Bangkok Post cho biết đảng Pheu Thai đang đứng trước nguy cơ bị giải thể sau khi bị cáo buộc đang chịu sự chi phối của cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.
Đảng Pheu Thai, từng là đảng cầm quyền tại Thái Lan, kịch liệt bác bỏ cáo buộc bị cựu thủ tướng "giật dây". Ông Thaksin, dù đang sống lưu vong, vẫn được nhiều người xem là lãnh đạo không chính thức của đảng Pheu Thai.
Hiến pháp Thái Lan nghiêm cấm một đảng chính trị bị ảnh hưởng của người bên ngoài.
Ông Thaksin vẫn nhận được sự ủng hộ của cử tri đảng Pheu Thai. Ảnh: AFP. |
Cuộc gặp xã giao?
Lời phản bác này đến sau khi có thông tin cho biết đội ngũ pháp lý của Hội đồng Quốc gia về Hòa bình và Trật tự (NCPO) đang xem xét các cuộc gặp gần đây giữa các thành viên đảng, các cựu lãnh đạo với Thaksin tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Singapore trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. NCPO muốn xác minh liệu Pheu Thai có đang chịu ảnh hưởng của Thaksin hay không.
Một nguồn tin từ đảng Pheu Thai nói rằng các nhân vật chủ chốt của đảng đã thảo luận vấn đề này và nói thêm rằng sự xuất hiện gần đây của Thaksin rõ ràng có hàm ý chính trị đáng kể.
Nguồn tin này cho rằng việc ông Thaksin ra mặt, cùng với tính thời điểm của nó, rõ ràng đã gây chú ý dù ông không cần phải phát ngôn chính thức bất cứ điều gì. Người này cũng nói rằng Thaksin hoàn toàn ý thức được mọi động thái của ông đều được xem là động thái của đảng Pheu Thai.
Ông Thaksin giữ chức thủ tướng giai đoạn 2001-2006 cho đến khi bị lật đổ. Ông buộc phải sống lưu vong và bị kết án tù vắng mặt vào năm 2008 vì tội danh lạm dụng quyền lực, một bản án mà Thaksin cáo buộc là có “động cơ chính trị”. Dù vậy, ảnh hưởng của ông tại Thái Lan vẫn rất lớn. Ảnh: AFP. |
Các lời đồn đại nói rằng trong các cuộc gặp gỡ gần đây, ông Thaksin đã trao quyền cho cựu bộ trưởng năng lượng Pongsak Ruktapongpisal để lãnh đạo đảng thay vì Khunying Sudarat, ứng viên tiềm năng cho vị trí này trước đó.
Phumtham Wechayachai, thư ký đảng Pheu Thai, đã ra thông cáo tuyên bố rằng các cuộc gặp trên chỉ mang tính xã giao và không liên quan gì công việc chính trị trước đây của đảng. Ông nói rằng mọi quyết định của Pheu Thai đều do các lãnh đạo quyết định dựa trên ý kiến của các nhánh trong đảng và của người ủng hộ và không thể có ai khác can thiệp vào quy trình ra quyết định của đảng.
Án binh bất động
Trong khi đó, nguồn tin trong đảng Pheu Thai của Bangkok Post nói rằng đảng sẽ không vội chọn ra lãnh đạo mới vì "rõ ràng" là tổng tuyển cử sẽ không diễn ra trong năm nay. Theo Bangkok Post, thời gian tổng tuyển cử chắc chắn sẽ bị dời từ tháng 11/2017 sang tháng 2/2018.
Vì vậy, phương án tốt nhất của đảng vào lúc này là giữ sức bền và kiên nhẫn, cố gắng dựa vào các cựu nghị sĩ trong thời điểm mà người ủng hộ có thể sẽ ra đi. Các lãnh đạo Pheu Thai đoán rằng với việc trì hoãn tổng tuyển cử, giới quân sự không tự tin một đảng do họ hậu thuẫn họ có thể không tìm đủ phiếu đa số trong kỳ bầu cử sắp tới họ không thể liên kết với các cựu nghị sĩ đối thủ.
Các đảng chính trị tại Thái Lan đang dự đoán giới quân sự sẽ thành lập một đảng để thu hút thành viên từ các đảng đang tồn tại và ủng hộ Thủ tướng Prayut Chan-ocha để tiếp tục nắm quyền sau cuộc bầu cử.
Thủ tướng Chan-ocha được cho không tự tin về mức độ ổn định của cử tri dành cho giới quân sự trong cuộc bầu cử sắp tới. Ảnh: p. |
Ông Yutthaporn Isarachai, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Sukhothai Thammathirat, nói rằng chuyến đi châu Á của Thaksin rõ ràng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Dù đã bị trì hoãn nhiều lần, lời hứa bầu cử lần này vẫn được chú ý và ông Thaksin muốn tranh thủ cơ hội đó để nhắc cử tri không quên ông hay đảng Pheu Thai.
Các lãnh đạo của Pheu Thai không lạ gì những lần bị giải thể. Đảng Pheu Thai là sự tái sinh của các đảng Thai Rak Thai hay đảng Quyền lực Nhân dân từng bị giải thể.
Chính vì vậy, lần này các lãnh đạo đảng rất cẩn trọng để lịch sử không lặp lại.