Từ khi ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha‘apai “thức giấc” hôm 15/1, Seini Taumoepeau, nghệ sĩ người Australia gốc Tonga sinh sống tại Sydney, như ngồi trên đống lửa.
“Mỗi đêm tôi chỉ ngủ được tối đa 4 giờ”, cô chia sẻ.
Đây là cảm giác chung của cộng đồng người Tonga tại nước ngoài. Một số người, như Taumoepeau, thường xuyên theo dõi tin tức từ những người đồng hương và truyền thông trên khắp thế giới.
“Đêm đầu tiên, tôi cố ép bản thân phải ngủ. Nhưng điều này là không thể”, Taumoepeau nói với Guardian. “Do đó, tôi mở một chương trình phát thanh trực tuyến. Đây là những lời cầu nguyện từ New Zealand. Họ nói: ‘Chúng tôi sẽ cầu nguyện, chơi nhạc và chờ đợi’”.
Thảm họa không lường trước
Hôm 15/1, ngọn núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha‘apai - cách thủ đô Nuku’alofa của Tonga 65 km - bất ngờ hoạt động trở lại. Đây được coi là vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong 30 năm qua.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy một “đám mây hình nấm” lớn dâng lên cuồn cuộn trên Thái Bình Dương. Tại Vanuatu và Fiji, những nơi cách Tonga hơn 1.000 km, âm thanh của tiếng nổ cũng được người dân địa phương ghi nhận. Nhiều người còn lầm tưởng đây là vụ phun trào của núi lửa tại chính đất nước của họ.
Seini Taumoepeau vẫn chưa thể liên lạc với người thân tại Tonga. Ảnh: Guardian. |
Sau núi lửa, sóng thần xuất hiện. Các ngọn sóng cao đến 1,2 m tràn vào bờ biển Tonga. Các đoạn video được gửi từ hiện trường cho thấy nước biển cuộn xoáy xung quanh các tòa nhà, tràn qua đường phố, ập vào một nhà thờ với nhiều người bên trong.
Trong khi đó, bầu trời trở nên mù mịt. Tro bụi và cả các viên đá nhỏ rơi xuống xe cộ bên dưới. Hàng dài xe cộ rồng rắn rời khỏi Nuku’alofa, khi mọi người muốn tìm nơi tránh trú ở những địa điểm cao hơn.
Đây là những thông tin cuối cùng được gửi đi từ Tonga. Đường dây cáp ngầm dưới biển nối Tonga với thế giới bị cắt, khiến việc liên lạc với quốc đảo này gần như không thể thực hiện.
Đối với 80.000 người Tonga tại New Zealand và 15.000 người Tonga tại Australia, việc không thể nhận được tin tức từ quê hương là điều đau khổ.
“Chúng tôi không nghe được tin tức gì cả”, Taumoepeau nói. Cô lo lắng cho người chú của mình. Ông bị liệt và phải ngồi xe lăn.
“Ông ấy là một người quan trọng, đây là điều may mắn”, cô đề cập đến xã hội phân tầng thứ bậc một cách rõ rệt tại Tonga. “Ông ấy là thủ lĩnh. Do đó, mọi người cảm thấy có nghĩa vụ giúp đỡ ông, kể cả trong trận sóng thần. Đây là nghĩa vụ về mặt văn hóa”.
Tuy vậy, Taumoepeau vẫn không thể yên lòng khi chưa có thông tin gì về chú mình.
“Chúng tôi không thể liên lạc với ông ấy”, Taumoepeau nói. “Tôi vốn liên lạc với ông hàng ngày qua Messenger. Cha mẹ đẻ tôi đã mất, nên ông ấy là cha mẹ của tôi”.
Tín hiệu lạc quan ban đầu
Các báo cáo ban đầu cho thấy tình hình tại Tonga vẫn tương đối khả quan. Hôm 16/1, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết bà chưa được thông báo về trường hợp tử vong nào do sóng thần.
Nghị sĩ người New Zealand Jenny Salesa cũng thông báo không có người tử vong ở đảo chính trong nhóm đảo Ha’apai - nơi núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha‘apai tọa lạc. Bà đã có thể liên lạc với một nhóm mục sư Tin lành trên đảo.
Sóng thần tràn vào Tonga sau vụ phun trào núi lửa. Ảnh: Guardian. |
Khi thông tin trên được bà Salesa đăng tải trên trang Twitter cá nhân, những người có gia đình ở Ha’apai vui mừng khôn xiết. Tuy vậy, không phải ai cũng có may mắn này. Bà Salesa cho biết đường truyền Internet vẫn chưa được khôi phục ở các đảo khác.
“Đây là điều đau buồn đối với nhiều gia đình. Chúng ta đã có tin tốt từ Ha’apai - ít nhất không có ai thương vong ở đảo chính. Tuy vậy, chúng ta vẫn phải chờ xem tác động của sóng thần lên các khu vực ven biển và hòn đảo chính là thế nào”, bà chia sẻ với Guardian.
“Ở đây, có hàng nghìn người đang chờ thông tin để biết gia đình mình vẫn ổn”, bà Salesa đề cập đến cộng đồng người Tonga đông đảo tại thành phố Auckland, New Zealand. “Chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng rằng không có quá nhiều người thiệt mạng hoặc bị trôi ra biển”.
Bà cũng cho biết tro bụi bao phủ thành lớp dày tại nhiều khu vực của Ha’apai. Nhiều người lo ngại nguồn nước có thể bị ô nhiễm.
Theo cô Taumoepeau, khi đường truyền Internet tới Tonga vẫn chưa được phục hồi, cộng đồng người Tonga tại nước ngoài trở thành những “người phát ngôn” về cuộc khủng hoảng. Họ cảm thấy trách nhiệm giúp cộng đồng quốc tế biết nhiều hơn và lo lắng cho những người dân ở quốc đảo giữa Thái Bình Dương này.
“Tôi nhận thức điều này, bắt tay vào việc và vẫn chưa dừng lại”, cô chia sẻ. “Khi không thể liên lạc với đất nước, trách nhiệm thuộc về những người Tonga sinh sống ở những nơi có thể tiếp cận với truyền thông. Một số cá nhân đã trở thành các nguồn tin. Trang Facebook của tôi cũng trở thành một nguồn tin”.
Tuy vậy, cô cũng hiểu công việc vẫn còn rất nhiều. Khi thảm họa đi qua, người Tonga sẽ cần nhiều nguồn lực để xây dựng lại đất nước.
“Tôi đã làm việc không ngừng nghỉ, nhưng những gì tôi làm mới chỉ là ở nhà, ở trên mạng xã hội. Chưa kế hoạch nào của tôi - hay của những người Tonga tôi đã trò chuyện cùng - có ý nghĩa trên thực địa”, Taumoepeau nói.