Những cơn bão liên tiếp khiến hàng nghìn người dân ở các làng chài ven biển Quảng Ngãi buộc phải sơ tán ra khỏi vùng bị triều cường xâm thực để tránh nguy hiểm trước cơn bão số 13. Trong ảnh là làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi bị triều cường xâm thực vào sát khu dân cư sau cơn bão số 9. |
Chiều 14/11, ảnh hưởng cơn bão số 13, biển động dữ dội khiến những cột sóng cao từ 4 đến 6 m liên tiếp ập vào sát nhà dân ở làng chài An Cường, xã Bình Hải. |
Lo sợ sóng lớn đánh sập nhà, ông Nguyễn Thanh Việt (ngụ thôn An Cường, xã Bình Hải) dùng hàng trăm mét dây thừng cỡ lớn chằng, buộc chặt mái nhà. "Trong cơn bão số 9 vừa qua, sóng biển cao phủ qua cả mái nhà, gây ngập sâu làng chài nơi đây. Giờ nghe cơn bão số 13 sắp đổ bộ với cường độ mạnh, chúng tôi phát run, lo sợ triều cường, sóng cuốn trôi nhà cửa ra biển", ông Việt lo lắng. |
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Bình (ngụ thôn An Cường, xã Bình Hải) dùng bao cát, đá hộc làm bờ kè trước nhà để ngăn triều cường. Ông Bình cho rằng triều cường trong bão số 9 tràn vào khiến ngôi nhà đã bị ngấm nhiều nước, giờ bão số 13 ập tới, ai cũng lo nhà cửa khó chịu đựng nổi. |
13h ngày 14/11, vùng biển ở làng chài An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, xuất hiện những cột sóng cao 4-6 m. |
Bà Nguyễn Thị Năm ngồi thẫn thờ trên ngôi nhà đổ nát do triều cường dâng cao trong bão số 9 giật sập. "Mất nhà cửa, đến di ảnh của chồng trên bàn thờ cũng bị sóng biển cuốn đi mất. Những ngày qua, tôi và các con phải đến sống nhờ nhà người thân ở làng chài bên cạnh. Tôi lo nhất là sóng lớn trong bão số 13 tiếp tục lấn sâu vào làng chài, xóa sổ luôn mảnh đất còn lại của gia đình", bà Năm lo lắng. |
Triều cường dâng cao trong bão số 9 giật sập hoàn toàn ba nhà dân ở làng chài An Cường và làm hư hỏng một số ngôi nhà khác. Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, cho biết thêm sau cơn bão số 9, triều cường xâm thực sâu vào bờ thêm 4-5 m gây nguy hiểm cho hơn 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu nơi đây. |
Theo ông Thính, trước cơn bão số 13, địa phương tổ chức sơ tán hơn 100 hộ dân nơi đây đến vùng cao an toàn. "Về lâu dài, chúng tôi sẽ kiến nghị huyện, tỉnh xem xét bố trí nguồn kinh phí xây bờ kè chống sạt lở hoặc di dời, tái định cư để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân làng chài nơi đây", ông Thính thông tin. |