Có trong tay thương hiệu vàng nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam với khối tài sản mà nhiều người mơ ước, vị tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu vẫn chưa một ngày dừng trăn trở và sáng tạo. Trò chuyện với ông mới thấy, thứ mà ông theo đuổi bấy lâu nay, dường như không phải là tiền bạc mà chính là văn hóa.
Tổng giám đốc Vũ Minh Châu. |
“Nam như thầy giáo, nữ như cô giáo”
Đến thăm Bảo Tín Minh Châu, sẽ thấy ngay 14 lời huấn thị và Định hướng văn hóa công ty của Tổng giám đốc Vũ Minh Châu được in trang trọng treo trên tường. Trong đó, mỗi vị trí đều được ông đặt ra quy định khác nhau, từ nhân viên bán hàng, nhân viên văn thư tới người bảo vệ…Những lời huấn thị này dễ thuộc, dễ đọc nhưng cũng phần nào khẳng định, ông chủ của công ty là người vô cùng nghiêm khắc và tỉ mỉ.
Trò chuyện về điều này, Tổng giám đốc Vũ Minh Châu không ngại thừa nhận: “Lỗi lớn nhất của tôi có lẽ là sự cầu toàn. Tôi luôn mong muốn trở thành người Việt Nam tinh tế nhất nên đòi hỏi cộng sự làm cạnh mình cũng phải để ý tới từng chi tiết nhỏ nhất. Có lẽ vì cầu toàn mà nhiều người nghĩ tôi nghiêm khắc với nhân viên.
Song tôi nghiêm khắc cũng là vì muốn rèn cho nhân viên tính cẩn thận trong công việc, đề cao tinh thần làm việc tập thể, làm việc nhóm để hiệu quả công việc được cao nhất có thể”.
Không chỉ đòi hỏi cao về đạo đức, chuyên môn, doanh nhân văn hóa Vũ Minh Châu còn chăm chút về cách ăn mặc, trang điểm. Nhân viên của ông không được mặc quần bò, quần bó sát, cạp trễ, tóc nhuộm hay uốn sấy…
Quy định này khiến nhiều cô gái hoảng hốt khi lần đầu tới công ty xin việc, nhưng với ông thì đó là chuyện đương nhiên bởi: “Những gì tôi đề ra đều tuân theo cơ sở triết học và mỹ học.
Người Việt da màu vàng, nên để tóc đen, thẳng là hợp lý nhất. Màu đen của tóc sẽ làm nổi bật màu vàng của da, giúp gương mặt sáng hơn (đó là một cơ sở của mỹ học). Nhân viên của tôi cũng phải tinh tế, mực thước trong cách ăn mặc. “Nam như thầy giáo, nữ như cô giáo” – đó mới là con người của Bảo Tín Minh Châu”.
Tuy nghiêm khắc với nhân viên, nhưng ông chủ Bảo Tín Minh Châu cũng không kém phần yêu thương họ. Mỗi lần đi công tác hay làm từ thiện về, ông đều tặng quà cho từng người, thậm chí cho cả người thân của cấp dưới. Việc nhân viên Bảo Tín Minh Châu được tặng áo, quần, hay giày dép, thực phẩm… đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”. Họ vừa kính nể vừa gắn bó và trân trọng vị Tổng giám đốc giàu lòng nhân ái của mình.
Thức đến 3 giờ đêm để viết thơ, viết luận
Ngoài thời gian dành cho nghiệp kinh doanh vàng, ông Vũ Minh Châu còn chia sẻ mình trong những đam mê khác nhau: làm từ thiện, làm thuốc Đông y, làm thơ và chụp ảnh… “Dường như chưa bao giờ Tổng Giám đốc nghỉ ngơi. Anh ấy luôn say mê sáng tạo, tìm tòi và khám phá” – một nhân viên của Bảo Tín Minh Châu chia sẻ.
Với vị Doanh nhân văn hóa này, một cuộc sống đúng nghĩa phải đầy đủ ba yếu tố Kinh tế - Văn hóa - Sức khỏe. “Tôi đã có những “viên gạch lát đường” cho cuộc đời là tiền kiếm được từ kinh doanh vàng nhưng tôi hiểu được rằng, nếu chỉ có tiền như vậy thì tôi sẽ là một doanh nhân hạn chế. Tôi thường bồi bổ văn hóa cho mình bằng cách sống gần gũi với giới văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo, tôi thích sống lẫn vào với họ. Cuộc sống của những người có văn hóa giàu có và đáng trân trọng lắm”.
