Bà Clinton đang đối mặt với nhiều khó khăn Ảnh: Getty |
Đảng Dân chủ Mỹ đang bị chia rẽ trầm trọng ở thời điểm vô cùng nhạy cảm. Theo báo New York Times, hôm qua 24/7 (giờ Mỹ), hàng nghìn cử tri Dân chủ ủng hộ Thượng nghị sĩ Sanders đã đổ ra đường phố tại Philadelphia để biểu tình phản đối cựu ngoại trưởng Clinton.
Những người biểu tình hô vang: “Không, không, DNC, chúng tôi sẽ không bỏ phiếu cho Hillary”. Mối hiềm khích cay đắng còn âm ỉ từ chiến dịch tranh cử đầy căng thẳng giữa bà Clinton và ông Sanders một lần nữa bùng nổ sau khi hơn 19.000 bức thư điện tử của DNC bị trang web WikiLeaks tung lên mạng.
Đánh mất sự thống nhất
Các bức thư cho thấy giới lãnh đạo Dân chủ quả thực muốn “dìm” ông Sanders như ông từng nhiều lần cáo buộc. Hậu quả là mới đây Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz tuyên bố sẽ từ chức sau khi đại hội đảng Dân chủ tại Philadelphia kết thúc.
Đó sẽ là lúc để đảng Dân chủ chính thức công nhận bà Clinton là ứng viên tổng thống, bắt đầu cuộc đối đầu trực tiếp giữa cựu ngoại trưởng Mỹ và tỷ phú New York Donald Trump, với cao trào là ngày bầu cử 8/11.
Cử tri Dân chủ biểu tình ở Philadelphia để ủng hộ ông Sanders Ảnh: Getty
|
Đại hội đảng Dân chủ sẽ khai mạc đêm nay (giờ Việt Nam) và bà Clinton sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên được chỉ định làm ứng viên tổng thống của đảng này.
Những vụ bê bối là cú đòn mạnh giáng vào đảng Dân chủ vẫn luôn tìm quảng bá hình ảnh ổn định, thống nhất, đối lập với sự hỗn loạn và bất ổn mà tỷ phú Donald Trump tạo ra bên phía đảng Cộng hòa.
Và tất nhiên đây là cơ hội để ông Trump tấn công bà Clinton. Việc đội ngũ tranh cử của bà Clinton đặt vấn đề tin tặc Nga “hỗ trợ” ông Trump khó có cơ sở gì để chứng minh, và càng khiến tình thế thêm xấu đi.
Người đại diện của ông Trump không bỏ lỡ dịp cáo buộc hệ thống đảng Dân chủ đã “sắp đặt” để đưa bà Clinton lên và dìm ông Sanders xuống.
Trên Twitter, ông Trump diễu cợt: “Đảng Dân chủ đang tan rã nhưng truyền thông vẫn cứ ra rả nói họ đang ổn định lắm. Các bức thư điện tử cho thấy hệ thống sắp đặt đang vận hành hiệu quả”.
Hình ảnh và uy tín của bà Clinton trong con mắt cử tri Dân chủ cũng xấu đi đáng kể. Nhiều cử tri đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho bà Clinton trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Chính quyền thành phố Philadelphia ước tính trong những ngày diễn ra đại hội, sẽ có khoảng 35.000 - 50.000 người biểu tình mỗi ngày để ủng hộ ông Sanders.
Cuộc đua đầy căng thẳng
Trước đó, giới chuyên gia chính trị Mỹ đánh giá ông Trump đã có màn thể hiện hiệu quả đến đáng sợ ở đại hội đảng Cộng hòa. Bài phát biểu của ông Trump vẽ nên một nước Mỹ suy tàn, khủng hoảng và chỉ ông ta mới có thể trở thành đấng cứu thế.
Ông Trump là mối đe dọa thực sự đối với bà Clinton Ảnh: Getty
|
Dù bài phát biểu này đầy rẫy những số liệu đáng ngờ hoặc hoàn toàn không chính xác, giới phân tích vẫn nhận định nó đánh trúng tâm lý của cử tri Cộng hòa.
Và ông Trump hoàn toàn đủ sức đe dọa bà Clinton trong cuộc bầu cử tháng 11 khi lôi kéo cử tri bằng những thông điệp mị dân, trong khi cựu đệ nhất phu nhân đang phải đối mặt với quá nhiều rắc rối.
Ít nhất thì trước thềm đại hội đảng Dân chủ, bà Clinton cũng nhận được một tin tốt. Đó là cựu thị trưởng New York, Michael Bloomberg sẽ công khai ủng hộ bà làm tổng thống.
Theo báo New York Times, ông Bloomberg sẽ khẳng định bà Clinton là sự lựa chọn tốt nhất đối với các cử tri ôn hòa, còn ông Trump là mối đe dọa đối với nước Mỹ.
Từ nay tới tháng 11, cuộc đua vào Nhà Trắng chắc chắn sẽ còn nhiều căng thẳng và bất ngờ khó dự đoán trước. Và đó sẽ là trận chiến không hề dễ dàng đối với bà Clinton nói riêng và đảng Dân chủ nói chung.