Gần đến Tết Nhâm Dần 2022, họa sĩ Nguyễn Tấn Phát (Sơn Tây, Hà Nội) tất bật với công việc chế tác đàn hổ độc bản gồm 2.022 con được làm từ chất liệu gỗ mít, đá ong kết hợp với nghệ thuật sơn mài truyền thống. |
Theo họa sĩ Phát, con hổ trong câu truyện dân gian Việt Nam thường gắn với hình tượng hung dữ, tàn ác. "Tôi muốn qua các tác phẩm của mình truyền tải hình ảnh của con hổ trong nghệ thuật đương đại mang tinh thần gần gũi với con người hơn bằng cách tạo hình ngộ nghĩnh, đáng yêu chứ không nhất thiết luôn phải hung tợn, nhe nanh, giơ vuốt", họa sĩ chia sẻ. |
Những chú hổ trong bộ sưu tập được họa sĩ Phát thực hiện bằng nhiều trường phái điêu khắc khác nhau như hiện thực, trừu tượng và biểu hiện. |
Đặc biệt, những chú hổ sơn mài còn mang tính ứng dụng cao như làm đế đốt trầm, hộp đựng đồ trang sức hay ghế ngồi. |
Điểm nhấn của bộ sưu tập là 5 chiếc ghế ngũ hổ với 5 màu sắc xanh, đỏ, vàng, đen và trắng tượng trưng cho 5 ngũ hành Mộc - Hỏa - Thổ - Thủy và Kim. |
Mỗi chiếc ghế có kích thước 1,2 x 1,5 m nặng khoảng 60 kg. Theo họa sĩ Phát, anh mất rất nhiều công sức và chi phí để hoàn thành bộ sản phẩm độc đáo này. |
Để biến một khúc gỗ mít thành tác phẩm nghệ thuật phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, đục đẽo tạo dáng cho khối gỗ. Tùy vào kích thước mà mỗi tác phẩm có thể mất từ vài ngày đến cả tháng để hoàn thành. |
Sau khi hoành thành khâu đục gỗ, tạo dáng, họa sĩ Phát sử dụng đèn khò để làm mịn bề mặt gỗ. |
Mỗi chú hổ sẽ được khoác lên nhiều lớp áo. Để tạo nên tính độc bản, mỗi chú hổ hoàn toàn được làm thủ công, mỗi đường nét, hoa văn, màu sắc, kích thước và thần thái của các chú hổ đều phụ thuộc vào tinh thần sáng tạo của người họa sĩ. |
Sau khi được quét lớp sơn mài, các sản phẩm tiếp tục được khảm vỏ trứng trang trí hoặc khảm vỏ trai. |
"Đến nay tôi đã làm được 500 tác phẩm và dự kiến bộ sưu tập 2.022 chú hổ sẽ được hoàn thành vào dịp 30/4. Để thực hiện khối lượng công việc lớn như vậy là một thách thức rất lớn", anh chia sẻ. |