Để ngăn chặn lâm tặc phá rừng gần 1.000 ha rừng Bắc Hướng Hóa, 18 hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh (Quảng Trị) tự nguyện dựng trại ngay cửa rừng và thay phiên canh giữ suốt ngày đêm.
Đầu năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) đã giao khoán gần 10.000 ha rừng cho 109 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh. Riêng xã Hướng Linh có 18 hộ được giao gần 1.000 ha.
Ông Hồ Văn Vi, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng cộng đồng xã Hướng Linh, cho biết sau khi được giao khoán bảo vệ gần 1.000 ha rừng vào năm 2014, người dân rất vui. Họ vừa có thêm thu nhập từ kinh phí do chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững chi trả, vừa được tham gia bảo vệ rừng của địa phương.
Đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh (Quảng Trị) dựng trại bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Hóa. |
Từ khi nhận khoán đến nay, các hộ dân gặp nhiều khó khăn trong việc tuần tra, kiểm tra do khoảng cách từ nhà đến cửa rừng xa, tiềm ẩn nguy cơ rừng bị xâm hại.
Để rút ngắn khoảng cách đi lại, mới đây 18 hộ dân đồng bào Vân Kiều ở xã Hướng Linh đã tự nguyện dựng trại ngay cửa rừng để giúp việc tuần tra bảo vệ rừng được thuận tiện.
Theo ông Vi, trại này luôn có người trực (mỗi ca 5 người) kể cả ban đêm. Hễ nghe tiếng máy cưa, người dân lập tức đến ngay hiện trường, đồng thời báo cho Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.
Để duy trì công tác bảo vệ rừng, 18 hộ dân đã trích một khoản tiền nhỏ từ Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ xăng xe, thức ăn cho tổ bảo vệ rừng.
“Nếu đã nhận giữ rừng, nhận tiền rồi mà để rừng bị mất thì chúng tôi cảm thấy có lỗi với những cán bộ kiểm lâm và người dân”, ông Vi nói.
Người dân sẽ túc trực tại lán trại để ngăn chặn lâm tặc phá rừng. Ảnh: Trần Hóa. |
Ông Hà Văn Hoan, Phó giám đốc phụ trách Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, cho biết đơn vị quản lý rộng gần 23.000 ha rừng. Do thiếu lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng nên tình hình phá rừng ở khu vực giáp ranh với huyện Vĩnh Linh, huyện Đakrông diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm, ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hoạt động quản lý bảo vệ rừng, trong đó có mô hình dựng lán trại bảo vệ như ở xã Hướng Linh.
Dù trong hợp đồng giao khoán với 18 hộ dân ở xã Hướng Linh không có điều khoản dựng lều bảo vệ rừng nhưng sau khi ban quản lý đề xuất, người dân đã tự nguyện bỏ công sức ra làm.
“Do kinh phí hạn chế, ban quản lý chỉ hỗ trợ cho 18 hộ dân tôn và đinh”, ông Hoàn thông tin.