Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân đô thị Trung Quốc bỏ phố về quê, mặc kệ sự đời

Không chỉ giới trẻ, ngày càng nhiều người Trung Quốc độ tuổi 40 trở lên theo đuổi lối sống "nằm yên", không còn mặn mà với guồng quay công việc.

Chán nản với công việc làm báo lúc nào cũng căng thẳng ở Bắc Kinh, Guo Jianlong chuyển về miền núi phía tây nam của Trung Quốc sinh sống.

Anh là một trong số những người từ bỏ công việc cạnh tranh, mệt mỏi ở đô thị để có cuộc sống bình lặng hơn. Ở tuổi 44, anh trở thành một nhà văn tự do, theo AP.

"Công việc cũng được thôi, nhưng tôi không thích nó lắm. Có gì sai khi làm điều mình thích, không vì mục đích tiền bạc chứ?", anh nói.

Tại Trung Quốc, "nằm yên" hiện là một trong những trào lưu sống được nhiều người hưởng ứng. Tiểu thuyết gia Liao Zenghu viết trên tạp chí kinh doanh Caixin: "nằm yên" giống như một "phong trào phản kháng" lại quãng thời gian áp lực dường như vô tận, từ lúc đi học đến khi lao vào guồng quay công việc kiếm tiền.

loi song nam yen o Trung Quoc anh 1

Guo từ bỏ công việc ở thành phố lớn để về nông thôn sống bình lặng. Ảnh: AP.

Không chỉ Trung Quốc, xu hướng này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, khi nhiều người chấp nhận lối sống buông bỏ, chống chủ nghĩa vật chất trước triển vọng việc làm ảm đạm và sự cạnh tranh gay gắt để kiếm tiền.

Bỏ hết vì áp lực

Dữ liệu chính thức cho thấy thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhiều người phàn nàn rằng mức tăng thu nhập của mình vẫn không thể theo kịp các chi phí về nhà ở, nuôi dạy con cái và nhiều yếu tố khác.

Trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là công nghệ, văn hóa "996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) cũng như đang bóp nghẹt cuộc sống của nhiều người.

“Chúng tôi những tưởng rằng chế độ nô lệ đã chết. Thực ra, nó chỉ thích nghi với kỷ nguyên kinh tế mới mà thôi”, cô gái tên Xia Bingbao bình luận trên một diễn đàn mạng.

Cô bác bỏ lập luận rằng những người trẻ "nằm yên" đang từ bỏ thành công về kinh tế mà theo cô, điều đó vốn nằm ngoài tầm với của họ, khi khoảng cách giữa một bộ phận người giàu có và số đông còn lại ngày càng lớn.

Ở độ tuổi 20, một số sinh viên tốt nghiệp loại ưu có triển vọng công việc tốt cũng bày tỏ đã kiệt sức vì "địa ngục thi cử" ở trung học và đại học. Họ không thấy bản thân sẽ được lợi ích gì nhiều khi hy sinh thêm.

“Tôi không còn mặn mà với việc theo đuổi danh vọng, tiền tài. Tôi quá mệt mỏi rồi”, Zhai Xiangyu (25 tuổi) cho biết.

loi song nam yen o Trung Quoc anh 2

Ngày càng nhiều người Trung Quốc mệt mỏi vì cuộc sống cạnh tranh nơi đô thị. Ảnh: AP.

Tại các đô thị lớn, không ít người có công việc ổn định cũng đang lên kế hoạch "về vườn" sớm. Xu Zhunjiong, giám đốc nhân sự ở Thượng Hải, cho biết cô sẽ nghỉ việc ở tuổi 45, trước 10 năm so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu hợp pháp ở phụ nữ, để cùng chồng người Croatia về quê anh sinh sống.

“Tôi muốn nghỉ hưu sớm. Tôi không muốn tranh đấu nữa. Tôi sẽ đi đến những vùng đất khác".

Để sớm được tự do tài chính, không phải phụ thuộc công việc làm công ăn lương, Nana (27 tuổi, kiến trúc sư) đã tiết kiệm từ khi còn thiếu niên.

Tháng 9/2020, khi thấy tài khoản có 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD), cô đã bắt đầu "nằm yên", từ chối công việc có mức lương 20.000 nhân dân tệ/tháng do thời gian làm việc mỗi ngày quá dài và hạn chế cơ hội sáng tạo.

"Tôi muốn thoát khỏi những quy tắc, muốn đi du lịch và khiến bản thân hạnh phúc".

Với Guo, số giờ làm việc mỗi ngày hiện tại của anh nhiều hơn khi làm báo, nhưng anh thấy hạnh phúc hơn, cuộc sống thoải mái hơn. Mỗi ngày, anh và vợ cùng ăn sáng trên ban công tầng 6 thoáng đãng.

"Miễn là tôi có thể tiếp tục viết, tôi rất hài lòng. Tôi không cảm thấy ngột ngạt nữa".

Tuy nhiên, lối sống "nằm yên" này đang bị truyền thông Trung Quốc chỉ trích dữ dội. Trong một bài bình luận, tờ Southern Daily nhận định: "Bản thân đấu tranh là một loại hạnh phúc. Chọn cách 'nằm yên' khi đối mặt với áp lực vừa không chính đáng vừa đáng xấu hổ".

Tờ Guangming Daily cũng bày tỏ quan điểm: "Cộng đồng 'nằm yên' rõ ràng là không tốt cho sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước".

Ảnh cậu bé Trung Quốc mặc váy đi học gây tranh cãi

Chia sẻ câu chuyện con trai 7 tuổi thích mặc váy, ông bố ở Bắc Kinh (Trung Quốc) dấy lên cuộc tranh luận về bản dạng giới và cách dạy con cái.

Mai An

Bạn có thể quan tâm