Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân làng cúng bái bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam

Bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam dài 22 m, niên đại 250 năm đang được bảo lưu tại Bình Thuận. Người dân vẫn ngày ngày dâng hương, thờ tự với sự tôn kính đặc biệt.

Bộ xương cá voi lưng xám dài 22 m đang được bảo lưu và thờ tự tại Di tích lịch sử văn hóa Dinh Vạn Thủy Tú, đường Ngư Ông, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết, Bình Thuận. "Đối với ngư dân, cá voi là vị thần của biển cả, luôn xuất hiện cứu giúp tàu thuyền vượt qua mưa bão. Do vậy, chúng tôi tôn cá voi là thần Nam Hải và gọi với cái tên Ông Nam Hải hoặc Cá Ông", ngư dân Nguyễn Huy Thắng, 83 tuổi, cho biết.
Theo sử sách lưu giữ tại Dinh Vạn Thủy Tú, dinh này được ngư dân làng Thủy Tú xây dựng vào năm 1762 để thờ Cá Ông. Thời điểm dinh được khánh thành cũng là lúc xuất hiện cơn bão lớn, khiến tàu thuyền đang đánh cá ngoài khơi lâm nạn. Lúc đó, Cá Ông đã nổi lên mặt nước giúp ngư dân vượt qua tai nạn.
Sau cơn bão 2 ngày, người làng Thủy Tú thấy Cá Ông chết, dạt vào bãi cát cách Dinh Vạn Thủy Tú khoảng 50 m. Để báo đáp công ơn cứu giúp, ngư dân tiến hành làm lễ an táng Cá Ông trong khuôn viên dinh.
Do cá dài trên 20 m, nặng hàng chục tấn nên phải 2 ngày ngư dân mới đưa được vào nơi an nghỉ.
Sau ba năm, mộ Cá Ông được người dân làm lễ cải táng, dùng rượu, nước thơm tắm rửa bộ cốt rồi đưa vào dinh thờ tự. Tháng 5/2003, Phòng văn hóa Thông tin TP Phan Thiết phối hợp Viện hải dương học Nha Trang tiến hành phục chế, lắp ráp các chi tiết xương Ông Nam Hải thành bộ cốt hoàn chỉnh.
"Xương Cá Ông được phun 1 lớp nhựa bảo quản để chống mục. Người dân và du khách gần xa tới thăm, viếng Cá Ông có thể sờ tay lên bộ cốt", một nữ hướng dẫn viên du lịch tại Dinh Vạn Thủy Tú cho biết. Trọng lượng của bộ cốt Cá Ông lên đến cả tấn, nên ngành chức năng dùng thép trắng để làm khung đỡ. Các chi tiết xương cũng được kiểm tra theo định kỳ.
Phía dưới xương Cá Ông là mảng màu xanh dương được tạo thành bởi nhựa, lụa và đèn chiếu sáng. Theo hướng dẫn viên du lịch, màu xanh dương là biểu tượng biển cả, mô phỏng Cá Ông đang bơi lội trong đại dương. 
Ông Mai Giác (70 tuổi) người lo chăm lo việc cúng bái Cá Ông cho biết: "Hàng ngày, ngư dân địa phương tới Dinh Vạn Thủy Tú dâng hương, xin Cá Ông phù hộ cho các chuyến ra khơi an toàn, gặp nhiều thuận lợi. Dân làng cũng tổ chức lễ giỗ Ông Nam Hải vào ngày 20/6 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, ngư dân trong và ngoài tỉnh cùng về dâng hương cúng tế trang trọng".
Dinh Vạn Thủy Tú hướng mặt về phía Đông và cách biển 50 m. Ngoài việc lưu thờ Ông Nam Hải lớn nhất Việt Nam, dinh này còn thờ cúng khoảng 100 bộ cốt Cá Ông khác.    

Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình

Nhiều vùng ở Quảng Bình có tục thờ cá được ngư dân lưu truyền hàng trăm năm. Tại ngôi miếu ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đang thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ, rất linh thiêng.

Ngọc An

Bạn có thể quan tâm