Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đàn gà đẻ trứng nghìn tỷ' của TP.HCM

Tổng công ty Bến Thành, công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, Vàng bạc Đá quý TP.HCM (SJC)... là doanh nghiệp đóng góp doanh thu và lợi nhuận khổng lồ cho hoạt động kinh tế của TP.HCM.

Ủy ban Nhân dân TP.HCM hiện đang quản lý 11 tổng công ty trực thuộc và vài chục các công ty thành viên khác. Rất nhiều trong số này là những doanh nghiệp có quy mô rất lớn, đóng vai trò đáng kể trong nền kinh tế của đất nước.

Dưới đây là những doanh nghiệp tiêu biểu với quy mô lớn, doanh thu lợi nhuận cao và có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh tế của TP.HCM:

Tổng công ty Bến Thành

Tổng công ty Bến Thành hiện đầu tư vào 31 đơn vị thành viên, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, sản xuất công nghiệp, đầu tư tài chính thương mại và du lịch. Những công ty thành viên tiêu biểu có thể kể đến: Savico, ngân hàng Phương Đông, khách sạn Renaissance Sài Gòn, Sofitel Saigon Plaza, Bến Thành Land, khu công nghiệp Bình Chiểu... Năm 2012, toàn hệ thống tổng công ty có doanh thu đạt 11.513 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn hệ thống đạt 1.006 tỷ đồng.

Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC)

Tiền thân của HFIC là Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP.HCM (HIFU). Đây có thể coi là một SCIC thu nhỏ của TP.HCM, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Năm 2012, HFIC đạt 900 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 626 tỷ đồng. Một điểm khác của HFIC với SCIC, là HFIC tiếp nhận cả các doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa. Năm vừa qua, theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân thành phố, HFIC vừa tiếp nhận sự chuyển giao nguyên trạng 5 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết, Chiếu sáng công cộng, Công trình Giao thông Sài Gòn, Công trình Cầu phà, Quản lý kinh doanh nhà.

Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)

Không chỉ là một ông lớn trong lĩnh vực thương mại, Satra đang sở hữu cổ phần nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn như Vissan (nắm 100%), công ty nhà máy Bia Việt Nam (30%)... Tổng cộng hệ thống Satra có hơn 70 công ty con, công ty liên kết và công ty liên doanh, với doanh thu năm 2012 khoảng 38.000 tỷ đồng và đội ngũ nhân viên hơn 14.000 người.

Công ty Vàng bạc Đá quý TP.HCM (SJC)

SJC được coi là thương hiệu vàng miếng quốc gia, nhưng công ty SJC lại là công ty trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Về SJC, có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều. Sau 25 năm hoạt động (ra đời năm 1988), tính đến nay đã có hơn 21,5 triệu lượng vàng SJC đã được đưa vào lưu thông trên thị trường. Năm 2012, doanh thu của SJC đạt 72,6 nghìn tỷ đồng, sau khi lập kỉ lục 111 nghìn tỷ vào năm 2011; lợi nhuận đạt 389 tỷ đồng.

Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO)

SAMCO là doanh nghiệp chuyên về kinh doanh và sản xuất lắp ráp ô tô; trong đó được biết đến nhiều với các dòng xe bus và xe khách. Ngoài ra, SAMCO cũng có nhiều công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực vận tải, như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, cảng Bến Nghé, Saigonship... Theo website của SAMCO, vốn điều lệ của tổng công ty đạt 1.371 tỷ đồng; tổng doanh thu năm 2011 đạt hơn 10.700 tỷ cùng đội ngũ cán bộ nhân viên 8.650 người.

Công ty Phát triển Tân Thuận (IPC)

Dù chưa được "lên lon" tổng công ty, nhưng IPC là một doanh nghiệp địa ốc lớn trực thuộc TP.HCM. Từ năm 2010, vốn chủ sở hữu của IPC đã lên đến hơn 2.200 tỷ và tổng tài sản gần 4.700 tỷ đồng. IPC sở hữu 30% cổ phần của công ty Phú Mỹ Hưng, 20% cổ phần của cảng Container trung tâm Sài Gòn; quản lý và tham gia góp vốn vào nhiều khu công nghiệp như Hiệp Phước, Long Hậu...

Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn (CNS)

CNS là một trong những tổng công ty lớn của TP.HCM, có vốn điều lệ 1.616 tỷ đồng, hoạt động trong các ngành cơ khí chế tạo máy, hóa chất, điện tử, công nghệ thông tin, thực phẩm, bất động sản và thương mại dịch vụ. Hệ thống CNS gồm 8 công ty con, 8 công ty liên kết, 4 nhà máy cùng 1 trung tâm trực thuộc, hơn 7000 nhân viên.

Doanh thu bình quân 3 năm, 2010, 2011, 2012 là 7.700 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 15 %. Đáng chú ý là CNS đang quản lý 3 nhà máy thuốc là là Bến Thành, Bến Thành Craven “A”, và Khánh Hội.

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist)

Với vốn điều lệ hơn 3.400 tỷ đồng, Saigon Tourist là một trong những đơn vị thành viên có quy mô vốn lớn nhất của TP.HCM. Saigontuorist hoạt động chính trong lịch vực chách sạn - khu du lịch, lữ hành, giải trí. Hệ thống của tổng công ty có hàng chục khách sạn thành viên, tập trung chủ yếu ở miền Trung và miền Nam.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco)

Sawaco có vốn điều lệ 2.176 tỷ đồng, chịu trách nhiệm chính cho việc cung cấp nước sạch trên địa bàn TP.HCM. Hiện mỗi ngày Sawaco cung cấp 1,5 triệu m3 nước.

Theo Trí Thức Trẻ

Bạn có thể quan tâm