Sau giờ làm việc, vị tổng giám đốc đặc biệt này chọn cách sống yên tĩnh. Ông thường thức tới 2, 3 giờ đêm để nghiên cứu, tìm hiểu sách vở, tài liệu về thuốc hay xem những thước phim quảng cáo để học tập, ứng dụng. Những gì ông viết ra thành “Luận” đều là thành quả của một quá trình trải nghiệm và tư duy sâu sắc.
Ông viết trong tập Luận của mình: “Giàu quá hóa nghèo. Người thông minh là người biết làm giàu đến mức cần thiết”.
Với ông, “Những người nhiều tiền, nhiều của để trong nhà hoặc để ngân hàng là nghèo. Vì theo tôi, tiền tiêu đi mới là tiền của mình, tiền trong két vẫn là tiền của người khác. Tiền phải biến thành giá trị cuộc sống của bản thân, của gia đình và giúp đỡ, chia sẻ với cộng đồng, xã hội. Người biết tiêu tiền một cách thông minh và có ích cho gia đình và xã hội mới là người giàu. Còn tiền chỉ để cất, để tích, không mang lại giá trị cuộc sống thì vẫn là nghèo”.
Là người lãng mạn và ngọt ngào, ông cũng từng viết những dòng thơ ngọt ngào tặng vợ:
“Vợ anh
Vợ anh chẳng đẹp như hoa
Nhưng mà chăm chỉ, nết na dịu dàng.
Vì chồng nàng biết làm sang
Vui lòng hết thảy họ hàng đôi bên.
Yêu chồng nàng biết giữ bền
Lửa thiêng hạnh phúc ấm êm cửa nhà.
Mỗi khi có việc đi xa.
Chỉ mong sớm được về nhà cùng em”.
Ngoài Thơ và luận, Tổng giám đốc Vũ Minh Châu còn thể hiện niềm đam mê của mình trong nghệ thuật nhiếp ảnh với nhiều giải thưởng khác nhau. Ông không quản ngại lên những vùng núi cao như Mộc Châu, Hà Giang, Yên Bái… để giữ lại những khoảnh khắc giản dị, đời thường.
Trong những tác phẩm của ông, vẻ đẹp của sự lao động, của những giá trị truyền thống luôn hiện hữu. Một cụ bà đang nhổ sắn, một người phụ nữ bẻ ngô đều có thể làm ông rung động…
“Chớp được khoảnh khắc niềm vui, sự rạng rỡ thể hiện trên nét mặt của các cụ già với những thành quả lao động của mình khiến tôi vui lắm, tôi muốn lan tỏa niềm vui đó cho mọi người qua những bức ảnh của tôi”.
Đàn ông thông minh không bao giờ lấy phụ nữ thành đạt
Yêu thương và trân trọng phụ nữ, nhưng với ông Vũ Minh Châu lại có những quan điểm rất đặc biệt về họ. Ông viết trong tập Luận của mình: “Chăm, hiền là những đức tính quý báu nhất của người vợ. Phụ nữ đẹp thường không chăm, phụ nữ thông minh thường không hiền”; “Thiên nga mà tắm thương trường cũng trở thành gà chọi”...
Ông thẳng thắn cho rằng: “Tôi nghĩ phụ nữ không nên thành đạt mà chỉ nên là người dịu dàng và tinh tế. Là đàn ông thành đạt, tôi biết một điều rằng, một người đàn ông thông minh sẽ chẳng bao giờ lấy người phụ nữ thành đạt làm vợ”.
Tổng giám đốc Bảo Tín Minh Châu cũng không ủng hộ phụ nữ bước vào thương trường, bởi: “Sau một thời gian kinh doanh, những nét nữ tính của họ đều biến mất”.
Với ông, phụ nữ phải đẹp Chân phương – Thánh thiện – Con nhà lành – Dịu dàng – Nữ tính và Thông minh. Riêng về phong cách ăn mặc nhất định là phải theo “gu”: “Âu ra Âu mà Á thì phải ra Á”.
Có lẽ vị giám đốc của Bảo Tín Minh Châu là một trong những doanh nhân đặc biệt nhất đất Bắc. Một người ngày ngày sống giữa vàng bạc, nhưng luôn trăn trở tư duy về văn hóa, yêu thương những thứ giản dị, đời thường. Một người tôn vinh sự tinh tế, hoàn hảo của Tây phương nhưng lại luôn khát khao bảo vệ cốt cách, tâm hồn Việt. Sau 25 năm lăn lộn trên thương trường, ông vẫn luôn sống mãnh liệt, đam mê và đầy trăn trở, khao khát…