South China Morning Post đưa tin Guo Xingping - Giám đốc Viện Khoa học Sinh sản tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) - đề xuất chính phủ cải tiến phương pháp khuyến khích sinh nở.
Theo đó, các địa phương cần tạo dựng "môi trường mai mối lành mạnh, động viên phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi - thời điểm tốt nhất để mang thai - sớm kết hôn, sinh con".
Kiến nghị trên xuất phát từ mối lo ngại sâu sắc của chính phủ Trung Quốc trước tình trạng già hóa dân số, suy giảm tỷ lệ sinh như hiện tại. Năm 2019, nước này ghi nhận 14,65 triệu trẻ sơ sinh - con số thấp nhất kể từ năm 1961.
Để giải quyết mối lo khủng hoảng già hóa dân số, chính phủ Trung Quốc thay đổi chính sách một con thành 2 con. Ảnh: Washington Post. |
Theo Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dân số xứ tỷ dân có thể giảm mạnh sau năm 2027. Đứng trước nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu, nhiều nhà lập pháp cho rằng phương án hiệu quả nhất là kích cầu sinh nở.
Kể từ năm 2016, chính sách một con ở Trung Quốc được chuyển thành 2 con. Do đó, các cặp vợ chồng có thể sinh tối đa 2 đứa trẻ để chăm sóc, nuôi dạy.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, mức sinh hoạt ngày càng cao và áp lực việc làm... là những nguyên nhân khiến không ít cặp vợ chồng trẻ xứ tỷ dân quyết định không sinh con.
Liang Zhongtang, chuyên gia nhân khẩu học từng công tác tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết các chính sách khuyến khích sinh đẻ hiện hành chỉ gây ra làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng.
"Dù là hạn chế hay động viên, các chính sách liên quan tới sinh nở có thể được coi là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của công dân. Các gia đình nên có quyền tự quyết định chuyện con cái của mình", ông Liang nhận định.
Áp lực tài chính khiến ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc ngại kết hôn, sinh con. Ảnh: Quarzt. |
Alan Zhang, chuyên gia từ tổ chức quyền phụ nữ Advocates for Diverse Family Network, cho biết định kiến xã hội khiến người trẻ e ngại lập gia đình.
"Người trẻ cảm thấy áp lực vì nghĩ rằng mình không đủ khả năng gây dựng gia đình. Theo quan niệm xã hội, họ được kỳ vọng sở hữu nhà đất, xe sang, có công việc ổn định và thành danh trước khi kết hôn", Zhang nói.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đề xuất hỗ trợ tiền bạc, nhà ở và tạo điều kiện công việc cho các cặp vợ chồng trẻ sinh con. Nhưng theo Zhang, những biện pháp trên không bù đắp được chi phí kết hôn, sinh con cao ngất ngưởng trong xã hội.
"Tôi có cảm giác chính phủ đang ép buộc công dân sớm kết hôn, sớm có con. Nếu đề xuất trên được thông qua, nó có thể phản tác dụng. Kết quả là ngày càng ít người muốn sinh con hơn", Zhang nhận định.