Cho vay 36 tháng, gần 20 năm sau mới đòi!
Bà Nguyễn Thị Mau (75 tuổi, tổ 32, phường Hòa Hiệp Nam), cho biết: “Năm 1994, nhà nước cấm sản xuất pháo nên những hộ làm pháo như gia đình tôi phải chuyển đổi ngành nghề. Thời điểm ấy, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đà Nẵng cho các hộ vay tiền để ổn định sinh kế, nhà ít 1 triệu, nhà nhiều chục triệu với thời hạn 3 năm.
Riêng nhà tôi vay 5 triệu, mới trả được 2 triệu, số còn lại bao nhiêu năm qua không thấy ai đòi nên tưởng nhà nước hỗ trợ luôn cho dân, ai ngờ đùng một cái bây giờ đòi lại cả gốc lẫn lãi!”.
Cùng nỗi lo lắng như bà Mau, bà Lê Thị Phi (50 tuổi, phường Hòa Hiệp Nam) đang không biết xoay sở như thế nào vì nhà bà còn 2,5 triệu tiền gốc và 6 triệu tiền lãi, chồng bị bại liệt nên cả nhà phải trông chờ vào xe bánh mỳ mỗi ngày của bà.
Ông Võ Ngọc Minh (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) bệnh tật mất sức lao động, nay bế tắc trước món nợ từ gần 20 năm trước. |
Nhiều hộ khác cũng bức xúc rằng sau khi hết hạn trả nợ, ngân hàng không có động thái đòi quyết liệt làm họ lầm tưởng đã xóa trắng nhằm hỗ trợ dân khi nhà nước có quyết định cấm sản xuất pháo. Một số hộ vay tiền nhưng người đứng ra vay đã mất, nay giấy báo nợ gửi về cho con, cháu khiến ai cũng bất ngờ.
“Lúc vợ chồng tôi còn khỏe mạnh thì không thông báo đòi nợ cho rõ ràng để cùng nhau trả, bây giờ già yếu thế này lấy đâu ra tiền. Gần 20 năm qua nhà tôi chẳng hề nhớ tới khoản tiền nợ ấy, biên lai cũng chẳng còn cất giữ bởi có ai hỏi han gì đâu! Rõ ràng là lộ trình thu hồi nợ của ngân hàng có vấn đề”, ông Võ Ngọc Minh (phường Hòa Hiệp Nam), bức xúc.
Theo thống kê của hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam, năm 1994 có 980 hộ dân làm pháo ở hai phường vay tiền để chuyển đổi ngành nghề, trong đó 239 hộ đã trả đủ cả gốc lẫn lãi trong thời hạn 3 năm. Hiện còn 741 hộ nợ tiền, tiền gốc 3,157 tỷ đồng, tiền lãi lên đến 7,634 tỷ đồng.
Xóa trắng lãi suất nếu trả trong năm
Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Bưởi, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Đà Nẵng khẳng định trong gần 20 năm qua, ngân hàng đã đi đòi nợ nhưng người dân không chịu trả, đa số đều vay tín chấp nên không thể thu hồi tài sản.
Một số hộ vay thế chấp đã bị ngân hàng khởi kiện ra tòa. Có chăng là vì bà con khó khăn quá nên ngân hàng không quyết liệt đòi cho bằng được khiến họ nghĩ là đã xóa nợ, chứ không có chuyện không đòi”, ông Bưởi khẳng định.
Hiểu rõ khó khăn của bà con, ngân hàng đã 3 lần làm hồ sơ gửi Bộ Tài chính đề nghị xóa khoản nợ này nhưng không được, bởi xóa nợ sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các hộ đã trả, hộ vay ít, hộ vay nhiều.
“Dù rất thông cảm với nỗi lo lắng, khó khăn của người dân nhưng có nợ thì phải trả. Ngân hàng cũng đã đưa ra hướng xử lý khoản nợ rất nhân văn.
Cụ thể, các hộ vay trả hết tiền gốc trong tháng 12 năm nay sẽ được xóa trắng toàn bộ lãi suất; các hộ neo đơn, khó khăn, hộ chính sách không có điều kiện trả toàn bộ có thể trả một phần để tỏ rõ thiện chí trả nợ, số còn lại sẽ trả dần, ngân hàng sẽ cân nhắc miễn giảm lãi suất; những hộ không trả sẽ bị ngân hàng khởi kiện, ông Bưởi nói.