Ngày 12/11, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh bia, trong đó nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về quy định dán tem mặt hàng này.
Nguy cơ lãng phí và tem giả
Theo ông Trần Đình Thanh, Phó tổng giám đốc công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco), về mặt kỹ thuật, việc dán tem bia sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì phải đầu tư thêm máy móc, trong khi việc cung cấp thiết bị ở lĩnh vực này khá hạn chế. “Hiện có rất ít hãng sản xuất thiết bị dán tem trên chai bia, do trên thế giới chỉ có 3-4 nước áp dụng dán tem mặt hàng này như Albani, Thổ Nhĩ Kỳ…”, ông Thanh nêu thực tế.
Có cần dán tem bia? |
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty Luật S&B, cho biết theo quy định hiện hành, trên nhãn hàng hóa đã khá đủ thông tin về sản phẩm. Do đó, không nên đưa ra thêm quy định về dán tem đối với bia. Ông Hà dẫn chứng việc dán tem cho mũ bảo hiểm, thuốc lá… đến nay vẫn chưa đánh giá được hiệu quả, nên việc dán tem bia sẽ làm tăng chi phí không cần thiết.
Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng đặt vấn đề: “Dán tem nhưng quản lý tem có nổi không? Nếu kìm hãm bia trong nước thì bia các nước ồ ạt đổ vào Việt Nam, khi đó sẽ phải xử lý ra sao?”.
Cần đánh giá kỹ
Ông Huỳnh Vương Nam, Trưởng Phòng Thuế giá trị gia tăng - Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho biết tuy đã ủng hộ việc dán tem bia, nhưng sau khi rà soát, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công thương làm rõ thêm yếu tố công nghệ khi thực hiện chủ trương này. Đồng thời, cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, VBA để đánh giá tác động của việc dán tem bia.
“Chi phí dán tem chưa biết thuộc về doanh nghiệp hay nhà nước. Tuy nhiên, thuộc về ai cũng phải tốn một khoản chi phí, và đứng dưới góc độ quản lý nhà nước thì sẽ mất một phần ngân sách”, ông Nam phân tích. Theo ông, dán tem bia sẽ gây tốn kém thêm mỗi năm từ 1.500-2.000 tỷ đồng, nên mức độ ảnh hưởng của nó đến thu ngân sách và người tiêu dùng cần được đánh giá kỹ.
Ông Trần Đình Thanh cho biết, việc dán tem bia sẽ làm tăng chi phí sản xuất thêm 600-700 đồng/chai. “Cạnh tranh ở thị trường bia Việt Nam hiện rất khốc liệt. Dán tem sẽ làm tăng giá thành bia. Do đó, nếu phải áp dụng dán tem thì sẽ rơi vào 2 trường hợp: Doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận dẫn đến thu ngân sách giảm, hoặc phải tăng giá sản phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng”, ông Thanh lo ngại.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết nếu dán tem thì riêng nhãn hiệu bia Sài Gòn sẽ phải tốn thêm 920 tỷ đồng/năm, tương đương trung bình 696 đồng/lít. “Chi phí tăng thêm sẽ ném vào người tiêu dùng khiến chỉ số giá tăng và doanh nghiệp chật vật hơn trong kinh doanh”, ông Tuất nhận định.
Quyết thực hiện
Là người trực tiếp phụ trách soạn dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất kinh doanh bia, ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), cho rằng việc xây dựng dự thảo nghị định là dựa trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực quản lý của nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”.
Theo ông, không có doanh nghiệp nào muốn tăng chi phí và chịu sự giám sát hoạt động. “Hiện đã hoàn thiện đến bước xây dựng hồ sơ mời đối tác trong và ngoài nước cung cấp trang thiết bị dán tem bia. Hồ sơ này có đầy đủ quy định về kỹ thuật, thẩm mỹ, giải pháp… Đây là công cụ của quản lý nhà nước. Bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nên nguy cơ trốn thuế cao, hàng giả, hàng nhái nhiều, dán tem là cần thiết. Hiện chúng tôi đã báo cáo và chờ Thủ tướng có ý kiến”, ông Thắng cho biết.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp sẽ chết?
Về đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên từ 60%-80% đối với bia (hiện nay là 50%), ông Phan Đăng Tuất cho rằng, doanh nghiệp sẽ chết hết. Còn theo ông Trần Đình Thanh, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến các hãng bia tìm cách tăng giá bán. Nếu người tiêu dùng không chấp nhận thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh, giảm thu ngân sách.
Về quản lý nhà nước, ông Huỳnh Vương Nam phân tích, tăng thuế thì tốc độ tăng trưởng của ngành chỉ giảm nhẹ, doanh nghiệp giảm một ít lãi và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.