Đến vụ thu hoạch, người trồng dưa ở xã Diễn Kỷ (huyện Diễn Châu, Nghệ An) thay vì vui mừng lại rớt nước mắt bởi dưa bị héo úa, sâu bệnh đục khoét, bán không được, phá không xong.
|
Xã Diễn Kỷ được xem như thủ phủ của dưa lê ở huyện Diễn Châu. Nhiều năm qua, dưa đã giúp nông dân thoát cảnh nghèo khó. Nhưng năm nay, chính loại cây ngắn ngày này khiến họ rơi vào cảnh trắng tay. Hơn 80 hộ dân xã này đang trong vụ thu hoạch dưa lê, dưa đỏ. Thế nhưng, khác với khung cảnh người người đẩy từng xe dưa lê mọng quả ra dọc quốc lộ 1 để bán, nay họ lại tập trung ra đồng nhổ bỏ từng gốc dưa úa tàn, chi chít quả bị sâu bệnh đục khoét. |
|
Từ đầu vụ mùa, hàng chục ha dưa bị héo úa lá, thân cây khô dần. Cây vẫn cho 2 quả nhưng nhỏ hơn các vụ trước, quả phần nhiều bị cháy sém, sâu đục thành từng lỗ bằng ngón tay rồi thối dần. |
|
Toàn huyện Diễn Châu có hơn 50 ha dưa, trồng chủ yếu ở các xã Diễn Kim, Diễn Thịnh, Diễn Lộc, Diễn Kỷ... Nếu dưa cho năng suất cao, mỗi sào có thể đạt 1 tấn quả. |
|
Hầu hết dưa bị sâu đục làm thối quả. Mỗi năm người dân trồng 2 vụ dưa, mỗi vụ 3 tháng, chủ yếu là các loại dưa đỏ, dưa lê. Theo người dân, để đảm bảo hiệu quả giữa hai vụ dưa, họ xen canh trồng vừng, lạc, ngô để đất đai tơi xốp. |
|
Những năm trước dưa cho năng suất cao, giá bán hợp lý nên trừ chi phí người dân còn thu gần chục triệu mỗi sào. Năm nay do dưa cho quả nhỏ lại sớm hư hỏng, héo úa, dưa chỉ bán 15.000 đồng/kg. |
|
"Năm nay thì lỗ nặng, tiền bán dưa không bù nổi tiền công, tiền giống". |
|
"Lúc mới trồng cây vẫn bình thường, xanh tốt, nhưng đến khi gần cho quả và cho quả là bị héo lá, khô cây rồi chết dần. Do quả non lại bị hư hỏng do sâu bệnh nên không ăn, không bán được, đành phá bỏ trồng lại mong vụ sau gỡ vốn cho vụ trước", bà Nguyễn Thị Do (57 tuổi) buồn bã. |
|
Hầu hết quả dưa nhỏ thì héo non, to thì bị sâu đục khoét, rỗng ruột. |
|
Đang loay hoay làm đất gieo vụ dưa mới, ông Ngô Sỹ Minh (50 tuổi, thôn 2 xã Diễn Kỷ) cho biết gia đình có hơn 5 sào dưa lê nhưng không thể thu hoạch. "Năm nay mất trắng cả, 5 sào dưa đều bị sâu đục hư hỏng, thối rữa không rõ nguyên nhân. Do không thể bán nên đành vứt lăn lóc ngoài đồng hoặc cho người dân nhặt về cho bò ăn để làm lại đất để trồng mới", ông Minh nói.
|
|
Để dưa đủ độ ấm, người dân áp dụng nhiều kỹ thuật tưới tiêu hoặc làm đường ống dẫn ra từng luống dưa để nước giữ độ ấm cho dưa nảy mầm, sinh trưởng. |
|
Dưa hư hỏng ngoài đồng không thể bán, những người phụ nữ lớn tuổi ở xã chuyên trồng dưa đến từng hộ dân để nhặt mang về cho bò ăn. |
|
Dưa được bày bán lẻ tẻ trên quốc lộ 1 với giá 15.000 đồng/ kg. |
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết việc sâu bệnh trên dưa lê năm nào cũng có nhưng chủ yếu ở vụ cuối. Riêng năm nay bị sớm hơn và diễn ra trên diện rộng.
"Do cây dưa lê có nhiều sâu bệnh, cộng với việc lúc sinh trưởng thì sương mai làm lá cây không thể quang hợp, chết dần. Phòng phòng khuyến cáo người dân luân canh cây trồng để hạn chế sâu bệnh. Khi trồng mới cần xới đất, xử lý vôi, nấm đối kháng...để dưa trồng được sinh trưởng và phát triển hơn", ông Hiếu nói.
Trước việc người dân thất thu do dưa sâu bệnh, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp xã và trạm khuyến nông tổ chức các buổi tập huấn miễn phí cho bà con còn việc hỗ trợ giống, phân hay thuốc thì phòng không có nguồn ngân sách.