Zing trích dịch bài đăng Quartz India, đề cập đến những khó khăn của người Ấn Độ nhập cư Mỹ phải đối mặt khi không có thẻ xanh hoặc thời hạn visa ngắn ngủi.
Năm 2006, Amey lần đầu tới Mỹ để theo học Đại học Carnegie Mellon. Hiện anh và vợ cùng làm việc cho một trong những tập đoàn công nghệ sinh học hàng đầu thế giới. Thị thực của họ là H-1B, loại visa không nhập cư dành cho người nước ngoài sống và lao động tại Mỹ.
Một trong những sếp cũ của Amey từng nộp đơn cấp thẻ xanh cho anh vào năm 2011. Tuy nhiên, Amey vẫn chưa nhận được thông báo nào sau gần một thập kỷ.
Tính đến năm 2015, có hơn 2,3 triệu người Ấn Độ đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. |
“Chúng tôi kiên nhẫn đợi chờ chiếc thẻ xanh 9 năm rồi. Chắc chúng tôi phải đợi thêm 10 năm nữa mất”, anh nói.
Trong thập kỷ qua, Amey làm việc cho một công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ. Anh giúp họ tạo nên những sản phẩm đạt giải thưởng và huy động hàng triệu USD đầu tư cho công ty.
Hai vợ chồng cũng mở một cửa hàng nhỏ ở vùng ngoại ô Philadelphia với khoảng 15 nhân viên. Hiện họ sống tại Los Angeles với con trai 2 tuổi và một chú chó goldendoodle.
Giấc mơ của người nhập cư
Vào đầu những năm 2000, thẻ xanh là niềm mơ ước lớn lao của hàng triệu người Ấn Độ tới Mỹ bằng visa loại H-1B. Nó sẽ đảm bảo sự an toàn và tự do cho họ.
Tuy nhiên, cơ hội sở hữu một thẻ xanh là rất khó. Từ những y bác sĩ làm việc ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, cho tới nhân viên sáng giá của các tập đoàn công nghệ như Google và Netflix, họ vẫn đang chờ đợi tới lượt nhận loại thẻ quyền lực này.
Trong số 1 triệu thẻ xanh được phát ra hàng năm, chỉ khoảng 140.000 cái dành cho những cá nhân có kỹ năng làm việc tốt. Số còn lại ưu tiên dành cho các thành viên trong gia đình. Do vậy, những người như Amey khó có thể nhận được visa dưới dạng lao động kỹ thuật cao.
Mỹ quá tải lượng đơn xin cấp thẻ xanh. Ảnh: Getty Images. |
Theo báo cáo của David Bier, một nhà phân tích chính sách nhập cư của Viện Cato, tính đến đầu năm 2030, lượng kiến nghị xin thẻ xanh Mỹ còn tồn đọng sẽ vượt quá con số 2,4 triệu.
Một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ước tính sẽ mất khoảng 195 năm để giải quyết số hồ sơ xin cấp thẻ xanh của người Ấn Độ, theo The Hindu.
“Cái chính là hệ thống H-1B đã cũ và có nhiều lỗ hổng, nhưng lại trở thành thứ quan trọng cho những người nước ngoài tài năng muốn ở lại Mỹ làm việc” Ran Harnevo, CEO của mạng lưới người nước ngoài Homeis, cho biết.
“Rất nhiều cá nhân ưu tú bị phụ thuộc vào thời hạn ngắn ngủi của visa. Cơ hội nhận được loại thị thực cao hơn hoặc một thẻ xanh cũng vô cùng mong manh”, ông nói thêm.
Năm 2008, Dhaval từ Ấn Độ tới Mỹ để theo học bằng tiến sĩ ngành khoa học máy tính. Anh nghĩ rằng cuộc đời sẽ đơn giản hơn nhiều một khi anh hoàn thành xong chương trình đào tạo tiến sĩ.
Tuy nhiên, trong suốt 4 năm, tên của anh không nằm trong danh sách quay số ngẫu nhiên để xét visa H-1B.
Không ít nhân viên Ấn Độ sáng giá bị kìm hãm phát triển vì vấn đề thị thực và thẻ xanh. Ảnh: Quartz India. |
Chương trình cấp thị thực H-1B cho phép các doanh nghiệp Mỹ bảo lãnh cho những lao động nước ngoài làm công việc chuyên môn đến Mỹ để làm việc. Tổng cộng có 85.000 hồ sơ được chọn mỗi năm qua hình thức chọn ngẫu nhiên được làm bởi máy tính, hay còn gọi là “quay số visa”.
“Ngay cả khi ở trình độ học vấn cao nhất có thể, tôi phải đấu tranh không ngừng nghỉ suốt 5 năm chỉ để xin thị thực nhập cư làm việc. Thời gian để làm thẻ xanh cũng chẳng còn mấy nữa”, Dhaval kể lại.
Sau đó, anh nhận được visa H-1B. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì công ty anh làm việc bất ngờ thông báo ngừng tài trợ thẻ xanh do Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi chính sách nhập cư.
Lập trường chống dân nhập cư cứng rắn của Nhà Trắng gây không ít rắc rối. Trong một lần đi du lịch nước ngoài trở về, visa của Amey bị giữ lại để xem xét vì một lý do không rõ ràng, khiến anh mất thêm 40 ngày ở quốc gia khác và đợi chờ nhập cảnh Mỹ.
Những người nhập cư Ấn Độ chỉ khao khát sự tự do tại Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Những người như Dhaval và Amey chỉ có duy nhất một mục đích khao khát thẻ xanh: Sự tự do. Họ muốn được tự do đi du lịch, thành lập công ty hoặc thay đổi lĩnh vực và công ty làm việc. Nhưng một số người đã “chán ngấy” sau khi phải chờ đợi quá nhiều năm.
Canada là một trong số những quốc gia dễ dàng hơn Mỹ trong việc nhập cư. Theo Viện Cato, số lao động Ấn Độ tại Mỹ chuyển sang xin thẻ xanh Canada tăng gấp đôi kể từ năm 2016. Tốc độ xét duyệt ở quốc gia này cũng nhanh hơn, như trường hợp của Dhaval chỉ mất chưa đầy một năm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn giải pháp dễ dàng như vậy. Anuja, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ngành hóa sinh sống tại Dallas, vẫn hy vọng nhận được thẻ xanh Mỹ bởi lĩnh vực cô nghiên cứu không có tại quê nhà Ấn Độ.
“Nếu tôi mất việc hôm nay, điều đó có nghĩa tôi phải trở về Ấn Độ dù đã dành hết thanh xuân cống hiến cho nước Mỹ và là công dân mẫu mực tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ. Ấy là tôi chưa kể đến những vấn đề visa ở Ấn Độ khi có con là công dân Mỹ”, cô nói.