Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Triều Tiên 'sành điệu' cỡ nào?

Phóng sự cuối tuần qua của BBC cho thấy, điện thoại di động, đầu đĩa DVD, và bánh kẹo Hàn Quốc tràn ngập tại quốc gia được mệnh danh là “Vương quốc ẩn dật” này.

Dân Triều Tiên 'sành điệu' cỡ nào?

Phóng sự cuối tuần qua của BBC cho thấy, điện thoại di động, đầu đĩa DVD, và bánh kẹo Hàn Quốc tràn ngập tại quốc gia được mệnh danh là “Vương quốc ẩn dật” này.

Khi nhắc đến Triều Tiên, nhiều người thường hình dung về một xã hội khép kín, nơi người dân không hề có khái niệm gì về cuộc sống văn minh bên ngoài biên giới nước mình.

Những hình ảnh chụp được từ Triều Tiên thường củng cố cho đánh giá kể trên, với hàng đoàn binh sĩ bồng súng nghiêm trang diễu hành qua Quảng trường Kim Nhật Thành trong khúc nhạc hành quân hoành tráng hoặc từng nhóm nữ công nhân nhà máy nức nở khi thấy lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un.

Các bức ảnh đem lại ấn tượng về một quốc gia bị cô lập với người dân bị bỏ mặc và khiếp sợ bởi một chính quyền bảo thủ, BBC phân tích.

Tuy nhiên, hãng tin của Anh cho biết đã có một vài bức ảnh khác về Triều Tiên được công bố gần đây, cho thấy hình ảnh nữ cảnh sát thổi phạt một người đang lái chiếc xe hơi thời trang Mini-Cooper trên đường phố Thủ đô Bình Nhưỡng.

 
Nữ cảnh sát thổi phạt người lái xe Mini-Cooper, một loại xe với thiết kế nhỏ gọn, thời trang, tại Thủ đô Bình Nhưỡng. 

Ngoài ra, còn có hình ảnh một doanh nhân đang lái chiếc Porsche Cayenne đắt tiền vi vu trên đường tại khu trung tâm Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, khám phá đáng ngạc nhiên nhất của phóng viên BBC tại Triều Tiên chính là cảnh một gia đình Triều Tiên tại một ngôi làng gần biên giới Trung - Triều ngồi xem một bộ phim truyền hình Hàn Quốc từ một đầu DVD. DVD nhập lậu từ Hàn Quốc có mặt tràn lan tại Triều Tiên. Điều này cho thấy người dân Triều Tiên hoàn toàn không bị cô lập như cả thế giới lầm tưởng.

Thậm chí, người dân còn biết đến bánh Choco Pie và có cả một thị trường chợ đen giao dịch loại bánh ngọt này.

 
Bánh sôcôla Choco Pie, mặt hàng hút hàng tại Triều Tiên.

Loại thực phẩm này du nhập vào Triều Tiên từ Kaesong, một khu công nghiệp nằm ở Triều Tiên và sát giới tuyến chia cắt Triều Tiên và Hàn Quốc.

Được xem là biểu tượng hợp tác liên Triều, khu công nghiệp này đi vào hoạt động từ năm 2004 với sự kết hợp giữa vốn đầu tư và công nghệ Hàn Quốc cùng lao động giá rẻ của Triều Tiên.

Tính đến nay, Seoul đã đầu tư gần 900 triệu USD vào Kaesong còn Bình Nhưỡng thu về một lượng lớn ngoại tệ mỗi năm.

Theo quy định của Chính phủ Triều Tiên, các công ty Hàn Quốc không được phép trả công cho nhân viên người Triều Tiên bằng tiền mặt. Vì vậy, trong nhiều năm qua, công nhân Triều Tiên được trả công bằng nhiều loại thực phẩm khác nhau, trong đó có Choco Pie.

Thay vì ăn chúng, thì các công nhân Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong đã đem “phần lương” của mình tới Thủ đô Bình Nhưỡng để bán trên thị trường chợ đen với giá cao gấp ba, bốn lần so với giá gốc bởi đây cũng được đánh giá là món “hàng nóng”.

Sau khi khu công nghiệp Kaesong bị chính quyền Kim Jong-un đóng cửa hồi đầu tháng 4, nhiều người Triều Tiên sống lưu vong tại Hàn Quốc sớm đón nhận được thông tin này đã tìm cách kêu gọi người thân ở Triều Tiên tìm cách mua Choco Pie càng nhiều càng tốt vì giá sẽ tăng vọt do khan hàng.

 
Triều Tiên trong mắt thế giới thường được liên tưởng như hình ảnh này.

“Tôi đã gọi điện cho cha tôi để báo tin rằng sắp có đợt khan hiếm Choco Pie và giá sẽ tăng cao”, một người Triều Tiên giấu tên sống lưu vong tại Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nói với BBC. "Tôi bảo ông ấy nên qua Trung Quốc và mua tất cả Choco Pie mà ông ấy có thể tìm thấy”, người này nói thêm.

Khi được hỏi làm sao người cha đang sống tại Triều Tiên có thể nhận được cuộc gọi điện thoại quốc tế và nhận bằng phương tiện nào, thì ông này trả lời rằng, cha ông ta có điện thoại di động có khả năng gọi quốc tế, như thể điều này là một việc hoàn toàn bình thường đối với người Triều Tiên.

“Ồ vâng, cha tôi có điện thoại di động. Ông ấy sống gần biên giới với Trung Quốc nên có thể đăng ký xài mạng di động Trung Quốc. Điều này rất bình thường, mọi người dân Triều Tiên sống gần biên giới đều có điện thoại di động. Họ dùng chúng để mua bán với người Trung Quốc”, người Triều Tiên lưu vong nói với BBC.

Ông này còn nói thêm rằng hiện có khoảng 50.000 người Triều Tiên thường xuyên qua lại Trung Quốc để buôn bán và khoảng 100.000 người Triều Tiên khác đang sống tại Trung Quốc để kinh doanh. “Bình Nhưỡng không thể tồn tại mà không có giao dịch làm ăn”, ông này cho hay.

Với các DVD lậu, bánh sô cô la từ Hàn Quốc..., thì nhiều người Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến việc tìm hiểu cuộc sống ở đất nước phía nam được mệnh danh là anh em của họ.

Theo Thanh Niên

Theo Thanh Niên

Bạn có thể quan tâm