Dân mua nhà dự án Megastar Vĩnh Hưng mất tiền ra sao?
Ông chủ dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng bị bắt khiến hàng trăm khách hàng đã nộp 30-50% tiền cọc lên tới hàng trăm tỷ vào đơn vị này có nguy cơ mất trắng.
Sau 4 năm đóng tiền đặt cọc mua nhà tại dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng (409 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội), khách hàng có nguy cơ mất trắng tiền tỷ vì dự án đến nay vẫn là bãi đất trống còn chủ đầu tư đã bị bắt giữ vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Chủ đầu tư dự án nói trên là công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, do ông Nguyễn Hoàng Long - người vừa bị bắt hôm 7/5 làm Chủ tịch hội đồng thành viên. Dự án nói trên được xây dựng trên khu đất 1,2 hecta, theo thiết kế sẽ có 25 tầng, khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chậm nhất đến quý III/2011 sẽ bàn giao nhà cho khách. Các khách hàng đóng tiền theo tiến độ, đợt đầu tiên là 30% giá trị căn nhà. Giá chào bán của dự án này là 12 triệu đồng/m2, nhưng thực tế, theo nhiều cư dân, họ phải trả thêm mức chênh 2-4 triệu đồng/m2 nên mức giá thực đội lên 14-16 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, nhiều người đã đóng được 2 đợt đặt cọc với tỷ lệ chiếm tới 50% giá trị căn nhà.
Chậm nhất đến quý III/2011 dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng đã phải bàn giao nhà cho khách, nhưng đến nay, dự án này vẫn còn là bãi đất trống. Ảnh: H.A. |
Chị Nguyễn Thị Bình, một trong những khách đã mua nhà tại dự án này cho biết, đã kêu cứu nhiều nơi với mong muốn đòi lại số tiền cọc ban đầu, song chưa có kết quả thì bàng hoàng nghe tin Chủ tịch HĐTV công ty Vĩnh Hưng bị bắt tạm giam và có quyết định khởi tố hôm 14/5 vừa qua. Cũng như nhiều người mua khách, khách hàng này đã nộp tiền đặt cọc vào đơn vị huy động vốn cho dự án là công ty cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long, trụ sở tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do ông Phạm Như Quỳnh làm giám đốc. Đến nay, nhà chưa nhận được mà tiền đặt cọc lên tới hàng tỷ đồng của nhiều khách hàng vẫn chưa đòi lại được.
Bàn giao tiền đặt cọc hàng tỷ đồng nhưng không nhận được nhà, khách hàng bức xúc phản ánh qua nhiều phương tiện. Trên nhiều diễn đàn, những khách hàng đã đóng tiền đặt cọc và mua nhà dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng đã tập hợp thành nhóm và cùng nghe ngóng tình hình với tâm trạng lo lắng, sốt sắng khi Chủ tịch HĐTV công ty Vĩnh Hưng bị bắt tạm giam, khởi tố. Trong số này, đã có người mua một lúc 2 căn.
Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐTV công ty Vĩnh Hưng là ông Nguyễn Hoàng Long đã thế chấp dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng cho ngân hàng Bảo Việt chi nhánh Hà Nội để vay số tiền 400 tỷ đồng. Theo hợp đồng vay vốn, số tiền nói trên sẽ được giải ngân làm hai đợt, đợt một là 225 tỷ đồng, đợt hai là số còn lại. Thỏa thuận giữa các bên đã thống nhất điều kiện để công ty Vĩnh Hưng được nhận khoản vay nói trên là Vĩnh Hưng phải ký hợp đồng mua thép trị giá 512 tỷ đồng của công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi trụ sở tại P703-M5-91 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa, Hà Nội).
Hợp đồng mua 32.000 tấn thép xây dựng đã được Vĩnh Hưng ký với công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi vào ngày 6/12/2012 thì đến 10/12/2012, đơn vị bán hàng đã có văn bản yêu cầu bên mua chuyển tiền tạm ứng. Theo hợp đồng này, bên mua là công ty Vĩnh Hưng phải ứng trước 226 tỷ đồng cho bên bán, số còn lại sẽ thanh toán sau 5 ngày khi nhận được thép. Ngược lại, khi bên mua có đơn đặt hàng, trong 5 ngày bên bán không giao thép sẽ phải hoàn trả khoản tiền tạm ứng 226 tỷ đồng nói trên.
Công ty Vĩnh Hưng cho biết ngân hàng Bảo Việt đã chuyển 225 tỷ đồng cho công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi, song khi nhận được tiền, đơn vị này đã không chuyển 32.000 tấn thép cho Vĩnh Hưng như thỏa thuận. Đơn vị đầu tư dự án Megastar Dominium Vĩnh Hưng đã có văn bản yêu cầu công ty bán thép phải thực hiện hợp đồng là hoàn trả 226 tỷ đồng tạm ứng, nhưng không nhận được phản hồi từ bên bán. Song song với đó, chủ đầu tư dự án tòa nhà 25 tầng nói trên cũng yêu cầu ngân hàng Bảo Việt chi nhánh Hà Nội giải trình vấn đề thực hiện hợp đồng, nhưng không nhận được phản hồi. Còn đại diện tập đoàn Bảo Việt phúc đáp đã có văn bản yêu cầu thanh tra Chính phủ và thanh tra bộ Tài chính vào cuộc.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trịnh Cẩm Bình - Văn phòng luật Biển Đông - đơn vị đã tham gia tư vấn nhiều vụ việc liên quan tới tài sản thế chấp, tài sản phát mại ngân hàng là bất động sản cũng như các tranh chấp liên quan tới xây dựng cho biết, khả năng đòi lại tiền của người dân nếu như Vĩnh Hưng lâm vào phá sản và tuyên bố phá sản là khó. Trước mắt, người mua nhà có thể căn cứ vào hợp đồng ký kết với công ty huy động vốn cho dự án vẫn đang còn giá trị để khởi kiện đơn vị này. Dựa vào khả năng đó là tranh chấp dân sự hay hành vi lừa đảo, nếu giả thiết công ty Vĩnh Hưng chưa được quyền mua bán, chưa được cấp phép đã xây dự dự án và huy động vốn, có thể khởi kiện ra pháp luật.
Riêng về hợp đồng 3 bên liên quan tới công ty Vĩnh Hưng, công ty cổ phần xây dựng và phát triển chăn nuôi với số tiền 225 tỷ đồng, luật sư Bình cho biết, cần phải xem xét các yếu tố liên quan mới có thể kết luận rõ ràng.
Hoàng Anh
Theo Infonet