Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân Mỹ hoảng vì sự hoành hành của cá chép châu Á

Giới chức Mỹ đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự hoành hành của loài cá chép châu Á trong hệ thống sông, hồ và kênh rạch trọng yếu.

Nhiều người Mỹ coi cá chép là loài quái vật, cơ thể chúng có thể đạt chiều dài tới hơn 100 cm. Chúng sẽ ồ ạt lao khỏi mặt nước khi mỗi khi nghe thấy tiếng động cơ thuyền. Nhiều lúc hàng chục con cá cùng lao vọt lên, Telegraph đưa tin.

Cá chép ồ ạt lao khỏi mặt nước. Ảnh: AP.

Liên đoàn Động vật hoang dã quốc gia, tổ chức bảo tồn lớn nhất của Mỹ, cảnh báo: “Những con cá chép châu Á lao vào thuyền, khiến những con sông trở nên quá nguy hiểm đối với người dân”. 

Để phòng ngừa cuộc tấn công của loài cá chép châu Á, Trạm Khảo sát lịch sử tự nhiên Illinois bọc lưới xung quanh bánh lái và hệ thống điều khiển của các tàu nghiên cứu.

Ông Kevin Irons, chuyên gia của trạm, cho biết: “Chúng tôi làm vậy vì đây là công việc nguy hiểm nhất. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn những con cá lao vào trạm khảo sát hoặc phi trúng ai đó”.

Michael Beecham, một nhà hoạt động môi trường, phát biểu trong cuộc họp với quân đội Mỹ về lần chạm trán với loài cá chép châu Á: “Tôi xuống sông và những con cá lao vào mặt tôi. Chúng là kẻ thù lớn đối với các loài sinh vật sống trong môi trường tự nhiên của chúng ta”.

Người Mỹ đưa cá chép châu Á vào những ao, đầm ở miền nam trong những năm 70. Họ dùng cá chép để làm sạch ao nuôi cá tra, giúp chúng khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, sáng kiến “xanh” này trở nên phản tác dụng khi cá chép thoát ra ngoài môi trường, đe dọa cuộc sống của các sinh vật thủy sinh địa phương.

Theo các nhà nghiên cứu, cá chép châu Á ngốn tới 1/5 lượng sinh vật phù du trong 5 hồ lớn nhất nước Mỹ. Người ta lo ngại chúng có thể đe dọa ngành công nghiệp đánh cá và du lịch trị giá 4 tỷ USD/năm ở 5 hồ này.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của cá chép, người Mỹ đã dựng rào cản nhằm tách sông Mississippi và 5 hồ lớn. Hệ thống rào điện ngăn cá chép châu Á di cư từ nơi này tới nơi khác. Tuy nhiên, chính quyền Chicago đề xuất ý tưởng biến cá chép thành thực phẩm, giúp giảm thiểu số lượng của chúng. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại không tỏ ra hứng thú với ý tưởng của Chicago.

 

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm