Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Dân miền Tây ngóng lũ như 'trời hạn trông mưa'

Ở miền Bắc, lũ xuất hiện thường gây thiệt hại trăm bề nhưng với người dân miền Tây, lũ về là niềm vui của bà con. Nhờ đó họ mới có cá, tôm từ sông Mekong để đánh bắt mưu sinh.

DÂN MIỀN TÂY NGÓNG LŨ NHƯ 'TRỜI HẠN TRÔNG MƯA'

Ở miền Bắc, lũ xuất hiện thường gây thiệt hại trăm bề nhưng với người dân miền Tây, lũ về là niềm vui của bà con. Nhờ đó họ mới có cá, tôm từ sông Mekong để đánh bắt mưu sinh.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 1

“Tháng bảy nước nhảy lên bờ” - câu nói quen thuộc của người dân hai xã Phú Hội và Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang) để nói về thời điểm nước lũ về. Tháng bảy (âm lịch) cũng là thời điểm nước lũ dâng cao nhất hàng năm tại đây.

Hai xã Phú Hội và Nhơn Hội cũng là nơi đầu nguồn, đón dòng nước lũ của sông Mekong từ nước bạn Campuchia về An Giang và nhiều tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, đã cuối tháng 7, con lũ còn chưa thấy đâu chứ đừng nói chuyện đạt đỉnh như những năm trước. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân miền biên viễn An Phú.

Theo thông tin từ mực nước trên sông đo tại huyện hiện nay chỉ có 0,6 m. Dự báo lũ năm nay về chậm, thấp hơn năm trước khoảng 1 m, nguyên nhân là nước đầu nguồn Mekong không về.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 2

Khắc khoải, mong ngóng lũ về

Một sáng sớm nơi miền biên viễn, khi mặt trời mới nhú chỉ vài chục phút, ông Lê Văn Ửng (73 tuổi) và ông Phạm Trung Tín (82 tuổi), cùng ngụ ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hội, đã ra ngoài ngõ ngồi và cùng nhau nói đủ thứ chuyện đời, chuyện nghề. Trong đó có những câu chuyện đang tồn tại ngay trên chính mảnh đất mà họ đang sống, đó là ký ức tuyệt vời về miền sông nước.

Thời niên thiếu, cả hai ông lớn lên trên đồng nước lũ, ngày đêm giăng bắt cá, tôm trên đồng. Ký ức nhanh chóng vụt chạy, thấm thoắt đã mấy mươi năm trời. Ánh mắt ông Ửng đượm buồn khi nhắc về con lũ năm nay.

Những năm trước, khoảng tháng 5 (âm lịch) là nước lũ đã về nhưng năm nay thì khác.

Ông Ửng không thể mưu sinh từ nghề lưới cá, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Người con trai út duy nhất của ông đành phải lên tận Quảng Ngãi làm công nhân để kiếm tiền gửi về cho cha. Ước mong hàng ngày của ông Ửng làm sao để cuộc sống như bao năm của gia đình được tiếp diễn. Con trai sẽ được về quê, quây quần với cha, cả nhà cùng giăng lưới, bắt cá, tôm.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 7
Ông Lê Văn Ửng (áo xanh) và Phạm Trung Tín những ngày chờ nước lũ.

Từ thuở bé đến giờ, ông Phạm Trung Tín chưa từng thấy có năm nào đến gần cuối tháng 7 mà nước lũ vẫn chưa về như năm nay, cánh đồng khô cằn. Các con ông nhiều người nghèo khó, không thể mưu sinh được đã rủ nhau lên TP.HCM tìm việc, hay lang bạt làm thuê ở nhiều nơi. Ông nói rằng ông trông lũ như trời hạn trông mưa, như người đói khát mong tìm được một bữa cơm thiện lành.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 8
Bà Phải trong căn nhà của mình.

Trong căn nhà nhỏ bé, tối mù, bà Nguyễn Thị Phải (77 tuổi, ở ấp Phú Nghĩa), và gia đình người con trai lớn, anh Ngô Văn Nhảnh, ngồi không từ sáng tới chiều. Cuộc sum vầy này đáng lẽ là niềm vui, nhưng kể ra nó cũng thật bất đắc dĩ. Bởi đã từ rất lâu, bà Phải chỉ sống một mình. Năm nay gia đình người con trai nghèo khó của bà buộc phải về sống nương nhờ mẹ ít hôm, chờ ngày được băng đồng mưu sinh.

Đi ngược lại với niềm mong mỏi của người dân nơi này, đồng khô nước khác lạ. Những ngôi nhà sàn đặc trưng của xứ đầu nguồn lũ có sàn cao khoảng 2 mét trơ khung, nổi bật bên dòng nước nông. Ở một góc cao, nhìn về đầu nguồn nhánh sông Phú Hội, phía xa là dòng nước dẫn về từ nước bạn Campuchia vẫn rất nhỏ và lặng lờ.

Những năm trước, dòng nước này chảy xiết, đôi lúc cuồng nộ cuốn đi những góc nhà, căn chòi lá tạm bợ của người dân vùng đầu nguồn. Không phải lúc nào con nước hiền hòa, lặng lờ cũng mang ý nghĩa tích cực. Người dân nơi đây mong mỏi cho dòng nước này lớn lên, từ đó mới có kế sinh nhai.

Bên chiếc lò đất nung và ấm nước phì khói, ông Nguyễn Văn Triệu (67 tuổi), cũng ngụ ấp Phú Nghĩa trầm ngâm chia sẻ may mắn gia đình ông có phần đất ruộng để làm, thế nên thu nhập không phải trông hoàn toàn vào con lũ.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 9
Ông Nguyễn Văn Triệu.
cuoc song mua lu o mien Tay anh 14

Bà con thấp thỏm bao năm qua, năm nào cùng thời gian này, nước cũng về trên vùng đầu nguồn ĐBSCL, không ít thì nhiều. Nhưng năm nay là lần đầu tiên những cánh đồng vẫn còn “đói” nước. Sáng sớm, già, trẻ, thanh niên nam, nữ đều tập trung dọc hai bên đường, thay vì giờ này mọi năm ai cũng có công việc của mình trong mùa nước nổi.

Trong câu chuyện của họ nói với nhau, vẫn là những câu chuyện mưu sinh. Ai cũng phải đối mặt trước một cuộc sống khó khăn. Nước không về, thì lấy đâu cá tôm, các sản vật để họ đánh bắt. Thanh niên còn có thể làm mướn nơi khác, còn những người già vốn mưu sinh cả đời nhờ nước lũ thì tìm cách nào đây. Nét hoang mang, lo lắng thể hiện trên từng khuôn mặt người dân, ngoại trừ những đứa trẻ vẫn vô tư nô đùa.

Lợp, lưới, dến 'đắp chiếu'

Lợp, lưới, dến là các dụng cụ mưu sinh quen thuộc mùa lũ, gắn với đời sống bà con vùng lũ, làm “bầu bạn” với con người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nó mang đến con tôm, con cá, mang lại miếng cơm manh áo, cuộc sống no đủ của bà con.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 15
cuoc song mua lu o mien Tay anh 18

Thời điểm này năm trước, nhiều người dân trong xã Phú Hội và Nhơn Hội quả quyết với chúng tôi rằng, không có chuyện lợp, lưới, dến hay nhiều dụng cụ giăng bắt cá tôm khác phải “nằm nhà” hay “đắp chiếu” kiểu thế này. Đằng sau cách nói ví von, dân dã đó là sự nóng lòng đến hờn mát của bà con. Hiện nay dòng nước không ngập cánh đồng quá đầu người. Đi kèm với thực tế này là nhiều hộ gia đình đã thêm phần túng quẫn, khốn khó, phải bôn ba đi làm thuê, làm mướn.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 19
cuoc song mua lu o mien Tay anh 20
Ông Lê Văn Tửu.

Nhà ông Lê Văn Tửu (60 tuổi), ngụ ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, trong một buổi trưa đầy nắng. Ở đây có khoảng 300 chiếc lợp cá lóc được ông và các con chuẩn bị từ hơn 1 tháng trước nhưng ngày càng bám thêm nhiều khói bụi.

Cùng số phận với mấy trăm chiếc lợp cá lóc của ông Tửu, 500 chiếc lợp đặt tôm của ông Huỳnh Văn Phương (52 tuổi), ngụ ấp Bắc Đai vẫn nằm gọn gàng trong một góc nhà. Thời điểm mùa lũ năm 2018, với việc đặt 500 chiếc lợp tôm này, ông Phương thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 21
Ông Huỳnh Văn Phương.

“Không biết năm nay nước lũ có về không? Tôi nghe nhiều người nói là nước lũ không về nữa, nhưng tôi không tin”, ông Phương trầm ngâm.

Gần 50 chiếc dớn của chị Nguyễn Thị Kiều, ngụ ấp Bắc Đai, vẫn chưa được “xuống đồng”. Nhiều tháng trước, gia đình chị đã chuẩn bị dớn trong tâm thế chủ động để đón luồng tôm cá từ lũ. Chị bảo không biết phải làm nghề gì khác, và cũng không biết lấy đâu ra tiền để lo cho con.

Đi vòng quanh khu xóm nghèo khó thuộc xã Phú Hội và Nhơn Hội, không khó nhận thấy những căn nhà chứa toàn lợp cua, những mành lưới giăng cá vẫn được treo trên giàn cao, những chiếc lợp đặt cá to tướng nằm chỏng chơ đâu đó trên sân, bên hiên nhà… Hoạt động giăng bắt cá mọi khi đã đình trệ. Không khí khu xóm này trở nên buồn tẻ.

Kiếm tiền chạy gạo mùa vắng lũ

Không thể mưu sinh hiệu quả trên đồng nước hay dòng sông Nhơn Hội, nhưng cuộc sống bà con vẫn phải tiếp diễn. Họ tìm công việc khác để mưu sinh trong cái mùa mà đáng ra họ được no đủ. Nhiều thanh niên khu vực 2 xã Phú Hội và Nhơn Hội đã rủ nhau đi làm công nhân ở Bình Dương, rồi cả làm mướn, làm phụ hồ.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 24
cuoc song mua lu o mien Tay anh 26
Ông Nguyễn Văn Thâm, ngụ ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, thay vì mỏi mòn chờ lũ đã dọn đất ruộng, lên bờ liếp để trồng bí và một số loại hoa màu khác.

Ở hai xã này, có hàng chục hộ vốn chỉ biết sống bằng nghề chài lưới đã mạnh dạn chuyển việc. Và nghề trồng rau củ ở đây lại trở nên phổ biến một cách bất thường, những năm trước đây chưa từng có. Dọc theo con sông Nhơn Hội, những ô ruộng ráo nước trước đây giờ là những bờ liếp phủ xanh màu rau, củ và nhiều loại hoa màu khác như bí, rau cải, củ cải, khoai…

Nếu không có đất để trồng rau màu, nhiều hộ gia đình chọn cách chài lưới, đặt lú, làm dớn nhỏ lẻ trên dòng nước sông Nhơn Hội.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 27

Nguyễn Quang Luân (20 tuổi), ngụ ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, cùng em gái và vợ chưa cưới ngày nào cũng đi đặt lú dây. “Em đi từ 6h đến 10h sáng thì về. Tùy theo nước chảy hay nước êm mà được về sớm. Cả tháng nay, bọn em chỉ bắt được khoảng nửa kg cá tôm sau mỗi chuyến giăng lưới", Luân kể. 

Ngược dòng nước, 3 anh em Luân vẫn miệt mài kéo lú, đổ lú mà cá thì không thấy, chỉ thấy bọt nước tung trong nắng. Luân nói cuối năm nay cưới vợ, trong câu nói gương mặt cậu vẫn ẩn chứa sự không vui. Cũng có hộ sống bằng nghề đặt bẫy chuột đồng, thu nhập mỗi ngày vài chục nghìn đồng.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 32

Không đất ruộng và cũng không có tư liệu sản xuất gì ngoài những đoạn lưới to tướng, chờ giăng bắt cá mùa lũ, nhiều thành viên gia đình ông Lê Văn Bi (62 tuổi), ngụ ấp Bắc Đai đi TP.HCM làm công nhân. Ông và vợ ở nhà bôn ba làm thuê làm mướn, nhiều lúc hết tiền mua gạo, phải vay mượn, hoặc sống nương nhờ vào những đồng tiền lương ít ỏi gửi về từ các con.

Không thể mưu sinh dịp này, nhiều hộ gia đình của hai xã Phú Hội và Nhơn Hội làm xe bán bún, hay các xe thùng bán đồ tạp hóa. Thu nhập mỗi ngày của họ thường không quá 150.000 đồng, thậm chí ít hơn. Cuộc sống lay lắt, nghèo khó.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 35
Ông Lê Văn Bi nhiều lúc hết tiền mua gạo, phải vay mượn, hoặc sống nương nhờ vào những đồng tiền lương ít ỏi gửi về từ các con.
cuoc song mua lu o mien Tay anh 39

Bà Hoa, ngụ ấp Bắc Đai hoàn toàn “thất nghiệp” dịp này. Bà không làm được gì khác ngoài việc chăm cháu, để ba mẹ chúng đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền sinh sống. Một người thanh niên tranh thủ lúc ngành chức năng không để ý, dùng xung điện bắt cá trên dòng nước sông.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 40
Bà Hoa trong căn chòi của mình.
cuoc song mua lu o mien Tay anh 41

Theo các chuyên gia, lũ không về hoặc lũ thấp, tình trạng mặn xâm thực sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa vụ và sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân mực nước sông Mekong quá thấp so với các năm trước là lượng mưa ít hơn và hệ thống thủy điện trên thượng nguồn Trung Quốc và Lào tích nước. Các thủy điện đó đã chặn dòng chảy phù sa làm mất nguồn tài nguyên quý giá và gây sạt lún nghiêm trọng.

Cả Thái Lan lẫn Campuchia đều đang mở rộng nông nghiệp dẫn đến tình trạng liên tục thiếu nước sông Mekong. Ruộng đồng của các quốc gia này lấy nước từ mưa để phục vụ cây trồng nhưng lại tích nước khi hạn hán. Vì vậy vùng hạ nguồn như miền Tây bị ảnh hưởng bởi hạn chồng hạn.

Đại diện lãnh đạo xã Phú Hội và Nhơn Hội cho biết sắp tới, hai xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, trong đó có cả việc tính toán hỗ trợ về vốn để bà con địa phương chuyển nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ là cầu nối, kết nối doanh nghiệp, mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ vật chất để giúp bà con, nhất là những người nghèo khó, không tư liệu sản xuất ổn định cuộc sống.

cuoc song mua lu o mien Tay anh 42

Phạm Ngôn - Tú Thành

Bạn có thể quan tâm