TP.HCM đang trải qua những ngày khác thường.
Từ khi Chỉ thị 16 được áp dụng, đường phố trở nên vắng lặng, hàng quán đều đóng cửa, người dân hạn chế ra đường.
Bao năm qua, Sài Gòn vẫn luôn sôi động, nhộn nhịp như để đúng với cái tên "thành phố không ngủ". Người Sài Gòn hào sảng đã quen với việc quyên góp, tương trợ bà con miền Trung, miền Bắc từ đợt lũ này đến mùa bão khác.
Thế nhưng, hôm nay thành phố đã đổ bệnh và cần nghỉ ngơi. Người dân TP.HCM đang được nhận lại tình yêu thương, sự san sẻ từ khắp mọi miền đất nước như cách họ đã cho đi trước đó.
Những chuyến xe tiếp tế chở đầy lương thực, thực phẩm giờ đây ngược dòng hướng về TP.HCM. Từ thịt cá, lúa gạo cho đến từng trái bí xanh, hũ muối lạc, mắm ruốc... đồng bào cả nước đang cùng dang tay yêu thương, động viên Sài Gòn vượt qua giai đoạn khó khăn để sớm trở lại thật mạnh mẽ.
Người dân Đắk Lắk gửi 75 tấn nông sản vào TP.HCM. Ảnh: Minh Thừa. |
Những chuyến xe chở đầy yêu thương
Biết ơn cả nước từng hướng về miền Trung trong trận lũ năm 2020, người dân tại những vùng rốn lũ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi đã góp hàng tấn gạo, cá, rau xanh, củ quả... chở vào tiếp tế vùng dịch.
Ngày 5/7, chuyến xe nghĩa tình đầu tiên mang hơn 3 tấn cá của người dân Quảng Bình đã đến TP.HCM. Những ngày sau đó, hàng trăm hộp ruốc, cá khô, muối lạc được đóng gói cẩn thận và đều đặn gửi đi mỗi ngày.
Còn tại Quảng Trị, từ khi nghe tin TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, các hộ dân ở huyện Hải Lăng, Hướng Hóa, Gio Linh, thành phố Đông Hà đã để dành từng mớ rau, trái bí, cân cà để quyên góp ủng hộ người dân vùng dịch.
Người dân Quảng Trị thu gom nông sản gửi tặng Sài Gòn. Ảnh: Facebook. |
Chị Nguyễn Thị Hạt (ngụ xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), người đã ủng hộ một con lợn nặng 1,2 tạ để các hội viên phụ nữ trên địa bàn chế biến muối sả thịt, đóng hộp gửi vào TP.HCM, cho biết: "Tôi chỉ mong người dân TP.HCM cố gắng, cùng nhân dân cả nước chung tay vượt qua đại dịch này".
Tính đến ngày 18/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị đã kêu gọi được hơn 55 tấn gạo, 145 tấn rau củ quả, 13 nghìn hũ muối đậu, ruốc sả, mắm và hàng trăm lít nước mắm, dầu ăn cùng nhiều loại thực phẩm khác như: trứng gà, cá khô, cá hộp, bánh tày, bún, phở, miến khô.... để gửi vào TP.HCM.
Bà Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, nói với Zing: "Trong đợt lũ lụt năm ngoái, hàng hóa cứu trợ các nơi đổ về miền Trung rất nhiều. Không ít chuyến hàng tiếp tế là từ TP.HCM. Vì vậy, khi nghe tin TP.HCM gặp khó do dịch bệnh, người dân đều sẵn sàng quyên góp, sẻ chia. Phía hội phụ nữ cũng như các tổ chức ban ngành khác đóng vai trò kết nối để vận chuyển hàng hóa, tấm lòng của người dân đến TP.HCM sớm nhất có thể".
Tại Quảng Ngãi, sáng 16/7, chuyến xe chở hơn 40 tấn hàng hóa gồm: gạo, rau củ, thịt cá… từ thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn cũng đã lên đường vào TP.HCM để tiếp tế người dân vùng dịch.
"Sài Gòn mau khỏe nha!"
Hình ảnh những chuyến xe hỗ trợ với các thông điệp như: "Hướng về Sài Gòn thân yêu; Sài Gòn ơi cố lên!", "Sài Gòn mau khỏe nha", "Bà con miền Tây tiếp sức TP.HCM chống dịch", "Rau củ tươi Đà Lạt gửi Sài Gòn thân yêu"... xuất hiện ngày một nhiều trên mạng xã hội.
Những kiện hàng được gói ghém cẩn thận là từng hủ ruốc dăm bông, muối lạc được bà con miền Trung làm dưới trời nóng 40 độ C hay là từng mớ rau được người Đà Lạt, Đắk Lắk thu hoạch tại vườn nhà.
Tất cả không chỉ là ân tình mà còn là lời khẳng định của người dân cả nước luôn bên cạnh TP.HCM trong giai đoạn khó khăn nhất.
Người Đà Lạt gom rau sạch, gửi tặng người dân TP.HCM. Ảnh: Việt Anh. |
Nhiều người ở TP.HCM cảm thấy ấm lòng hơn khi chứng kiến những hình ảnh, câu chuyện này.
Chị Minh Tuyền (33 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức) chia sẻ: "Là người con sống xa quê và đang phải ở trong vùng phong tỏa, tôi thật sự xúc động khi nhìn những hình ảnh này. Bà con nhiều vùng quê còn nghèo khó nhưng không ngại dang rộng vòng tay ôm ấp Sài Gòn ngay lúc này".
"Sài Gòn những ngày này buồn nhưng ấm lòng lắm. Đường phố vắng tanh, hàng quán nghỉ bán nhưng ngày nào cũng nhận được quà: quà từ bạn bè, đồng nghiệp và cả của bà con ở quê gửi vào. Thịt cá, mắm muối, bánh trái không thiếu thứ gì", Đình Hòa (27 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh) viết trên trang cá nhân.
"Chưa từng nghĩ Sài Gòn sẽ phải nhận những sự giúp đỡ này. Nhưng có lẽ yêu thương luôn được đáp lại bằng yêu thương. Hoạn nạn giúp ta thêm hiểu lòng nhau. Đôi khi khó khăn chỉ là thử thách để ta thêm mạnh mẽ. Người Sài Gòn có lẽ sẽ không bao giờ quên được những ân tình này", anh Hoài Nam (35 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bày tỏ.