Dân nuôi hàu đứng ngồi không yên
Ông Phạm Bính (thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô) đang tất bật vệ sinh gần 3 ngàn chiếc lốp xe, kết thành từng chuỗi chuẩn bị cho vụ thả nuôi hàu diễn ra trong gần 8 tháng tới trên khu vực đầm Lập An. Với giá bán 10 ngàn đồng/kg (hàu chưa bóc vỏ), nếu được mùa, ông Bính thu hoạch gần 20 tấn hàu, lãi hơn 40 triệu đồng.
“Trước đây, người dân dùng cọc gỗ đóng xuống đầm, hàu sẽ bám vào cọc, theo con nước sẽ lớn dần. Cách nuôi truyền thống này chi phí đầu tư rất lớn, độ bền cọc gỗ thấp, thu hoạch mất thời gian. Gần 10 năm trở lại đây, dân sáng kiến chuyển sang sử dụng những chiếc lốp xe cũ, kết từng chuỗi dài giăng cách mặt nước chừng 30 cm để nuôi hàu. Lốp xe có độ bền từ 6-8 năm, khi thu hoạch kéo từng chuỗi lên bờ, rồi gỡ hàu ra, rất nhanh và thuận tiện”, ông Bính cho biết.
Nét mặt ông Bính trở nên lo âu trước thông tin “hàu bám lốp xe” gây ung thư đang được lan truyền những ngày qua.
“Người ta đồn ăn hàu Lăng Cô bị ung thư rầm ran trên mạng. Những người lan tin ăn hàu làm sao bằng tui được. Làm ra ngày mô cũng ăn, tính ra tui ăn hàu mười năm nay rồi mà có bị nhiễm độc, có chết hay bị ung thư gì đâu. Tui không biết thực hư ra sao, nhưng phía chính quyền, nhà chuyên môn lâu nay không đả đụng gì đến chuyện ung thư và cũng không cấm nuôi”, ông Bính nói.
Lốp cao su cũ được người dân kết từng chuỗi rồi thả xuống đầm Lập An. |
Đang bóc hàu để bán bên mẹp nước, bà Hậu (thôn Lập An) rất niềm nở khi những người khách nước ngoài chụp ảnh, nhưng lại tỏ ra bực tức và từ chối PV.
“Mấy người chụp ảnh rồi đưa lên mạng, ung thư ung nhọt ai mà chấp nhận được. Hàu người ta nuôi bán nhà hàng, nhập đi Đà Nẵng, vô tới tận Sài Gòn. Tui hỏi có ai ăn hàu Lăng Cô mà bị ung thư chưa, chết chưa? Có giấy tờ chi đưa ra chứng minh đi, tui dẹp bỏ làm hàu ngay lập tức”, bà Hậu bực tức nói.
Cần sớm làm rõ
Trao đổi với PV Lao Động, TS. Hoàng Thái Long, Trưởng Khoa hóa, Trường ĐHKH Huế, cho biết, trên thế giới, người ta đã tận dụng lốp cao su như là một giải pháp trong nuôi hàu, nuôi sò rất nhiều.
“Tôi được biết là họ đã nghiên cứu, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, cụ thể các chất từ lốp cao su gây hại sức khỏe con người và môi trường đến mức độ nào thì chưa được khẳng định”, TS. Long nói.
Theo TS. Long, việc xác định chất gì nhả ra từ lốp cao su cũng rất khó bởi lốp cao su có rất nhiều loại. Có loại ngâm lâu trong nước nhả ra một số chất hữu cơ gây nguy hiểm cho con người, nhưng chỉ khi ở nồng độ cao. Còn ở môi trường nước tự nhiên, các chất nhả ra từ lốp cao su diễn ra từ từ và được tiến hành trao đổi trong nước.
“Do đó, để xác định các chất nhả ra từ lốp cao su được sử dụng trong nuôi hàu có gây hại sức khỏe con người đến mức đáng sợ hay không thì các nhà chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng và có căn cứ chứ không thể nói theo đám đông, nói một cách cảm tính rồi cấm là không được vì đây là câu chuyện liên quan đến hàng ngàn lao động”, TS. Long cho hay.
Hàu bám vào lốp và sẽ cho thu hoạch sau 8 tháng thả nuôi. |
TS. Nguyễn Văn Dân, Trưởng khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm Huế, cho rằng việc xác định hàu nuôi bằng lốp cao su có gây ung thư hay không là không khó.
“Chỉ cần phân tích thịt hàu Lăng Cô xem trong đó có chất nào gây bệnh ung thư không. Sau đó, đối chứng với hàu nuôi ở vùng khác mới kết luận được. Cá nhân tôi cho rằng ăn hàu nếu có gây ung thư cũng chưa chắc nguyên nhân xuất phát từ lốp xe, bởi lốp chỉ là vật gá và đặc tính của loài này là ăn lỏng, nếu môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, động vật phù du, tảo nhiễm kim loại nặng cũng sẽ tích lũy trong hàu”, ông Dân nói.
Ông Đặng Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, cho biết, phía chính quyền địa phương lẫn người dân hết sức lo lắng.
Theo ông Sơn, việc nêu vấn đề nhưng không có dữ liệu khoa học, bằng chứng gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và ảnh hưởng đến thu nhập của trên 320 hộ dân ở Lăng Cô nhiều năm sống dựa vào nghề nuôi hàu thương phẩm.