vũ cho rằng, muốn Việt Nam phát triển bền vững không gì khác hơn là phải xây dựng một quốc gia với tinh thần khởi nghiệp mà ở đó những người trẻ sẽ là lực lượng kế thừa, quyết định mọi thứ. Vũ đã đến Israel và thuyết phục lãnh đạo nước này để đem về cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp (The Start-up Nation).

Với anh, Việt Nam đang có nền văn minh hài hòa và đầy đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành nền văn minh mới, có thể chuyển từ một quân trên bàn cờ thành người chơi cờ. Nếu định vị, Việt Nam phải là một mô hình phát triển bền vững của thế giới và chưa bao giờ thế của Việt Nam được dựng lên như bây giờ.

Theo anh, trong chiến lược xây dựng quốc gia với định hướng phát triển mô hình bền vững, hướng đến một quốc gia thịnh vượng, hùng mạnh và ảnh hưởng, thanh niên chính là lực lượng nòng cốt, là lớp kế thừa di sản nền kinh tế, là thế hệ tiếp nhận doanh nghiệp và có sứ mệnh xây đắp thành công nền kinh tế để đưa đất nước đi lên.

“Một quốc gia mạnh chỉ khi thế hệ kế thừa - những người trẻ - mạnh”. Với một khát khao Việt Nam hùng cường, từ năm 2003 đến nay, anh đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ từ hoạt động của Trung Nguyên để xây dựng các chương trình cho thanh niên.

Xuyên suốt là các chương trình “Sáng tạo vì thương hiệu Việt”, “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”, thành lập Quỹ “Khơi nguồn sáng tạo” hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, diễn đàn “Nước Việt ta nhỏ hay không nhỏ”, “Ngày hành động vì nước Việt vĩ đại” và Sáng tạo vì khát vọng Việt - năm 2012-2013” cùng nhiều chương trình khác đồng hành với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kiến quốc. Trung Nguyên đã và đang trao 100 triệu cuốn sách Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp cho thanh niên trên toàn quốc...

Về mặt kinh doanh, 17 năm qua, đã có hơn 12,2 tỷ ly cà phê Trung Nguyên được tiêu thụ, 60 quán cà phê Trung Nguyên đã được khai trương. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng được duy trì trên 50% trong nhiều năm liên tiếp. Trên thế giới, thương hiệu Trung Nguyên đã có mặt ở hơn 60 quốc gia và đang ngày càng vươn xa hơn nữa. Đây là sức mạnh, là niềm vui, là lợi thế để anh có thể toàn tâm toàn ý cho giấc mơ xây dựng Việt Nam phát triển. “Thế nhưng, tôi cảm thấy buồn khi mình khá đơn độc trên chặng đường dài hết lòng vì một Việt Nam hùng mạnh, hết lòng vì thanh niên. Bởi, đây đó vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng những mục tiêu lớn lao mà chúng tôi đang theo đuổi là vĩ cuồng...”, Vũ chia sẻ.

Buồn nhưng Vũ vẫn tin về những điều anh và Trung Nguyên đã và đang làm sẽ góp phần đặt nền móng vững chắc cho một tiến trình dài phía trước. Những vấn đề được xới lên, dù sâu hay cạn, sẽ dần được đưa vào trường học, vào ngành giáo dục và được nhiều thế hệ kế tiếp đào xới cho một mảnh đất giàu có hơn...

“Theo lẽ thường, bạn sẽ đến đích chỉ khi bạn nhìn thấy con đường phía trước và bước đi. Bạn phải tin vào điều đó và sải bước vì niềm tin đó. Tôi đã bước đi, đã đến đích và điều này đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc đời tôi, việc của tôi bây giờ là tiếp tục nhìn thấy những con đường khác lớn hơn”, anh chia sẻ.

http://www.doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/chan-dung-doanh-nhan/2014/02/1079310/dang-le-nguyen-vu-van-buoc-tiep-du-don-doc/

Theo Doanh nhân Sài Gòn

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm